| Hotline: 0983.970.780

Từ 'Tấc đất' đến 'Nông nghiệp Việt Nam': Vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu

Thứ Sáu 13/11/2015 , 09:15 (GMT+7)

Đọc lại những bài viết trên báo Nông nghiệp từ hơn nửa thế kỷ trước, truyền thống gắn bó với nông dân của báo vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu./ Bền bỉ phổ biến kiến thức khoa học

Cây bút Xuân Khang

Theo lời kể của nhà văn Nguyễn Sinh, nguyên PV báo NNVN, nhà báo Xuân Khang là một trong những PV đầu tiên. Ông là tác giả của nhiều bài viết mang tính thời sự về những mô hình mới trong nông nghiệp.

Một trong số những bài báo của ông còn lưu lại đến nay là thanh niên xã Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội - PV) trồng xoan hưởng ứng phong trào Tết trồng cây đầu tiên năm 1960.

Tuy là phóng sự ảnh nhưng các yếu tố kỹ thuật được tác giả hướng dẫn rất cụ thể, chi tiết, sinh động. Với quả xoan: chọn quả tốt rồi lấy nước vôi pha loãng, hoặc nước ấm đổ hạt vào ngâm 2 đêm 2 ngày cho róc vỏ, rữa thịt. Khi trồng cây áp dụng đúng kỹ thuật: mỗi hố đào sâu 30 phân, rộng 30 phân, bón 2 cân phân ủ mục, lấp đất đi, còn để sâu cách miệng hố 2 phân, như thế, mưa to không úng nước, nắng to không khô nẻ, cây đủ ấm mọc nhanh.

Lá xoan băm nhỏ, ủ thối, hòa nước tưới cho cây vừa trừ được sâu bệnh, vừa tốt mấu, cây mọc khỏe. Tác giả còn chú ý tới kỹ thuật xử lý cây mọc cong bằng cách hướng dẫn cho người nông dân: Lấy con dao chích dọc một đường dài theo chiều cong, chỉ chích lớp vỏ ngoài, không chạm vào lõi cây bên trong. Mấy tháng sau, cây xoan lại mọc thẳng.

Với các mô hình chăn nuôi tiên tiến điển hình, Xuân Khang có mặt để phản ánh kịp thời. Ông tới thăm hồ nuôi cá 6/1, nguồn lợi to lớn của 1938 xã viên trong 21 HTX thuộc 3 xã Hồng Phong, Hồng Thái và Hiệp Lực, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

Không chỉ đưa tin thông tấn, ông còn chú ý chuyển tải những kiến thức khoa học, những phương pháp kỹ thuật mới và kinh nghiệm thành công để qua báo Nông nghiệp truyền tải tới người đọc là hàng triệu nông dân cả nước: “Việc đánh cá, thả cá trong hồ cũng theo quy cách kỹ thuật tiến bộ: đánh cá nhiều lần, thả cá nhiều kỳ, mỗi lần đánh lên phải thả xuống theo tỷ lệ “đánh 8 thả 10” để đảm bảo mật độ cá nhất định”.

Với các loại nông cụ cải tiến, Xuân Khang cũng sát sao. Ông giới thiệu mô hình máy bơm nước 6/1 của HTX thôn Đoài, xã Tiên Nội, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

“Bơm nước làm bằng tôn và gỗ. Cách làm đơn giản, giá thành chừng 50 đồng một chiếc. Mỗi phút bơm được 600 lít nước đưa lên cao một thước”. Với bừa cỏ ngô của HTX Phú Động, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, ông cũng giới thiệu mô hình đơn giản, dễ làm “Năng suất của bừa so với người sới bằng cuốc thường nhanh gấp 4 đến 5 lần”.

Lên rừng, xuống biển, trên đồng ruộng hay ra khơi, ra lộng đều thấy dấu chân của phóng viên Xuân Khang. Ông lên Hòa An, Cao Bằng viết về tấm gương anh Phạm Trung Pồn sáng chế nông cụ; ông ra vùng biển Kiến An (này là thành phố Hải Phòng) lên thuyền vượt biển ra khơi với ngư dân các HTX Quyết Tiến, Thành Công và Thắng Lợi.

