| Hotline: 0983.970.780

Từ 'Tấc đất' đến 'Nông nghiệp Việt Nam': Bền bỉ phổ biến kiến thức khoa học

Thứ Năm 12/11/2015 , 06:35 (GMT+7)

Cơ quan ngôn luận của Bộ Canh nông cũng chính là diễn đàn phổ biến kiến thức khoa học đến với người nông dân./ Nơi quy tụ những trí thức đầu ngành


Bài “Mấy điều nhận xét về loài cam quýt trồng tại vườn Tây Lộc (Thuận Hóa)” của hai kỹ sư Nông học Vũ Ngọc Tuyên và Bùi Huy Đáp

Trong bài “Mấy điều nhận xét về loài cam quýt trồng tại vườn Tây Lộc (Thuận Hóa)” (Việt Nam canh nông tập san, số 2/1946) của hai kỹ sư nông học Vũ Ngọc Tuyên và Bùi Huy Đáp đã chỉ dẫn những điểm bất lợi và hướng tới môi trường trồng mới, chuyển ra Thanh Hóa.

Cụ thể, cam quýt được trồng ở vườn thí nghiệm Tây Lộc, Thuận Hóa (nay là Thừa Thiên- Huế - PV) do Sở Canh nông Trung Kỳ lập ra từ năm 1937. Nhiều giống cam, quýt, bưởi cả ở trong nước lẫn ngoại quốc đều được tập trung tại đây. Cuối năm 1942, kỹ sư nông học G. Frontou, Giám đốc Sở Canh nông Trung Kỳ đã công bố những kết quả đầu tiên sau ba vụ hai trái. Tuy nhiên, phải đến năm 1945-1946, cây mới bước vào thời kỳ sinh trưởng mạnh mẽ và điều hòa nhất. Vì thế, Vũ Ngọc Tuyên và Bùi Huy Đáp đã bổ khuyết những kết quả đầu tiên, đồng thời mở ra những xu hướng nghiên cứu trong tương lai.

Ngoài khảo cứu giống (cam, quýt, bưởi), điều kiện chuyên môn của thí nghiệm (khí hậu, phương pháp chăm sóc), hai tác giả nghiên cứu cả những loại bệnh gây hại cho cây, trong đó có bệnh ghẻ quả, bệnh khô cành.

“Chúng tôi có nhờ ông Roger, nguyên Trưởng ban Bệnh cây học tại Viện Khảo cứu nông lâm Đông Dương, khảo sát về bệnh khô cành. Theo ông Roger, thì bệnh khô cành là do một thứ nấm Giomerella cingulata (Ston) gây nên. Thứ nấm này không riêng gì cho loài cam quýt mà thường phá hại nhiều thứ cây khác ở Việt Nam”.

Các tác giả kết luận, “các giống cam quýt đã được thí nghiệm ở Huế, trong những điều kiện khí hậu và chuyên môn bất lợi”. Từ đó, họ đề xuất đưa đến một vườn thí nghiệm mới đặt tại Vân Du, Thanh Hóa, nơi có giống cam Bố Hạ. 

“Dù sao vùng đất đỏ Thanh Hóa với hàng vạn héc-ta đất tốt chưa khai khẩn có thể là một vùng sản xuất cam quýt sau này. Tiếc rằng khí hậu hơi độc, nhưng đấy không phải là một trở lực không thể vượt qua vì vùng cao nguyên nào mới khai khẩn mà chả độc, miễn là kiên tâm làm việc và làm việc có quy củ và phương pháp. Vậy một sở thí nghiệm về cam quýt có thể lập tại đó”.

Kỹ sư Bùi Huy Đáp còn có các bài phổ biến kỹ thuật khác như “Lai ngô để chọn giống tốt” (Tập san Canh nông, số 5, tháng 12/1953).

Trong bài “Đẩy mạnh phong trào phân bón” (Tập san Canh nông, số 8, tháng 5-6/1954) ông viết: Cần chú ý đến dùng phân đúng cách và kết hợp việc ủ phân, dùng phân với các kỹ thuật cải tiến khác như gieo mạ thưa, làm cỏ bón phân đúng lúc đúng cách, trồng màu đúng cách…

Kỹ sư nông học Vũ Công Hậu trong “Tương lai của nghề trồng bông ở nước Việt Nam” đã hướng đến cải cách “khi ăn đã đủ no thì mặc lại càng cần”. Mục đích làm sao cho dân đủ mặc, trong khi một thực tế diễn ra lúc đó là, người vô ý tới đâu cũng nhận thấy đại đa số dân ta “rách rưới quá”. Ông hướng tới một mục đích làm sao cho dân đủ mặc, “nghề trồng bông đã hy vọng lắm”.

