Tháng 5/2013 Chi cục BVTV tỉnh Yên Bái triển khai xây dựng mô hình "Cộng đồng tự quản thu gom bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng” tại 2 xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh là Tân Đồng, huyện Trấn Yên và Đại Phác, huyện Văn Yên.
Dự án hỗ trợ 2 xã xây dựng 38 bể chứa (trong đó 30 bể nhỏ và 8 bể lớn) ngay trên các cánh đồng để chứa chai lọ, vỏ bao bì thuốc BVTV. Trạm BVTV các huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật cho các hộ dân về sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc "4 đúng"...
Đại Phác là xã điển hình xây dựng nông thôn mới nên người dân có trình độ thâm canh cao, việc sử dụng thuốc BVTV cho các loại cây trồng số lượng nhiều so với các nơi khác.
Song từ trước tới nay, chai lọ, vỏ bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng không có chỗ chứa mà chủ yếu vứt bừa bãi ngoài cánh đồng, trên đường đi, nơi pha thuốc, bờ mương, bờ ruộng… Do vậy ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, làm ô nhiễm nguồn nước.
Từ khi có mô hình “Cộng đồng tự quản thu gom bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng” thì tình trạng này đã thay đổi hoàn toàn. Các hộ đã ý thức được những tác hại khi vứt bừa bãi vỏ bao bì thuốc trừ sâu bệnh, thuốc diệt cỏ xuống mương, xuống ruộng. Từ đó họ tự giác vận động lẫn nhau bỏ vỏ bao bì thuốc đã sử dụng vào các bể chứa.
Từ khi mô hình tự quản đi vào hoạt động, trên các cánh đồng của xã Đại Phác không còn tình trạng chai lọ, vỏ bao thuốc BVTV vứt bừa bãi. Điều này góp phần tích cực để địa phương thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng NTM. |
Trước khi xây dựng bể chứa, các hộ dân đã được họp bàn, lựa chọn vị trí phù hợp, dựa theo bản đồ quy hoạch của xã. Điểm xây dựng thuận tiện đường giao thông, phân bố hợp lý, thuận lợi cho bà con khi tiến hành pha chế, không ảnh hưởng môi trường xung quanh.
Ông Hoàng Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Phác chia sẻ: “Thấy được hiệu quả từ mô hình, trong thời gian tới địa phương sẽ đầu tư xây dựng thêm nhiều bể chứa hơn nữa để nông dân sử dụng”.
Tại xã Tân Đồng, tháng 9/2013 đã thành lập nhóm tự quản gồm 5 người, có 1 nhóm trưởng và 4 trưởng thôn là thành viên. Nhóm tự quản chịu trách nhiệm phụ trách khu vực, cánh đồng về việc kiểm tra, giám sát khi người dân phun thuốc, số bao bì sau khi sử dụng xong được đưa vào các bể nhỏ. Sau khi các bể nhỏ đã đầy sẽ tiến hành vận chuyển tới các bể lớn để thu gom và tiêu hủy.
Thấy sự chuyển biến rõ rệt từ mô hình, trong thời gian tới xã Tân Đồng sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng tới tất cả các thôn để từ đó thực hiện tốt tiêu chí về môi trường.
Bà Trần Thị Kiều Nhung, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Đồng cho biết: “Khi đi kiểm tra đồng ruộng, chúng tôi thấy những chai lọ, bao bì thuốc BVTV được bỏ vào đúng nơi quy định; không còn tình trạng vứt bừa bãi dưới mương, dưới ruộng nữa.
Mô hình này thực sự đã thay đổi được suy nghĩ và hành động của người dân nên chúng tôi sẽ phấn đấu nhân rộng tới tất cả các thôn để làm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường”.
Tuy chỉ mới được triển khai và đi vào hoạt động được 1 năm nhưng mô hình “Cộng đồng tự quản thu gom bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng” bước đầu đã phát huy hiệu quả khá tích cực, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ và nông dân.
Song rác thải từ chai lọ, vỏ bao bì thuốc BVTV không thể tiêu hủy bằng cách chôn hoặc đốt như các loại rác thải thông thường. Vì vậy để giảm tác hại với môi trường, cần có sự quan tâm của các ngành chức năng để tiêu hủy đúng quy trình và đảm bảo an toàn.