Tối 1/2, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ công bố Quyết định ghi danh “Lễ hội Đền Đông Cuông huyện Văn Yên” vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…
Đền Đông Cuông thuộc địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông (huyện Văn Yên), xung quanh có đại ngàn bao phủ, phía trước đền là dòng sông Hồng. Đền có dáng dấp kiến trúc của đền chùa truyền thống, góc mái ngói cong và hình lưỡng long chầu nhật, các cột đền được làm bằng gỗ tứ thiết, được sơn son thiếp vàng hình rồng cuốn trang nghiêm.
Đền Đông Cuông là cụm di tích gồm 4 điểm, ngoài đền Chính còn có miếu Cô, miếu Cậu và miếu Đức Ông (tọa bên hữu ngạn sông Hồng đối diện với ngôi đền Chính về hướng nam cách 150m đường chim bay thuộc cụm di tích đền Đông Cuông). Hàng năm, cứ xuân thu nhị kỳ, vào đầu năm bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch và cuối năm vào từ tháng 8 đến hết tháng 12 âm lịch, các thanh đồng trên mọi miền đất nước thường về đền Đông Cuông để lễ Mẫu và “bắc ghế hầu Thánh”.
Đông Cuông cũng là nơi phát hiện Văn hóa Sơn Vi, theo giới khảo cổ học có niên đại cách ngày nay khoảng 23.000 năm đến 11.000 năm.
Đền có từ lâu đời, qua sử sách thư tịch được biết đền có muộn nhất vào đời Lê. Được phát triển từ một miếu cổ thờ Đông Quang (thuộc trung tâm trại Quy Hóa thời Trần). Theo Đại Nam nhất thống chí, đền Đông Cuông thờ Cao Quan Đại Vương, húy là Thổ Lệnh và Thạch Khanh, đã có công chu du thiên hạ, tìm phương thuốc quý để chữa bệnh cho nhân dân. Đến khi mất lại rất linh ứng, ngầm theo để giúp các vị tướng lĩnh đánh giặc ngoại xâm bảo vệ biên cương, được nhân dân suy tôn, vua gia phong là "Thần vệ quốc" và đã hóa thân thành Mẫu Thượng Ngàn, là người mẹ của vũ trụ. Năm 1258, nghĩa quân của tướng Hà Đặc sau khi thắng trận đã tập kết quân tại đền Đông Cuông và tổ chức mổ trâu khao quân. Đền và khu vực đền có liên quan đến đền Ngọc Tháp và đền Hùng (Phú Thọ).
Lễ hội đền Đông Cuông là một trong những lễ hội có lịch sử lâu đời, kết hợp nhiều tín ngưỡng dân gian bản địa từ tục thờ thủy thần tới thờ Mẫu Thượng Ngàn - Đông Cuông công chúa, tín ngưỡng thờ các anh hùng văn hóa (như thần Vệ Quốc - Ngũ Vị Tôn Ông) và các vị anh hùng dân tộc (Hà Bổng, Hà Đặc, Hà Chương...) cùng nhiều lớp tín ngưỡng dân gian khác và đã bắt rễ trong tâm thức của đồng bào nơi đây.
Hàng trăm năm qua, Lễ hội đền Đông Cuông đã trở thành sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh của cộng đồng các dân tộc là biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng các dân tộc.
Với giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học tiêu biểu, ngày 16/1/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định ghi danh di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội đền Đông Cuông vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Thay mặt cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, ông Trần Huy Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh cam kết sẽ tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị di sản của Lễ hội đền Đông Cuông và di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh theo phương châm “Lấy người dân là trung tâm, là chủ thể của các hoạt động, biến di sản thành tài sản” phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tỉnh Yên Bái “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.