Vũ Công Hậu bàn đến việc cải cách theo hai hướng, về phương diện xã hội và về phương diện chuyên môn. Phương diện xã hội, nghề trồng bông phải tăng sản xuất cả về lượng lẫn về phẩm (chất - PV). Muốn tăng về lượng thì mở rộng sản xuất. Đất sản xuất chính là rút bớt từ đất trồng lúa, sẽ cho giá thành thu nhập cao. Muốn tăng về chất, phải đánh đổ những thành kiến hẹp hòi về kinh tế tự túc.

“Thời đại này là thời đại phân công nếu cái gì mình sản xuất ra, mình lại tự dùng lấy thì không sao tiến bộ được”. Vũ Công Hậu hướng tới tới mô hình sản xuất lớn, đó là “làm việc tập đoàn” và “lập hợp tác xã”.

Trong phong trào vận động nhân dân dùng bừa cỏ lúa (Tập san Canh nông, số 8, tháng 5-6/1954), tác giả Phan Phước nêu mấy kinh nghiệm: Việc phổ biến phải cụ thể, cần tổ chức các cuộc học tập để cán bộ và nông dân mắt được trông thấy bừa, tay được tự kéo bừa. Sau khi thực tập cần phát động phong trào thi đua làm cỏ. Theo dõi kỹ để hướng dẫn cách thức đóng bừa, dùng bừa. Tổ chức rút kinh nghiệm để cải tiến bừa cỏ càng ngày càng tốt.

Ở phương diện chuyên môn, ông vạch rõ những hạn chế của bông nước ta như bông trái mùa, cách thức hái cẩu thả, “lợi không bù hại”. Kỹ sư Vũ Công Hậu hướng người nông dân chuyển từ trồng bông từ mùa hanh, hái vào mùa mưa, sang trồng bông vào mùa mưa để hái vào mùa thu.

“Ở Bắc bộ rất có thể gieo bông vào tháng 5, tháng 6 dương lịch để có thể hái được vào tháng 9, tháng 10. Ở Trung bộ và Nam bộ vì mùa mưa chậm hơn nên gieo lùi lại từ một đến hai tháng nhưng như thế sẽ bỏ hẳn vụ cấy lúa mùa”. Về giống bông tốt, ông lưu ý người nông dân, dù có nhập khẩu giống thì đều phải chú ý đến hai điều kiện là được hái sớm và không cần nắng lâu trái bông cũng nở được. Đó là những đường lối nên theo “để cải cách nghề trồng bông nước nhà” (Việt Nam canh nông tập san, số 2/1946).

Bác sỹ thú y Phạm Văn Huyến truyền bá những kiến thức về bệnh truyền nhiễm súc vật như: Bệnh dịch trâu bò, bệnh nhiệt thán, bệnh thư thán, bệnh sốt lở mồm long móng, bệnh yết hầu trâu bò, bệnh lợn đóng dấu, bệnh chó dại, bệnh dịch gà…

Thực tế, chỉ trong hai năm 1945-1946, bệnh dịch diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Gánh nặng đều dồn lên Bộ Canh nông. Tôi từng được đọc nhiều văn bản báo cáo và kết quả xử lý tình hình dịch bệnh ở các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bạc Liêu, Tân An… khi tiếp cận phông hồ sơ Bộ trưởng Huỳnh Thiện Lộc và Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn.

Tuy nhiên, nếu trước 1945 còn chưa tìm được phương pháp gì cứu chữa súc vật bị bệnh truyền nhiễm hoành hành làm thiệt hại vô kể cho người nông dân thì đến cuối năm 1945 “Sở Thú y đã tiến bộ nhiều và làm được nhiều công cuộc ích lợi cho nghề nông và nghề chăn nuôi trong xứ” (Việt Nam canh nông tập san, số 2/1946).

Còn kỹ sư Trần Văn Hà phổ biến mô hình nuôi cá ruộng ở xã Đông Thành, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ của Trần Văn Hà (Tập san Canh nông, số 5, tháng 12/1953), “Công tác hướng dẫn chăn nuôi trâu bò trong mùa rét 1952-1953” (Tập san Canh nông, số 4, tháng 10/1953); “Phòng dịch bệnh cho gia súc trong vụ mùa” (Tập san Canh nông, số 8, tháng 5-6/1954).

Xem thêm
Vụ diễn viên Vương Tinh mất tích: Tìm thấy trong tình trạng không ai ngờ

Diễn viên Vương Tinh - sao nam điện ảnh Hoa ngữ đã được tìm thấy sau nhiều ngày gia đình và cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm. 

Man.City tìm lại cảm giác chiến thắng

Man 'xanh' bắt đầu lấy lại phong độ và quyết không bỏ cuộc khi giành thêm chiến thắng tại vòng 20 giải Ngoại hạng Anh 2024/2025.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.

Bình luận mới nhất