Vào khoảng thời gian 15h30 ngày 31/7, ông Nguyễn Hữu Thắng (sinh năm 1936) thường trú tại thôn Tân Bình, xã Đội Bình, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đi ra phía sau nhà để tìm đồ dùng gia đình thì bị vùi lấp do mái taluy dương phía sau nhà sạt lở với khối lượng đất đá lớn.
Ông Trần Công Định, Chủ tịch UBND xã Đội Bình, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang cho biết, theo người nhà nạn nhân kể lại, chiều ngày 31/7, khi phát hiện taluy dương sau nhà bị sạt lở, thấy bố mình không ở trong nhà, gia đình chia nhau đi tìm nhưng không thấy, nghi bị đất đá sạt lở vùi lấp nên đã thuê máy xúc và phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ của xã Đội Bình đào múc tìm kiếm.
Đến khoảng 18h cùng ngày, thi thể của ông Nguyễn Hữu Thắng được tìm thấy do bị vùi lấp trong khu đất sạt lở. Chính quyền địa phương cùng với bà con hàng xóm đã đến thăm hỏi, động viên và giúp đỡ gia đình làm thủ tục mai táng nạn nhân.
Cũng tại huyện Yên Sơn, tối ngày 30/7 cháu Nguyễn Thanh Tùng, sinh năm 2002, trú tại thôn Nhữ Hán, xã Nhữ Hán đi ăn cưới qua ngầm tràn của xã Nhữ Hán bị nước cuốn trôi. Đến khoảng 10h sáng ngày 1/8 người dân và chính quyền địa phương đã tìm thấy thi thể của cháu Tùng và hỗ trợ gia đình làm thủ tục mai táng.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang, 3 ngày gần đây tại tỉnh Tuyên Quang liên tiếp có mưa lớn để lại hậu quả nặng nề. Ngoài 2 người tử vong kể trên thì nhiều diện tích hoa màu, tài sản, đường giao thông và công trình công cộng cũng bị hư hỏng, thiệt hại.
Đã có 60 nhà dân tại các huyện Sơn Dương, Na Hang, Chiêm Hóa, Yên Sơn và thành phố Tuyên Quang bị hư hỏng, thiệt hại. Có 846ha lúa, 468ha ngô và rau màu, 10ha thủy sản… tại các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa… bị thiệt hại. Một số tuyến đường giao thông tại các huyện Sơn Dương, Chiêm Hóa, Hàm Yên… bị sạt lở gây ách tắc trong nhiều giờ đồng hồ.
Ông Bùi Chí Thanh, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tuyên Quang cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin có người tử vong, lãnh đạo UBND tỉnh và các đơn vị liên quan đã đến thăm hỏi, động viên, chia buồn với gia đình nạn nhân xấu số; chỉ đạo chính quyền địa phương huy động các lực lượng cùng với nhân dân giúp đỡ gia đình nạn nhân làm thủ tục mai táng và khắc phục hậu quả do sạt lở đất gây ra.
Chủ động ứng phó với thiên tai và hạn chế thấp nhất thiệt hại, UBND tỉnh Tuyên Quang đề nghị UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai công tác ứng phó mưa lũ, sạt lở đất; nghiêm túc thực hiện công tác trực ban và kịp thời tổng hợp báo cáo theo quy định.
Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang yêu cầu các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn kiểm tra các vị trí xung yếu, cắm biển cảnh báo nghiêm cấm người dân đi vào khu vực nguy hiểm; thông tin kịp thời diễn biến tình hình thời tiết, lượng mưa trên loa truyền thanh để người dân nắm được, chủ động các biện pháp ứng phó; sẵn sàng nhân lực, vật lực hỗ trợ người dân di chuyển đến nơi an toàn khi có dấu hiệu bất thường.
Tỉnh Tuyên Quang có 5 huyện, thành phố nằm trong khu vực báo động nguy cơ sạt lở, sụt lún cấp độ 1 (cấp nguy hiểm) gồm: thành phố Tuyên Quang và các huyện Lâm Bình, Chiêm Hóa, Yên Sơn và Sơn Dương.