| Hotline: 0983.970.780

Tục 'mở hàng' ngày Tết và tư tưởng trọng thương từ xa xưa

Chủ Nhật 30/01/2022 , 08:01 (GMT+7)

Nói người Việt, đặc biệt là người Việt nông thôn coi trọng thương mại, gọi nôm na là buôn bán, có gì đó sai sai, ít ra cũng thiếu cơ sở dẫn chứng thực tế!

 

Càng sai so với tư duy quen thuộc mà nhiều người đang giữ chặt trong đầu, được quy cho thuộc về tố chất dân tộc, bất khả bàn cãi? Bởi từ lâu, người ta chỉ nói người Việt trọng nông. Rằng tư duy kinh tế người Việt cơ bản vẫn là tiểu nông, tự cung tự cấp, tức sản xuất để cung cấp cho chính mình và người trong vùng mình sinh sống.

Tôi không đủ cơ sở để tranh luận lại. Bản thân tôi cũng từng tán thành với loại ý kiến như vậy. Tuy thế điều đó liệu có đúng, nếu căn cứ trên những biểu hiện thực tế mà không ít thứ đã thành truyền thống.

Ví dụ như tục "mở hàng" ngày Tết âm lịch.

Từ khi còn bé tí, có thể nói là từ khi bắt đầu có khả năng ghi nhớ, chúng tôi đã biết đến tiền “mở hàng”, được người lớn tặng cho vào sáng mùng một Tết.

Đầu tiên là ông, bà, bố mẹ, anh chị, sau đó khi đi chúc tết họ hàng, là cô, dì, chú, bác… Cuối cùng mới là hàng xóm láng giềng, những người có quan hệ thân thuộc của gia đình… Nhưng dù tiền được lấy ra từ túi ai, thì bao giờ cũng luôn kèm với câu: Nào, để ông (bà, bố mẹ, cô dì chú bác, anh chị…) mở hàng cho nhé.

Hồi tiền còn mệnh giá bé, chúng tôi thường nhận những đồng năm xu óng ánh, tờ một hào mới cứng, mầu hồng tươi, hoặc hẩu hơn thì tờ hai hào, năm hào, hãn hữu mới được tờ một đồng. Đứa nào được mở hàng tờ một đồng, chắc chắn thấy mình may hơn cả vừa mơ gặp tiên! Còn tờ mười đồng, mệnh giá lớn nhất lúc bấy giờ, dân gian gọi là tờ đỏ (vì nó màu hồng đậm) thì cả đời có mơ cũng không được sờ vào.

Dù ít hay nhiều, nhưng những đồng tiền “mở hàng” luôn khiến chúng tôi hào hứng. Trước tết, mỗi đứa đã làm sẵn một cái ống tiết kiệm. Thường là bằng ống tre, hoặc ống nứa, cưa chéo một nhát, đủ để nhét đồng xu to nhất, còn nếu muốn nhét tiền giấy thì phải gấp nhỏ lại. Số tiền đó được coi là tiền làm vốn.

Ngày nay từ “vốn” có lẽ là từ nóng nhất, được nói nhiều nhất, tạo nhiều cảm xúc nhất gắn đến phát triển. Nói đến vốn, là nói đến lãi suất, đầu tư, lợi tức, nguồn lực… Vậy từ “vốn” trong câu “để làm vốn” mà người lớn nhắc nhở chúng tôi mỗi khi mở hầu bao, có ý nghĩa gì? Nó có cùng nghĩa với từ “vốn” trong “rót vốn” mà chúng ta rất thích nghe?

Tôi nghĩ nó là một. Bởi nó cùng hướng tới một hành động là tích cóp nguồn lực, là buôn bán, đầu tư …sinh lời!

Mặc dù về sau nhiều người, nhiều nơi thay hai chữ “mở hàng” bằng hai chữ “mừng tuổi” cho có vẻ hợp với tư tưởng của “đời sống mới” hơn (thời đó chúng ta phản đối kinh tế thị trường, đề cao kinh tế kế hoạch hóa nhà nước, đề cao giá trị sử dụng), nhưng thứ kí ức ẩn sâu trong chúng tôi cho dù là “mừng tuổi” hay sau này là “lì xì”, thì vẫn cứ là tiền “mở hàng!”

Vậy tại sao lại là tiền mở hàng? Tôi tin rằng rất ít người để tâm truy nguồn gốc của nó, mà chỉ làm và nói theo thói quen, có thể do ngấm lại từ xa xửa xa xưa đã thành vô thức tập thể? Chỉ biết rằng nó được người lớn cho bọn trẻ vào Tết âm lịch, xét theo lịch truyền thống, là ngày đầu năm (nguyên đán), khởi đầu cho một thời gian mới, cũng là mở ra một thời vận mới cho mỗi con người.

