Sâu đục lá cà chua Nam Mỹ có tên khoa học là Phthorimaea absoluta, nguồn gốc ở Pê-ru thuộc Nam Mỹ. Loài sâu này lần đầu ghi nhận hại cà chua vào tháng 7/2019 tại Mộc Châu và Mai Sơn (Sơn La). Hiện nay, sâu đục lá cà chua Nam Mỹ đã ghi nhận ở các tỉnh Lâm Đồng và Thái Bình. Đây là loài sâu hại nghiêm trọng trên cà chua ở nhiều nước trên thế giới, thiệt hại do loài sâu này gây ra có thể lên tới 80 - 100% nếu không có các biện pháp quản lý hiệu quả.
Tỉnh Sơn La có 120ha trồng cà chua. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Bảo vệ thực vật, năm 2023, tỷ lệ lá cà chua bị nhiễm sâu đục lá cà chua Nam Mỹ cao nhất 50,7% ở huyện Mai Sơn và 48,5% tại huyện Mộc Châu. Giống cà chua Rita có tỷ lệ nhiễm sâu đục lá cà chua Nam Mỹ cao hơn so với giống cà chua khác.
Bà Nguyễn Thị Tâm ở bản An Thái, xã Chiềng Hắc (thị xã Mộc Châu) có 1.000m2 nhà màng trồng cà chua giống VN40. Dù đã tìm hiểu trước và chọn giống cà chua cho năng suất cao, ít sâu bệnh hại nhưng bà Tâm vẫn gặp khó khăn trong phòng trừ sâu đục lá và sâu vẽ bùa.
“Trung bình 1.000m2 nếu không bị sâu bệnh hại có thể thu hoạch được 20 - 30 tấn cà chua. Cà chua đang vào vụ, được giá, bà con rất kì vọng vào vụ thu đông năm nay”, bà Tâm cho biết thêm.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Duyến ở bản Ta Niết, xã Chiềng Hắc (thị xã Mộc Châu) trồng 1.300m2 cà chua, bị sâu đục lá cà chua Nam Mỹ gây hại. Ông Duyến đã thử mua thuốc trừ sâu rồi đóng kín nhà kính, phun thuốc vào ban đêm, sáng ra vẫn thấy bướm của loài sâu này bay bám lên tận nóc khung nhà lưới.
Vừa qua, Trung tâm Sinh học Nông nghiệp quốc tế (CABI) phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), Cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La đã tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ kỹ thuật và bà con nông dân tại Sơn La về sâu đục lá cà chua Nam Mỹ và biện pháp phòng trừ.
Theo TS Nguyễn Văn Liêm, Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật, sâu đục lá cà chua Nam Mỹ là loài sâu gây hại mới. Ngoài việc gây hại lá, sâu đục lá còn ảnh hưởng đến thân, nụ hoa và quả cà chua. Sâu non nở ra sẽ đục vào mô lá, ăn phần thịt lá và để lại lớp biểu bì, vết hại lớn dần và chuyển sang màu nâu, khô. Nếu soi chiếc lá dưới ánh sáng sẽ dễ dàng nhìn thấy sâu non đang ăn phần thịt lá bên trong. Có nhà vườn bị hư hại 40 - 80% hoặc mất trắng do sâu đục lá gây ra.
Bàn về giải pháp phòng trừ sâu đục lá cà chua Nam Mỹ, bà Đào Thị Hằng, cán bộ Viện Bảo vệ thực vật khuyến cáo, để ngăn ngừa loài sâu này, nông dân cần áp dụng đồng thời các biện pháp như sử dụng cây cà chua giống không bị nhiễm sâu, luân canh với cây trồng không phải là ký chủ của sâu, dọn sạch cỏ dại, đặc biệt là cỏ dại là ký chủ của sâu cuốn lá cà chua Nam Mỹ như cây tầm bóp, cây cà độc dược… Người dân cần thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, tiêu hủy tàn dư bộ phận của cây bị nhiễm hại (thân, lá, quả), dùng phương pháp đốt hoặc chôn ở độ sâu tối thiểu 30cm.
“Ngoài ra, người dân có thể sử dụng biện pháp sinh học như phun thuốc trừ sâu sinh học, chế phẩm nấm kí sinh, chế phẩm có chứa Metarhizium/Beauveria, thuốc thảo mộc (Azadirachtin), duy trì khuyến khích nhân thả các loài thiên địch như bọ xít bắt mồi, các thuốc hoá học có hoạt chất Indoxacarb hoặc Indoxacarb + Emamectin benzoate, flubendiamide, Spirotetramat + Flubendiamide, luân phiên hoạt chất hoá học để hạn chế sự phát triển tính kháng thuốc của sâu”, bà Hằng chia sẻ thêm.
Ông Muhammad Faheem, chuyên gia sức khoẻ cây trồng của CABI cho biết, sâu đục lá cà chua Nam Mỹ xâm lấn và gây hại nghiêm trọng đối với sản xuất cà chua ở nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực. Các chuyên gia của CABI đã triển khai các chiến dịch nâng cao nhận thức về loài sâu này và biện pháp phòng trừ tại nhiều nước.
Tại Việt Nam, CABI đang phối hợp với các cơ quan chức năng của trung ương và địa phương để hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật về phòng trừ sâu đục lá cà chua Nam Mỹ cho bà con nông dân ở các vùng sản xuất cà chua tập trung như Sơn La, Lâm Đồng.
Vùng cà chua của tỉnh Sơn La như Mộc Châu, Mai Sơn, Vân Hồ đang vào vụ đông, cây cà chua đã bắt đầu cho thu hoạch. Để đảm bảo năng suất, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La khuyến cáo các chủ trang trại chủ động biện pháp phòng trừ, tiêu hủy sâu đục lá cà chua Nam Mỹ, tuân thủ các quy chuẩn kĩ thuật từ khâu làm đất đến thu hái.
Theo bà Lưu Thanh Nga, Trưởng phòng Trồng trọt (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La), trước mắt cần hướng dẫn nông dân sử dụng các thuốc trừ dòi đục lá, sâu đục lá trên cà chua, khoai tây và cây họ cà. Người dân cần làm sạch các thiết bị vận chuyển, bao gói, chuyên chở cà chua khi thu hoạch. Chi cục sẽ tiếp tục thông tin tuyên truyền để nông dân nhận diện sâu đục lá cà chua Nam Mỹ và có biện pháp phòng trừ khả thi, hiệu quả, an toàn với môi trường.
Theo nghiên cứu của Viện Bảo vệ thực vật, hiện nay cây trồng bị sâu đục lá cà chua Nam Mỹ gây hại nhiều nhất là cây cà chua, tuy nhiên trong phổ kí chủ của nó người ta cũng xác định được có rất nhiều cây thuộc họ cà bị loài sâu này gây hại như khoai tây, cà tím... Do vậy, trong vùng trồng có trồng xen canh cà chua, khoai tây cần được quản lý, theo dõi, chú ý phòng chống các loài sâu bệnh trên giống cây trồng họ cà.