| Hotline: 0983.970.780

Từ tư duy khoán hộ đến xu thế kinh tế hộ gia đình

[Bài 2] Sức mạnh thực tiễn vượt cú vấp 'giáo điều'

Thứ Tư 13/01/2021 , 10:17 (GMT+7)

Khoán hộ thực chất là gắn lợi ích của người nông dân với kết quả lao động của mình, khắc phục tình trạng 'dong công, phóng điểm' và lãng phí nguồn lực trong nông nghiệp.

Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc chỉ đạo sản xuất nông nghiệp tại xã Lãng Công, huyện Sông Lô.

Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc chỉ đạo sản xuất nông nghiệp tại xã Lãng Công, huyện Sông Lô.

Tuy nhiên, khoán hộ gặp phải tư duy giáo điều lúc bấy giờ lấn át.

Ngày 6/11/1968, tại hội nghị cán bộ tỉnh Vĩnh Phú, khoán ruộng bị phê phán “dẫn đến hậu quả phát triển tư tưởng tư lợi, làm phai nhạt ý thức tập thể của xã viên, thủ tiêu phong trào thi đua yêu nước trong HTX; kìm hãm và đẩy lùi cách mạng kỹ thuật trong nông nghiệp; phục hồi và phát triển lối làm ăn riêng lẻ, đẩy HTX vào con đường thoái hóa và tan rã”…

Ngày 12/12/1968, Trung ương ra Thông tư số 224 “về chấn chỉnh công tác ba khoán và quản lý ruộng đất của HTX sản xuất nông nghiệp ở một số địa phương” nhận định việc khoán hộ ở Vĩnh Phú là buông lỏng quản lý, khoán trắng ruộng đất, khoán cả công cụ sản xuất cho hộ dẫn đến tư hữu hoá, trái với đường lối HTX của Đảng, phá vỡ nguyên tắc quản lý xã hội chủ nghĩa, phục hồi kinh tế cá thể tư bản chủ nghĩa…

Vào thời điểm Nghị quyết 68 ra đời, “khoán hộ” chưa phù hợp với chủ trương đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa của Trung ương và được coi là vi phạm đường lối của Đảng về phát triển nông nghiệp, đã đưa người khởi xướng vào những trắc trở.

Tuy nhiên, Kim Ngọc vẫn kiên định suy nghĩ của mình theo hướng xã viên không coi ruộng đất là của mình nên chẳng thiết tha gì với đồng ruộng. Phải để nông dân làm chủ mảnh đất của mình; không thể bỏ khoán hộ; phải tìm mọi cách duy trì dưới những hình thức khác nhau. Có thể khoán cho hộ làm một khâu hoặc nhiều khâu sản xuất trong thời gian dài hoặc suốt vụ; khoán sản lượng lượng cho nhóm và cho hộ.

Thực tế khoán hộ từ Vĩnh Phúc vẫn lan tỏa, được vận dụng ra nhiều địa phương ở miền Bắc. Nhiều người đã coi khoán hộ là bước mở đầu cho tư duy mới về quản lý kinh tế HTX. Tư duy này đã mở đường cho khoán hộ ở Đồ Sơn năm 1978 cùng nhiều nơi khác âm thầm áp dụng khoán hộ của ông Kim Ngọc.

Đó là các tiền đề, thực tiễn để ngày 13/1/1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 100-CT/TW về mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong các hợp tác xã. Tiếp đó, ngày 5/4/1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10-NQ/TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (còn gọi là “Khoán 10”) khẳng định hộ gia đình là đơn vị kinh tế tự chủ, làm thay đổi căn bản nền kinh tế nông nghiệp của cả nước.

Như vậy là, sau hơn 22 năm, những hạt nhân hợp lý của khoán hộ đã được Trung ương Đảng khẳng định.

Khoán hộ là một đột phá từ phân khúc sản xuất, nhưng tác động đến toàn bộ cả hệ thống “tam nông”, do vậy có tính cách mạng xã hội sâu sắc. Với sản xuất nông nghiệp, ngăn chặn trì trệ, rồi làm tăng vọt năng suất, kéo theo tăng năng suất xã hội mà không phải đầu tư lớn (hạ tầng, kỹ thuật, nhân lực…).

Với nông dân, gỡ bỏ trì trệ do tổ chức sản xuất gây ra (HTX cũ trở nên gò bó, chỉ huy động 1 chiều, phân phối bình quân, thu nhập quá thấp làm triệt tiêu động lực…).

Với khu vực nông thôn, mô hình khoán tiến triển từng bước khoán việc sang khoán sản, đến khoán hộ (Khoán 100, Khoán 10).

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, bài học về khoán hộ ở Vĩnh Phú còn mãi giá trị, không phải ở cách cụ thể mà ông Kim Ngọc giải quyết mà là ở chỗ ông đồng cảm sâu sắc trước tình cảnh đói nghèo của người dân, cùng đau nỗi đau của họ và dám tháo bỏ những quy định mà thực tiễn đã chứng tỏ không phù hợp để thúc đẩy phát triển.

Cùng với việc trăn trở tìm tòi mô hình quản lý của Kim Ngọc và các nhà quản lý khác, trong lĩnh vực khoa học quản lý phát triển, hộ nông dân và kinh tế hộ cũng được tích cực khảo cứu làm cơ sở cho việc khẳng định luận điểm “hộ là đơn vị kinh tế tự chủ”. Các kết quả được công bố trong nhiều tài liệu, trong đó có tác phẩm “Kinh tế Hộ nông dân” của GS.VS Đào Thế Tuấn, một trong những cơ sở lý luận về kinh tế hộ nông dân của Việt nam trong thời kỳ Đổi mới.

Kinh tế hộ nông dân hàm chứa những tư cách liên hệ mật thiết hữu cơ với nhau trên tất cả các phương diện kinh tế và phi kinh tế, vật chất và phi vật chất.

Đó là các đơn vị sản xuất, tiêu dùng và xã hội huyết thống đặc thù. Nông hộ gia đình tăng cường hòa nhập kinh tế xã hội, cải thiện sinh kế nông thôn, cung cấp dịch vụ toàn diện và tạo ra các giải pháp thị trường, sáng tạo liên kết khu vực thành thị và nông thôn.

Trong cấu trúc của các chủ thể tham gia sản xuất nông nghiệp, cho dù sản xuất đạt tới ngưỡng tiên tiến, song kinh tế hộ nông dân vẫn là những đơn vị cơ sở, chiếm số lượng lớn nhất. Sự phát triển loại hình sản xuất nông nghiệp về cơ bản đều dựa trên sự phát triển của kinh tế hộ nông dân (FAO, 2019).

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Hojlund giúp Man.Utd ngược dòng thành công

Man.United giành chiến thắng quan trọng tại lượt trận tiếp theo Europa League 2024/2025 dù bị dẫn trước.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.