Tại buổi đối thoại, các luật sư của Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn đã giải đáp nhiều thắc mắc liên quan đến các điều khoản ghi trong hợp đồng, việc chọn trung tâm trọng tài để giải quyết tranh chấp, việc thực thi phán quyết của trọng tài như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất…
Theo luật sư Lê Thành Kính, Trưởng Văn phòng luật sư Lê Nguyễn, điểm yếu thứ nhất của nhiều doanh nghiệp VN khi ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài thường không chú ý đến thỏa thuận giải quyết tranh chấp, vì nghĩ nó không quan trọng. Các hợp đồng thường ghi chung chung, không cụ thể (và duy nhất) về trung tâm trọng tài nào sẽ làm nhiệm vụ này. Thứ hai, dù ghi tên trọng tài rồi nhưng lại quên không ghi luật áp dụng cho hợp đồng khi có tranh chấp xảy ra, việc này cũng sẽ gây khó khăn cho DN VN khi đưa ra xét xử.
Về việc chọn trung tâm trọng tài nào để xử lý tranh chấp? Các DN VN thường thích chọn Trung tâm Trọng tài quốc tế VN (VIAC), còn đối tác nước ngoài lại thích chọn Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore (SIAC). Theo luật sư Kính, hiện cả Việt Nam và Singapore đều là thành viên của Công ước NewYork 1958 nên phán quyết của trung tâm trọng tài quốc tế nào cũng có hiệu lực thực thi tại cả hai nước.
Tuy nhiên, chi phí của SIAC rất cao, thuê luật sư có thể lên đến 650 USD/giờ, đi lại xa xôi mất nhiều thời gian, đồng thời mang tâm lý “lạ nước lạ cái”. Còn nếu chọn VIAC ngay trong nước, giá luật sư rẻ, không phải đi lại nhiều thì đương nhiên có lợi hơn cho DN VN.
Trong trường hợp để hài hòa cả hai bên, luật sư Kính đề nghị các DN VN nếu chấp thuận cùng đối tác chọn Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore để xử lý tranh chấp, thì phải chú ý ghi rõ luật áp dụng tranh chấp là theo luật VN.
Liên quan đến câu hỏi một số vụ kiện của DN VN với đối tác XK điều thô nước ngoài, mặc dù đã được trung tâm trọng tài phán quyết thắng nhưng không thực thi được (không đòi được tiền), thì xử lý thế nào?
Theo luật sư Kính, việc này cần rất nhiều yếu tố. Thứ nhất, DN VN phải thông qua hệ thống pháp luật (tòa án) của nước sở tại mà DN đối tác đang đóng chân, sau đó có thể tìm các dịch vụ đòi nợ hợp pháp ở nước ngoài và luật sư để tác động. Tuy nhiên, trước khi bỏ tiền ra làm các bước trên, DN VN phải tìm hiểu thật kỹ khả năng tài chính của đối tác đó ra sao thì việc đòi nợ mới đạt hiệu quả cao.
Về thắc mắc thư điện tử và điện thoại giao dịch có được coi là chứng cứ pháp lý khi tranh chấp xảy ra hay không? Luật sư Kính cho rằng, thư điện tử được coi như chứng cứ bổ sung thêm khi đưa ra tòa hay trọng tài xử lý. Tuy nhiên, DN VN cần chú ý làm việc với những người có thẩm quyền ký kết (hay được ủy quyền ký kết), để khi tranh chấp xảy ra mới có cơ sở giải quyết được.
Bổ sung thêm, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas cho rằng, một hợp đồng đầy đủ phải có đơn hàng, số lượng, giá cả, phương thức thanh toán, tranh chấp xảy ra giải quyết ở đâu… chứ không thể dựa vào chứng cứ nhắn qua lại vài dòng mua bán trên thư điện mà coi đó là hợp đồng được.
“Tuy nhiên, theo luật ngân hàng thì khi ký hợp đồng điện tử, ngân hàng sẽ không có trách nhiệm đòi tiền hay trả tiền cho hai bên, vì thế hợp đồng điện tử tính rủi ro rất cao khi xảy ra tranh chấp”, ông Thanh lưu ý.
Liên quan đến tình trạng “nóng” nhất hiện nay là rất nhiều DN VN bị đối tác nước ngoài giao điều thô không đúng chất lượng ký kết, luật sư Kính tư vấn: Các DN VN vẫn cứ nhận hàng, nhưng vẫn kiên quyết khởi kiện ra tòa hay trung tâm trọng tài để xử lý phần thiệt hại do họ gây ra. “Các DN VN thường hay bỏ qua lỗi này, nhưng các DN quốc tế họ không làm thế, họ vẫn kiện để vừa tránh thiệt hại, vừa khiến đối tác phải làm ăn đàng hoàng hơn trong tương lai”, ông Kính nói. |