| Hotline: 0983.970.780

Tưng bừng lễ hội xuống đồng của người Tày

Thứ Năm 02/02/2023 , 16:41 (GMT+7)

LÀO CAI Sau 3 năm tạm dừng tổ chức do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Lễ hội năm nay đã thu hút đông đảo người dân và du khách nô nức tham dự.

Ngày 02/2/2023 (tức 12 tháng Giêng), trong không khí mừng Đảng, mừng xuân mới Quý Mão 2023, xã Tả Chải (Bắc Hà, Lào Cai) long trọng tổ chức Lễ hội Lồng Tông (ngày hội xuống đồng). Đây là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày với những hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đặc sắc, thu hút đông đảo bà con nhân dân và khách du lịch. 

Thầy cả (người cúng chính của buổi lễ) và các thầy giúp việc làm lễ đặt mâm Tồng tạ ơn trời đất, cầu sự ấm no, hạnh phúc cho mọi nhà. Ảnh: Xuân Cường.

Thầy cả (người cúng chính của buổi lễ) và các thầy giúp việc làm lễ đặt mâm Tồng tạ ơn trời đất, cầu sự ấm no, hạnh phúc cho mọi nhà. Ảnh: Xuân Cường.

Sau 3 năm tạm dừng tổ chức do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Lễ hội năm nay đã thu hút đông đảo người dân và du khách nô nức tham dự.

Lễ hội gồm 2 phần: Phần lễ tương đối đơn giản. Giữa bãi rộng, người ta dựng một cây nêu bằng cây bương to, có gắn một vòng tròn dán giấy đỏ (biểu tượng mặt trời). Dưới chân cây nêu là những mâm lễ của làng và của các gia đình thành kính dâng lên cúng thần, báo cáo thành quả trong một năm lao động sản xuất, cảm ơn thần nông đã phù hộ, mời thần về dự hội với con cháu..., cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi...

Mỗi thôn trong xã đều làm mâm cúng, lễ cúng là các sản vật ở địa phương như thịt lợn, thịt gà, bánh trưng, xôi… Ảnh: Xuân Cường.

Mỗi thôn trong xã đều làm mâm cúng, lễ cúng là các sản vật ở địa phương như thịt lợn, thịt gà, bánh trưng, xôi… Ảnh: Xuân Cường.

Mở đầu Lễ hội là phần lễ được bắt đầu từ tục rước đất, rước nước. Đoàn rước bao giờ cũng đi từ rất sớm khi trời còn chưa rõ mặt người. Khi đoàn rước về đến địa điểm làm lễ, thầy cúng ra hiệu cho đội nhạc lễ tấu lên ba hồi kèn trống vang vọng cả núi rừng. Tiếp đó, thầy cúng thực hiện nghi lề cúng, các già làng, trưởng tộc, trưởng họ, những người có uy tín nhất trong cộng đồng người Tày dâng mâm cúng bao gồm các sản vật do chính bàn tay lao động cần cù của đồng bào Tày nơi đây làm ra, bao gồm gà trống tơ luộc nguyên con, con lợn cắp nách luộc nguyên con, ngan hoặc vịt luộc nguyên con, hoa quả (chuối, quýt...), vàng mã, giấy bảng, hương...

Trò đu quay... Ảnh: Xuân Cường.

Trò đu quay... Ảnh: Xuân Cường.

Thầy khấn và phun nước làm phép để xua đuổi ma quỷ, xua đuổi điều không may, rồi thầy tung lộc (là các hạt giống) của thần linh cho dân bản... Cuối phần lễ là nghi lễ xuống đồng (cày ruộng) với mong muốn đường cày may mắn đầu năm sẽ mang lại dân khang, vật thịnh, mùa màng bội thu...

