Chiều 17/12, Bộ NN-PTNT và IDH (Hà Lan) phối hợp tổ chức lễ chuyển giao kết quả thí điểm hệ thống cơ sở dữ liệu rừng và vùng trồng cà phê tuân thủ quy định không gây mất rừng của Liên minh Châu Âu (EUDR).
Thời gian qua, nhóm hợp tác thích ứng EUDR gồm IDH, JDE Peet’s và các doanh nghiệp cà phê trong nước và quốc tế đã được Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Đắk Lắk và UBND tỉnh Lâm Đồng đồng ý triển khai thực hiện thí điểm các hỗ trợ kỹ thuật trồng cà phê tuân thủ EUDR theo hình thức hợp tác công - tư, gồm các hoạt động cụ thể như xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu rừng (CSDL) và vùng trồng cà phê; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc gốc sản phẩm cà phê từ nông hộ/vườn cây đến các đại lý thu mua địa phương; xây dựng quy chế trao đổi và thông tin giữa các nhân tố trong chuỗi giá trị và đề xuất hỗ trợ nông hộ trồng cà phê gần và liền kề với rừng.
Theo bà Trần Quỳnh Chi, Giám đốc Ngành hàng Cà phê và Dầu cọ (IDH), hệ thống cơ sở dữ liệu rừng và vùng trồng cà phê tuân thủ EUDR là kết quả sau hơn 1 năm thử nghiệm ở tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk. Trong đó, đã thu thập thông tin, cơ sở dữ liệu 130.000ha rừng và 136.000ha cà phê tại 4 huyện sản xuất cà phê lớn nhất tại Lâm Đồng và Đắk Lắk. Tỉnh Gia Lai là tỉnh thứ 3 tham gia vào dự án thu thập cơ sở dữ liệu, kết hợp sử dụng hệ thống CSDL quốc gia để tiếp tục thu thập dữ liệu cho 30.000ha rừng và 4.000ha cà phê.
Bà Quỳnh Chi cho rằng, việc EU xem xét hoãn thực hiện EUDR đến tháng 12/2025 sẽ cho Việt Nam thêm thời gian chuẩn bị, thu thập dữ liệu cho gần 600.000ha cà phê còn lại. Vì vậy, hệ thống CSDL này là công cụ giúp mở rộng kế hoạch thu thập dữ liệu đến 5 tỉnh sản xuất cà phê chính của Việt Nam và tiếp tục mở rộng ra các tỉnh miền Trung, miền Bắc trong thời gian tới.
“Theo quy định mới nhất của EU, xây dựng truy xuất nguồn gốc phải hướng đến sản phẩm vật lí đến vườn cây. Đây là thách thức lớn với doanh nghiệp, bởi một số khâu trong chuỗi sản xuất hiện nay chưa được minh bạch hoá. Vì vậy, cần xây dựng chuỗi cung ứng minh bạch để đáp ứng yêu cầu EUDR và đánh giá rủi ro, xây dựng giải pháp giảm thiểu rủi ro với các vùng trồng cần thiết. Ngoài ra, Việt Nam có thể chuẩn bị cho những yêu cầu tiếp theo của thị trường, ví dụ như Chỉ thị thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp và Thoả thuận xanh của châu Âu… dự kiến sẽ có hiệu lực sớm nhất vào năm 2026”, bà Chi cho biết.
Với việc huy động nguồn lực và dữ liệu sẵn có từ các bên, bao gồm khối công, tư và nông hộ trồng cà phê, hệ thống CSDL rừng và vùng trồng cà phê được xây dựng một cách hiệu quả về chi phí. Hệ thống cung cấp bộ mã địa chính thống nhất cho từng vườn cây và nông hộ, kèm theo thông tin chi tiết về cây trồng. Nhờ đó, hệ thống đạt được tính đồng bộ cao và hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu giải trình thông tin cũng như truy xuất nguồn gốc theo quy định của EUDR.
Giai đoạn mở rộng từ tháng 1/2025 sẽ tập trung vào thí điểm và nhân rộng hệ thống truy xuất nguồn gốc cà phê từ nông hộ đến cấp huyện, tỉnh, đồng thời nâng cấp hạ tầng, tích hợp thông tin vùng trồng và kết nối với CSDL quốc gia của ngành trồng trọt do Bộ NN-PTNT quản lý và vận hành.
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT), việc triển khai thí điểm hệ thống CSDL này cung cấp giải pháp kỹ thuật hỗ trợ ngành hàng cà phê của Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của EUDR.
“Bộ NN-PTNT sẽ đồng hành và phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện, mở rộng, cập nhật và duy trì hệ thống này. Qua đó, hệ thống sẽ không chỉ cung cấp giải pháp hỗ trợ việc truy xuất nguồn gốc và đảm bảo tính minh bạch trong chuỗi cung ứng ngành hàng cà phê mà còn tạo cơ sở để nhân rộng cho các ngành hàng nông nghiệp khác", ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn khẳng định.