| Hotline: 0983.970.780

Khu tái định cư khẩn cấp tại huyện Kỳ Sơn bao giờ xong?

Thứ Năm 01/08/2024 , 08:24 (GMT+7)

Những nút thắt về rào cản pháp lý xoay quanh khu tái định cư khẩn cấp dần được tháo gỡ, đã đến lúc huyện Kỳ Sơn thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình.

Trận thiên tai kinh hoàng vào tháng 10/2022 gây thiệt hại nặng nề cho huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Việt Khánh.

Trận thiên tai kinh hoàng vào tháng 10/2022 gây thiệt hại nặng nề cho huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Việt Khánh.

2 đời chủ tịch huyện vẫn chưa xong

Tháng 10/2022 trên địa bàn huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) xảy ra trận lũ ống, lũ quét kinh hoàng, chỉ trong chớp mắt “cướp mất” của huyện nghèo hơn trăm tỷ đồng và đẩy nhiều hộ dân vào tình cảnh màn trời chiếu đất, phải ăn nhờ ở đậu suốt thời gian dài.

Nhằm sớm ổn định tư tưởng cho người dân vùng lũ, chủ trương xây dựng “Khu tái định cư di dời khẩn cấp cho nhân dân thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ” được đề xuất tức thì. Những tưởng với tính chất cấp thiết đặt ra, dự án này sẽ sớm thành hình, qua đó xóa nhòa đi ký ức hãi hùng về trận thiên tai xưa nay hiếm.

Thiên tai phút chốc đẩy nhiều hộ dân vào tình cảnh ngặt nghèo. Ảnh: Việt Khánh. 

Thiên tai phút chốc đẩy nhiều hộ dân vào tình cảnh ngặt nghèo. Ảnh: Việt Khánh. 

Theo ghi nhận của Báo Nông nghiệp Việt Nam, “Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư di dời khẩn cấp cho nhân dân thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ” do UBND huyện Kỳ Sơn làm chủ đầu tư (giai đoạn 1 quy mô trên 4,7ha; giai đoạn 2 quy mô trên 3,8ha) với tổng kinh phí 65 tỷ đồng. Đây là dự án nhóm C, khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của hơn 140 hộ dân.

Cũng bởi tính chất cấp bách nên ngày 3/4/2024 UBND tỉnh Nghệ An ban hành liên tiếp 2 Tờ trình gửi Bộ NN-PTNT về việc thẩm định, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án này. Nội dung xin được cô đọng như sau:

“Những năm qua, thiên tai đã gây thiệt hại lớn về người, nhà ở, tài sản, sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng thiết yếu của huyện Kỳ Sơn. Mưa lớn kết hợp nước lũ từ Lào đổ về gây ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất khiến nhiều hộ dân bị mất nhà cửa, tài sản. Đối diện với nhiều nguy cơ, họ muốn chuyển ngay đến các vùng ổn định, an toàn hơn.

Trận mưa lũ từ ngày 2/10/2022 gây ra 4 cung trượt, sạt lở đất làm ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, tài sản của 233 hộ dân tại các bản Hòa Sơn và Sơn Hà của xã Tà Cạ. Việc xử lý dứt điểm các cung trượt, điểm sụt lún rất khó khăn và không khả thi vì phạm vi dài, không xác định được mặt trượt và chân cung trượt…”

Địa chất tại 'tâm lũ' Tà Cạ quá bất ổn, không đảm bảo nhu cầu ăn ở, sinh hoạt lâu dài cho người dân. Ảnh: Việt Khánh.  

Địa chất tại "tâm lũ" Tà Cạ quá bất ổn, không đảm bảo nhu cầu ăn ở, sinh hoạt lâu dài cho người dân. Ảnh: Việt Khánh.  

UBND tỉnh Nghệ An khẳng định: Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư di dời khẩn cấp cho nhân dân thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ là hết sức cấp thiết.

Các cấp, ngành tỉnh Nghệ An cũng nhấn mạnh đây là dự án khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai thuộc tiêu chí dự án được chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác theo quy định tại Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ. Đồng thời có phương án trồng rừng thay thế do UBND huyện Kỳ Sơn lập ngày 19/1/2024…

Từ những lợi thế đó tin tưởng dự án sẽ băng băng về đích trước thời hạn, nào ngờ thực tế lại hoàn toàn trái ngược, ngót nghét gần 2 năm rồi khu tái định cư vẫn chưa thành hình, mọi thứ cơ bản vẫn ở dạng sơ khai, điều này đẩy các hộ dân trong diện liên quan vào tình cảnh ngặt nghèo, đi không được mà ở cũng chẳng xong.

Xin nói thêm, dự án này đã “vắt” qua 2 đời Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn (trước đó là ông Nguyễn Hữu Minh; hiện tại là ông Nguyễn Viết Hùng), điểm chung là vẫn nhọc nhằn tháo gỡ từng nút thắt, bấy nhiêu thôi cũng đáng để quan ngại rồi.

Kỳ Sơn có nắm bắt được thời cơ?

Ngày 28/5/2024 UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục có Công văn gửi Bộ NN-PTNT bàn đến những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác của một số dự án trên địa bàn, bao gồm khu tái định cư khẩn cấp tại huyện Kỳ Sơn.

Theo quan điểm của địa phương này, hiện Chính phủ vẫn chưa ban hành Văn bản quy định chi tiết về tiêu chí dự án được chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên cũng như trình tự, thủ tục liên quan, do đó chưa đủ căn cứ để làm. Nếu việc chuyển đổi không kịp thời sẽ kéo theo nguy cơ chậm tiến độ, xa hơn sẽ bị thu hồi nguồn do đa phần các dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Qua nắm bắt diễn biến được biết, ngày 18/7 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tiến tới tháo gỡ nút thắt tồn tại dai dẳng bấy lâu. Bám theo đây, Sở NN-PTNT đã đề nghị chủ đầu tư rà soát, hoàn thiện hồ sơ, thực hiện đúng trình tự, thủ tục đề nghị quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Câu hỏi khó đã có lời giải. Cờ đã đến tay, liệu huyện Kỳ Sơn có phất nổi không?

Nút thắt về mặt pháp lý đã tìm ra hướng tháo gỡ, liệu huyện Kỳ Sơn có nắm bắt được thời cơ để đẩy nhanh quá trình, qua đó sớm ổn định nơi ăn chốn ở cho 140 hộ thuộc diện liên đới. Ảnh: Việt Khánh.

Nút thắt về mặt pháp lý đã tìm ra hướng tháo gỡ, liệu huyện Kỳ Sơn có nắm bắt được thời cơ để đẩy nhanh quá trình, qua đó sớm ổn định nơi ăn chốn ở cho 140 hộ thuộc diện liên đới. Ảnh: Việt Khánh.

Nhân đây xin được nhắc lại, hồ sơ của khu tái định cư di dời khẩn cấp cho nhân dân thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ trước đây đã trình ra Bộ NN-PTNT thẩm định nhưng “không đạt”. Bởi lẽ áp dụng Điều 20 Luật Lâm nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 248 Luật Đất đai năm 2024 thì thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thuộc về HĐND tỉnh Nghệ An.

Xem thêm
Đề nghị xem xét kỷ luật ông Nguyễn Văn Thể

Ông Nguyễn Văn Thể bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét kỷ luật do có những vi phạm trong giai đoạn làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Cây bưởi góp phần xây dựng nông thôn mới ở Thượng Mỗ

Cách đây 30 năm một số nông dân xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội đã tiên phong trong việc mang giống bưởi Diễn về trồng thử ở quê mình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.