Cái khởi đầu nào cũng cần hanh thông, may mắn. Tiền “mở hàng” chính là “tiền lấy khước”, là lời cầu mong may mắn! Và may mắn ở đây rõ ràng liên quan đến chuyện buôn bán? Mở hàng là mua lấy may cho người có hàng bán! Nhưng người bán hàng đều là bọn trẻ, thì có hàng gì để bán?

Theo tôi, cử chỉ “mở hàng” là nhắc nhở bọn trẻ về thứ công việc sinh nhai quan trọng mà nhất định chúng phải làm? Nó có thể là niềm mơ ước giàu sang nhờ buôn bán của người lớn, gửi gắm vào bọn trẻ?

Dù phỏng đoán theo hướng nào, thì cũng thấy trồi lên khát vọng trao đổi (đầu tiên là trao đổi vật phẩm do mình sản xuất ra, sau nữa là giao lưu văn hóa) của người Việt, trước hết là để thoát khỏi lũy tre làng bao quanh. Sự đơn điệu, nghèo nàn của từng làng, nhờ có quá trình trao đổi, bỗng trở nên đa dạng, thú vị, nhiều lựa chọn và rõ ràng tạo ra cảm giác phong phú hơn về vật chất.

Nếu có thời gian nghiên cứu về các chợ truyền thống của mỗi vùng quê, chúng ta sẽ thấy điều sau đây: Chúng được tính toán rất kĩ cả về khẩu độ thời gian mở phiên, cũng như khoảng cách địa lý khi đặt điểm làm chợ, để sao cho vùng quê nào cũng ít nhất đóng vai trò là tâm điểm (các vùng khác quay xung quanh) ít nhất một lần trong tháng. Thậm chí chúng còn được tính toán dựa theo tâm lý và hoàn cảnh tiêu dùng.

Chẳng hạn các phiên chợ xép (được hiểu là phiên chợ phụ, thường ở khoảng giữa hai phiên chính và thường không có nhiều hàng hóa), chợ chiều (ngày nào cũng họp vào lúc vãn chiều cho đến sẩm tối, không quá cầu kì về địa điểm và cách mua bán)… để bán những sản phẩm có được một cách đột xuất (ví dụ mẻ cá đánh dậm được, những sản vật thu hoạch gấp để chuyển loại cây canh tác…), phục vụ những khách hàng có thói quen khác người, không tuân theo quy luật chung.

Và cũng đừng quên người nhà quê gọi mỗi phiên chợ là “họp” - Họp chợ! Tức là có thêm cả yếu tố giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, đàm đạo, đàm phán chuyện làm ăn… Điều đó cho thấy, có thể tư duy thương mại của người Việt (tìm cách bán được nhiều hàng cần bán, mua được nhiều hàng cần mua) từng có từ xa xưa chứ không chỉ đến bây giờ, từng diễn ra ở cả những vùng quê thuần nông, chứ không chỉ nơi phố thị? Còn vì sao nó tàn lụi đi cả một thời gian dài, dẫn đến việc đất nước nghèo nàn, thì là một câu chuyện khác.

Có một thực tế là, đa số người Việt đến làm ăn tại châu Âu hay Bắc Mỹ, nơi có nền thương mại lâu đời, phần lớn ra đi từ những vùng quê thuần nông, thậm chí những vùng rừng núi hoang vu. Vậy mà họ nhanh chóng trở thành những nhà buôn, những doanh nhân, nhà đầu tư cực kì linh hoạt, khôn khéo, cạnh tranh sòng phẳng và nhiều người thành công lớn, làm tấm gương cho chính người bản địa. Họ không thể không có bột mà gột nên hồ! Cái gen thương mại của họ, chính là một thứ bột, mà phải trong môi trường thuận lợi nào đó (về xã hội, thể chế, luật pháp, tự do thể hiện khát vọng…) nó mới lộ diện.

Nếu quả thực người Việt có cái gen quý giá đó (các bằng chứng mà tôi vừa dẫn cứ khẳng định là có), thì việc phát huy nó chính là tạo ra cho nông thôn một môi trường tốt để nơi đây không còn chỉ là nơi sản xuất thuần túy, mà cũng là nơi diễn ra các hoạt động thương mại.

Phi thương bất hoạt! Sự nhanh nhạy trong kinh doanh, sự phát triển của thương mại nông thôn, sẽ là bệ đỡ cho sản xuất và chắc chắn sẽ tạo ra cho nông thôn một gương mặt sáng sủa hơn.

Xem thêm
Loạt phim chiếu rạp hè chất lượng trong năm 2024

Các bộ phim bom tấn Hollywood bắt đầu ra rạp, hứa hẹn tạo nên một mùa hè rực rỡ với nhiều kỳ vọng vào các cột mốc doanh thu ấn tượng.

Real Madrid thoát thua trên sân Bayern Munich

Với cú đúp của Vinicius, Real Madrid đã có được trận hòa 2-2 ngay trên sân của Bayern Munich tại bán kết lượt đi UEFA Champions League.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.