Sau lễ cầu khấn, chủ lễ hội gióng lên hồi chiêng bắt đầu phần hội. Trò chơi ném còn thu hút đông đảo mọi người tham gia. Quả còn được làm bằng vải, buộc nơ, trang trí, thêu rất đẹp. Ai cũng có quyền được ném còn, ai ném trúng được thưởng quà lưu niệm và chén rượu lộc. Sau đó diễn ra cuộc thi ném còn giữa các đội ở 9 thôn bản.

Một số tiết mục mùa xòe đặc sắc của người Tày trong lễ hội. Ảnh: Xuân Cường.

Một số tiết mục mùa xòe đặc sắc của người Tày trong lễ hội. Ảnh: Xuân Cường.

Lễ hội còn diễn ra các trò chơi như đu quay, đẩy gậy giữa các đội ở các thôn. Các thôn cử ra các thôn nữ, trai bản trẻ trung, khéo tay, khỏe mạnh tham gia. Trong vòng người đông đúc reo hò, cổ vũ, các chàng trai thi đấu hết mình để đem vinh quang cho thôn, bản và thể hiện mình trước các thôn nữ... Tiếp đó là hội diễn văn nghệ. Các đoàn mang đến lễ hội tiết mục văn nghệ đặc sắc nhất để thi tài.

Các điệu múa Tày, múa xuống đồng, múa địu, múa gieo hạt, múa thu hoạch, múa lên nương... thể hiện những nét uyển chuyển, quyến rũ. Các tiết mục ca hát ca ngợi Ðảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước đổi mới, đặc biệt là hát giao duyên tình yêu lứa đôi, hẹn hò nghe bồi hồi, xao xuyến. Trong Lễ hội, trai gái gặp nhau làm quen, tìm hiểu, thử tài nhau qua các hoạt động văn hóa - văn nghệ, tỏ tình, hẹn hò nhau trong các buổi chợ phiên...

Lễ hội xuống đồng diễn ra khi hoa mận đã nở trắng vùng cao Tả Chải, thu hút đông đảo phụ nữ và khách du lịch thăm quan. Ảnh: Xuân Cường.

Lễ hội xuống đồng diễn ra khi hoa mận đã nở trắng vùng cao Tả Chải, thu hút đông đảo phụ nữ và khách du lịch thăm quan. Ảnh: Xuân Cường.

Kết thúc Lễ hội, tất cả mọi người tay nắm chặt tay hòa mình vào điệu xòe Tả Chải được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014.

Lễ hội Lồng Tồng của đồng bào Tà Tả Chải được tổ chức đều đặn, tạo ra sân chơi vui vẻ, lành mạnh, ý nghĩa vào dịp Tết, quảng bá văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giúp mọi người hướng về cội nguồn dân tộc. Lễ hội đã trở thành điểm nhấn văn hóa hấp dẫn khách du lịch tới tham quan, tham gia, tìm hiểu nét đẹp văn hóa. Ðiệu xòe Tả Chải được tổ chức trong Lễ hội Lồng Tồng hằng năm và các ngày vui của đồng bào Tày đã trở nên nổi tiếng.

Xem thêm
Nhà sản xuất Lý Hải có một điều ước gây bất ngờ

Nhà sản xuất Lý Hải tạo nên cơn sốt mới cho thị trường điện ảnh, khi bộ phim ‘Lật mặt 7: Một điều ước’ đạt doanh thu 200 tỷ đồng sau dịp nghỉ lễ.

Real Madrid thoát thua trên sân Bayern Munich

Với cú đúp của Vinicius, Real Madrid đã có được trận hòa 2-2 ngay trên sân của Bayern Munich tại bán kết lượt đi UEFA Champions League.

HLV Kim Sang-sik chính thức làm HLV trưởng ĐT Việt Nam

Ngày 3/5/2024, VFF và ông Kim Sang-sik (quốc tịch Hàn Quốc) đã đạt được sự đồng thuận và thống nhất đối với các nội dung liên quan đến vị trí HLV trưởng ĐT Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.