Cùng với đặc điểm sản xuất nông nghiệp, trong nền kinh tế thị trường, kinh tế hộ nông dân có những hình thái chủ yếu là Hộ tự cung tự cấp hoàn toàn, Hộ sản xuất hàng hoá nhỏ, Hộ sản xuất hàng hoá là chủ yếu và Hộ sản xuất hàng hoá hoàn toàn.
Hộ tự cung tự cấp hầu như chưa tạo được sự phân công lao động xã hội. Đặc trưng cơ bản của hộ sản xuất hàng hoá nhỏ là nông sản làm ra chưa theo quan hệ cung-cầu và ruộng đất không được sử dụng đúng với tiềm năng sinh học vốn có. Đây là nguyên nhân sâu xa kìm hãm phân công lao động xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Hộ sản xuất nông sản hàng hoá là loại hình nông dân gia đình sản xuất hướng vào mục tiêu cung cấp cho thị trường và giữ lại một phần để tiêu dùng trực tiếp. Loại hình hộ này đã thúc đẩy quá trình chuyên môn hoá, phân công lao động sản xuất; đây là nấc thang quan trọng của kinh tế hộ nông dân để chuyển dần lên sản xuất hàng hoá hoàn toàn.
Với đặc trưng sản xuất hướng theo nhu cầu thị trường, quy mô của hộ nông dân sản xuất hàng hóa hoàn toàn do thị trường điều tiết; sức lao động và đất đai trở thành đầu vào trực tiếp của sản xuất; nông sản làm ra được tiêu thụ trên thị trường và bị chi phối bởi các quy luật của thị trường.
Ở trình độ của mô hình sản xuất này, nông nghiệp gia đình có thể vận động trong một không gian rộng, khả năng cơ động cao, đầu vào của sản xuất như vốn, tư liệu sản xuất, công nghệ, đất đai, lao động, vật tư… được tiền tệ hóa, còn đầu ra là nông sản hàng hóa và đất đai đươc giải thoát để thực hiện “quan hệ sinh lời”.
Đây là lý do làm cho quan hệ ruộng đất và các yếu tố sản xuất ở những vùng nông sản hàng hoá có sự vận động năng động, thích ứng với tác động của cơ chế thị trường, làm thay đổi cả về cơ cấu, quy mô sản xuất và mục đích sử dụng đất đai.
Đất đai, tư liệu sản xuất, vốn và lao động là những điều kiện quan trọng, song quyết định nhất đối với hộ sản xuất nông sản hàng hoá lại là năng lực sản xuất - kinh doanh. Sự khác biệt về năng lực sản xuất - kinh doanh của hộ gia đình là yếu tố tác động quyết định đến mức độ mở rộng sản xuất nông sản hàng hoá. Có những hộ hướng vào tích tụ ruộng đất, mở rộng quy mô canh tác; ngược lại, không ít hộ kém phát triển phải giảm quy mô canh tác hoặc chuyển sang lĩnh vực hoạt động khác.
Quá trình phát triển, phân tầng, phân hóa kinh tế hộ nông dân là cơ sở khách quan của sự ra đời đa dạng, đa trình độ, đa quy mô của hình thức hợp tác và liên kết sản xuất kinh doanh nông nghiệp dựa trên sự phát triển của kinh tế hộ nông dân.
Tại Việt Nam, tháng 8/1955, 6 HTX nông nghiệp đầu tiên theo hình thức tập thể hóa đã được thí điểm xây dựng. Đến đến cuối năm 1957, 42 HTX nông nghiệp ở quy mô thôn, xóm xây dựng theo hình thức góp ruộng đất, tư liệu sản xuất “làm chung, ăn chung”, phân phối lợi ích theo công điểm được hình thành.
Năm 1993, Luật Đất đai ra đời, công nhận tư cách chủ thể của kinh tế hộ nông dân, Cùng với Luật này, Luật HTX năm 1996 đã thay đổi cơ bản vai trò của HTX. Theo đó, vị trí của HTX từ chỗ là đơn vị hạch toán của Nhà nước ở nông thôn đã chuyển sang là tổ chức kinh tế tập thể, có nhiệm vụ hỗ trợ và cung cấp dịch vụ cho xã viên. Với nội dung ban hành, lần đầu tiên những nguyên tắc như tự chủ, tự chịu trách nhiệm, quản lý dân chủ và bình đẳng được vận dụng trong Luật HTX ở Việt Nam.
Thích ứng với trình độ phát triển của lực lượng lao động nông thôn, mô hình kinh tế hợp tác và tổ chức HTX nông nghiệp đã phát triển với nhiều loại hình phong phú. Những mô hình HTX đa dạng xuất hiện trong thực thi Luật HTX 2012 mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao, đã góp phần thiết thực vào đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên không thể có HTX tốt nếu không có kinh tế hộ nông dân năng động.
Khi nghiên cứu về lịch sử kinh tế hợp tác, nhiều phân tích cho rằng, vào đầu thế kỷ XII, những hợp tác xã đầu tiên đã được hình thành trong lĩnh vực chế biến nông sản ở vùng núi phía đông nam nước Pháp. Do chưa có kho lạnh để bảo quản sữa nên họ phải hợp sức với nhau chế biến thành pho mát, chở về bán ở các chợ, rồi chia nhau kết quả theo lượng sữa mà mỗi người đóng góp. Hành động tập thể trong hợp tác ban đầu của người nông dân đã được ra đời như vậy. (Đào Thế Tuấn, 2003)