| Hotline: 0983.970.780

'Từ điển tiếng Việt' của NXB Thanh niên: 'Giao phối' nghĩa là 'kết hôn'!

Thứ Sáu 06/01/2017 , 13:15 (GMT+7)

Đó là định nghĩa của “Từ điển tiếng Việt thông dụng dành cho học sinh - sinh viên” (tác giả Ngọc Hằng - Kỳ Duyên - NXB Thanh Niên, 2016).

Bìa sách, ngoài dòng chữ nhái “Trung tâm từ điển học”, còn có những thông tin rất hấp dẫn, như: “Cập nhật nhiều mục từ mới”, “Nhiều hình ảnh minh hoạ”, sách “Bán nhiều nhất”...

Vậy, sách này “cập nhiều mục từ mới” như thế nào? Xin thưa rằng hoàn toàn ngược lại. Nghĩa là rất nhiều từ cũ, từ dùng sai cách đây ngót một thế kỉ, đã được nhóm tác giả này “khai quật”, sao chép lại để “dành cho học sinh- sinh viên”.

Sau đây là ví dụ về một số cái sai của Nhóm Kim Danh - Ngọc Hằng (KDNH). Chúng tôi sẽ lấy chính cách giảng nghĩa của “Từ điển tiếng Việt” (Vietlex) do Trung tâm Từ điển học (The Lexicography Center – Vietlex) biên soạn (cuốn từ điển này bị Nhóm KDNH làm nhái, chúng tôi sẽ nói rõ ở phần sau), để chỉ ra những sai sót của KDNH (phần ví dụ của Vietlex, chúng tôi xin lược bớt):

- KDNH: “ba ba (dt) Rùa nhỏ ở nước ngọt, có mai dẹp phủ da, không vảy”.

Không đúng, ba ba có thể còn to hơn cả rùa. Vietlex: “ba ba d. động vật thuộc họ rùa, sống ở nước ngọt, mai không có vảy mà được phủ bằng lớp da mềm, bơi nhanh, lặn được lâu”.

- KDNH: “bệnh hoạn dt Bệnh tật và hoạn nạn”.

Giảng thiếu nghĩa, dễ dẫn đến lầm lẫn. Vietlex: “bệnh hoạn • 病患 I d. [id] trạng thái bị đau ốm, bệnh tật [nói khái quát]. Đn: bệnh tật, tật bệnh. • 病患 II t. 1 ở trạng thái có bệnh thường kéo dài. 2 [tư tưởng, tình cảm] không được bình thường, không lành mạnh”.

- KDNH: “bút ký dt. Lời ghi viết bằng tay”.

Vậy viết bằng bàn phím (máy tính), không được gọi là “bút kí” sao? Vietlex: “bút kí 筆記 d. thể kí ghi lại những điều tai nghe mắt thấy, những nhận xét, cảm xúc của người viết trước các hiện tượng trong cuộc sống”.

- KDNH: “cánh kiến dt Cánh con kiến”.

“Cánh kiến” với nghĩa như vậy coi như chưa định nghĩa. Vietlex: “cánh kiến d. 1 côn trùng cánh nửa cỡ nhỏ, sống thành bầy trên cây, tiết ra một chất nhựa màu đỏ thẫm, dùng để gắn. 2 chất do con cánh kiến tiết ra. Đn: cánh kiến đỏ.”

- KDNH: “công nhân dt. Nói chung những người lao động chân tay”.

Nếu vậy thì “công nhân” khác gì nông dân? Vietlex: “công nhân 工人 d. người lao động chân tay làm việc ăn lương, trong các nhà máy, xí nghiệp, công trường, v.v.”.

- KDNH: “công quyền Quyền của người dân trong một nước, quyền công dân”.

Giảng nghĩa phiến diện. Vietlex: “công quyền • 公權 I d. [cũ] các quyền của mọi công dân [nói khái quát] • 公權 II t.thuộc về bộ máy, cơ quan quyền lực nhà nước”.

- KDNH: “định tỉnh dt Thăm hỏi sức khoẻ của cha (thần hôn định tỉnh).

Vậy, thăm hỏi sức khoẻ của mẹ không được gọi là “định tỉnh” hay sao?

- KDNH: “gái dt Người thuộc về giống cái”.

Cách diễn đạt cũ, rất thô. Vietlex: “gái d. 1 người thuộc nữ giới [thường là còn ít tuổi; nói khái quát]; phân biệt với trai. 2 [kng] người phụ nữ [hàm ý coi khinh] : mang tiền cho gái ~ mê gái ~ theo gái”.

- KDNH: “gấm vóc dt. ngb. Hai thứ này dệt bằng lụa tơ tằm”.

Từ này thường được dùng theo nghĩa bóng, chứ không phải nghĩa đen. Vietlex: “gấm vóc d. [vch] gấm và vóc, hai thứ hàng dệt đẹp và quý; thường dùng để ví vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước”.

- KDNH: “gian dâm đt. Đi lấy vợ người ta”.

Giảng như vậy, có nghĩa là “cướp vợ” người ta, chứ đâu phải “gian dâm”? Vietlex: “gian dâm 奸淫 đg. có quan hệ tình dục bất chính, lén lút với nhau”.

- KDNH: “gian phu dt. Người đàn ông có vợ còn đi lấy vợ người khác”.

Đây cũng không phải là nghĩa của “gian phu”. Vietlex: “gian phu 奸夫 d. [cũ] người đàn ông thông dâm với người đàn bà đã có chồng”.