Đến đâu, Xuân Khang cũng chú ý tới việc cải tiến kỹ thuật. Con người với những sáng kiến của mình đã tạo ra sức mạnh. Lưới giã đôi của Trung Quốc, khi đánh cá, lưới rùng lại, cá dưa, cá sao, cá tải ú là những loài khỏe phá lưới thoát ra ngoài. Ngư dân Kiến An chế ra cái hom, mắc lên trên túi cá, thêm sợi dây buộc đáy hom xuống đáy túi cho nước chảy, hom khỏi lộn ra ngoài. Vì thế, cá qua hom vào túi là không thể ra ngoài được nữa.

Hoặc sửa cây xích hầu (còn gọi là cây khủng khẳng) được đóng thêm cái guốc, hai mép soi hai đường rỗng và bỏ chì vào cho nặng nên cây xích hầu luôn giữ được thẳng, hai mép lưới không bị lộn lên như trước. Rồi miệng phễu của mặt bằng trước như nhau nên cá vào chạm phải mép dưới, thúc lên mép trên, không bị vướng gì nên ra mất. Ngư dân cải tiến dần 62 quai thêm vào mép trên để khi cá thúc lên vướng phải lưới quay vào bị mắc lưới…

Những sáng kiến của người dân trong khắp các vùng miền cả nước từ một phạm vi hẹp của địa phương, qua báo Nông nghiệp ngày ấy, đã dần được phổ biến ra cả miền Bắc. Nhiều địa phương khác học tập, áp dụng và cải tiến cho phù hợp hơn với đặc điểm riêng của mình.

Mỗi bài viết của Xuân Khang ngắn gọn, súc tích mà vẫn đầy vui nhộn, mang các thông tin khoa học như “Cá tập thể dục”, “Thầy lang cá”, “HTX Vạn điểm lấy mùa bù chiêm”, “Cánh đồng cá”,…

Tiếng cười Nhát Cuốc

Báo Nông nghiệp không chỉ truyền bá kiến thức đến với người nông dân bằng các bài viết chuyên môn, khoa học, mà còn bằng những hình thức phong phú khác, mà một trong số đó là các bài thơ châm biếm của Nhát Cuốc: “Sợ thừa phân”, “Xin đừng chê ỉ chê eo”, “Đừng “phóng sinh”, "Đừng vứt sâu đi”,...

img-6790153637551
Bài thơ “Sợ thừa phân” của Nhát Cuốc

Bằng lối viết trào phúng, tiếng cười chế giễu một cách vui vẻ vừa tạo ra không khí thoải mái, tươi vui cho cả người đọc lẫn người bị phê phán. “Anh ơi nghĩ lại thương cùng/ Trâu cày đi chậm cầm chừng vì ai?/ Vì anh bỏ đói lâu ngày/ Không lo chăm sóc trâu gầy dần đi/ Cỏ rơm không chú ý gì/ Nước cho uống ở ao tù bẩn đen/ Chuồng thì không chịu dựng lên/ Mặc trâu tắm gội sương đêm lạnh lùng” (Anh ơi nghĩ lại thương cùng).

Để tuyên truyền chính sách chỉ thịt lợn nuôi khi đủ 1 năm, báo Nông nghiệp có bài “Con lợn kêu oan” của Đỗ Đạo mượn lời con lợn mới được 6 tháng suýt bị giết thịt: “Lợn biết vậy ròng ròng nước mắt: Rằng xin ông xét lại cho tôi/ Khoan tay đừng giết ông ơi/ Tuổi tôi vừa sáu tháng trời còn non”. Sau khi viện dẫn các lý do, con lợn đã đem chính sách Nhà nước ra: “Tôi nghe chính sách rõ ràng: “Lợn thịt nuôi phải một năm mới là”.

Ngày nay, thời gian nuôi lợn thịt đã dược rút ngắn xuống chỉ còn một nửa, song còn nhiều chính sách của ngành chăn nuôi vẫn cần phải có những tiếng chuông cảnh tỉnh vừa trào phúng vừa có tính pháp chế chế định.

Xem thêm
Vụ diễn viên Vương Tinh mất tích: Tìm thấy trong tình trạng không ai ngờ

Diễn viên Vương Tinh - sao nam điện ảnh Hoa ngữ đã được tìm thấy sau nhiều ngày gia đình và cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm. 

Man.City tìm lại cảm giác chiến thắng

Man 'xanh' bắt đầu lấy lại phong độ và quyết không bỏ cuộc khi giành thêm chiến thắng tại vòng 20 giải Ngoại hạng Anh 2024/2025.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.

Bình luận mới nhất