- KDNH: “giao phối đt. Kết hôn”.

Đây là nghĩa mà một số từ điển biên soạn trước 1975 có giảng. Tuy nhiên, hiện nay, “giao phối” được hiểu là hoạt động tính giao của động vật đực, cái, chứ không dùng cho người, càng không có nghĩa là “kết hôn”. Vietlex: “giao phối 交配 đg. như giao cấu [không nói về người]”. Hán điển (zidic.net): “giao phối: chỉ hoạt động tính giao giữa động vật đực và cái; sự kết hợp tế bào sinh thực ở thực vật với nhau.”…

Vậy Ngọc Hằng - Kỳ Duyên là ai mà biên soạn từ điển cẩu thả đến vậy?

Trước đó, trên Báo NNVN có bài “Nhiều sai sót trong Từ điển tiếng Việt” (NXB Từ điển Bách khoa), chúng tôi đã từng chỉ ra những cái sai nghiêm trọng của hai tác giả Kim Danh - Ngọc Hằng. Ở bài báo đó, chúng tôi có viết: “Đáng chú ý, “Từ điển tiếng Việt” (phổ thông và dành cho học sinh) của Nhóm tác giả thường thay tên đổi họ dưới các bút danh Kim Danh - Ngọc Hằng; Kim Anh - Ngọc Hằng; Kỳ Duyên - Ngọc Hằng - Đức Bốn... được Nhà xuất bản Thanh Niên, Nhà xuất bản Đồng Nai phát hành rất nhiều và cũng rất nhiều sai sót. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong một bài viết khác”.

Khi chúng tôi chưa kịp “trở lại vấn đề”, thì nhóm tác giả này và NXB Thanh Niên đã “trở lại” dưới bút danh Ngọc Hằng - Kỳ Duyên, với những cái sai mới, nghiêm trọng hơn.

Trước đây, Nhóm tác giả này thường trương mấy chữ “Ngôn ngữ Việt Nam” lên đầu trang bìa, khiến người mua nhầm lẫn từ điển do “Viện ngôn ngữ học” biên soạn.

Đây là kiểu cố tình lập lờ đánh lận con đen, bởi đã là “Từ điển tiếng Việt”, thì không phải “Ngôn ngữ Việt Nam” thì là gì? Sau nhiều vụ bê bối trong biên soạn và xuất bản từ điển tiếng Việt, kiểu làm nhái thương hiệu này bị phản đối, thì Nhóm biên soạn Ngọc Hằng - Kỳ Duyên và NXB Thanh Niên lại “lập lờ”, làm nhái một cái tên có uy tín khác, đó là “Hội ngôn ngữ học”, hoặc “Trung tâm từ điển học” (vốn có tên chính thức là “Trung tâm Từ điển học – Vietlex” do GS Hoàng Phê sáng lập).

Cụ thể, “Từ điển tiếng Việt thông dụng dành cho học sinh - sinh viên” phía trên cùng bìa 1, ghi “Ngọc Hằng - Kỳ Duyên, Trung tâm từ điển học”. Một cuốn khác (cũng do NXB Thanh Niên ấn hành), ghi “Kỳ Duyên - Đăng Khoa, Hội ngôn ngữ học”. Không rõ “Trung tâm từ điển học” của các vị Ngọc Hằng - Kỳ Duyên - Đăng Khoa là “Trung tâm từ điển học” nào? “Hội ngôn ngữ học” nào, ở đâu? Tên tuổi của các nhà “từ điển học”, mà sao giống như mượn tên con cái làm bút danh vậy?

Đáng chú ý, 2 cuốn từ điển của NXB Thanh Niên có nội dung khác nhau (một cuốn 1090 trang, một cuốn 505 trang), nhưng đều có chung: “Giấy ĐKKHXB số: 293- 2015/CXB/888- 09/TN; Quyết định xuất bản số: 397/QĐ- TN/CN, in xong và nộp lưu chiểu tháng 1 năm 2016”.

Nhóm tác giả và NXB Thanh Niên thường thay tên, đổi họ, xào xáo nội dung để xuất bản sách với nhiều phiên bản khác nhau, nên có cuốn ngoài bìa 1 ghi tác giả là “Kỳ Duyên - Đăng Khoa, Hội ngôn ngữ học”, nhưng bìa trong lại thành “Ngọc Hằng - Kỳ Duyên” (!)

Trên đây chỉ là những sai sót mà chúng tôi lược trích bởi trong khuôn khổ một bài báo không thể nêu hết. Điều đáng nói là Nhóm biên soạn “Kỳ Duyên - Ngọc Hằng - Đăng Khoa” và NXB Thanh Niên còn xuất bản cả từ điển chính tả tiếng Việt rất nhiều sai sót. Chúng tôi sẽ có bài viết riêng về cuốn từ điển chính tả này.

Xem thêm
Vợ NSND Công Lý phẫn nộ khi chồng bị tung tin đồn xấu

Vợ nghệ sĩ Công Lý đã vô cùng bức xúc và phải lên tiếng làm rõ trước thông tin giả đang được lan truyền trên mạng thời gian gần đây.

HLV Hoàng Anh Tuấn: 'U23 Việt Nam hướng đến kết quả tốt nhất trước Malaysia'

U23 Việt Nam đã hoàn tất sự chuẩn bị trước lượt trận thứ hai gặp U23 Malaysia tại bảng D VCK U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm