Vì vậy việc chủ động phòng chống thiên tai luôn được tỉnh quan tâm, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của.
Các hộ dân xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên chủ động khắc phục hậu quả sau cơn giông lốc. |
Ông Bùi Chí Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tuyên Quang cho biết, đến nay tỉnh đã có 137/141 xã, phường, thị trấn thành lập đội xung kích về phòng chống thiên tai (PCTT) với tổng số người tham gia là hơn 15.600 người. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đều thành lập lực lượng xung kích PCTT, trong đó lấy lực lượng tự vệ của đơn vị làm nòng cốt.
Đêm 24, sáng 25/8 tại xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên xảy ra giông lốc khiến 55 nhà dân tại 4 thôn bị tốc mái. Trong đó bị nặng nhất là thôn Cây Vải với 41 căn nhà bị tốc mái. Trước tình hình này, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng dân quân cùng bà con hàng xóm khắc phục hậu quả trên tinh thần các trường hợp thiệt hại nặng được ưu tiên khắc phục trước.
Ông Chu Văn Phúc, xã Thái Hòa cho biết, trận mưa lớn kèm gió lốc đã làm tốc toàn bộ mái nhà của gia đình. Ngoài ra các tài sản trong nhà như ti vi, tủ lạnh… cũng bị đổ méo mó. Tránh giông lốc, gia đình ông đã sang hàng xóm ở nhờ. Ngay sáng hôm sau, khi cơn giông đi qua được bà con hàng xóm cùng lực lượng dân quân giúp đỡ, gia đình đã khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.
Việc bố trí, sắp xếp ổn định dân cư tại vùng có nguy cơ sạt lở cao cũng được các huyện, thành phố đặc biệt quan tâm. Thực hiện chương trình này, năm 2019 tỉnh Tuyên Quang xây dựng kế hoạch di chuyển, sắp xếp ổn định dân cư theo hình thức xen ghép 85 hộ với tổng kinh phí thực hiện hơn 2 tỷ đồng. Đến nay, các địa phương đã thực hiện sắp xếp, di chuyển được 75 hộ dân đến nơi ở mới. Dự kiến đến hết tháng 10 sẽ hoàn thành chuyển di chuyển 10 hộ còn lại.
Gia đình chị Hoàng Thị Mán, thôn Khuẩy Phìn, xã Sinh Long, huyện Na Hang thuộc diện hộ đặc biệt khó khăn, nhà nằm sát bờ suối Nà Pe. Mùa mưa bão đến, hầu như năm nào cũng bị ngập đến 5 lần. Mỗi khi mưa lớn, nước trên núi cứ chảy xuống ào ào rất nguy hiểm. Có hôm nước chảy vào nhà như dòng suối, hai mẹ con chị chỉ biết ôm chặt lấy nhau chờ cơn bão đi qua.
Tháng 6 vừa rồi, được nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng cộng thêm tiền tích góp nhiều năm, gia đình chị đã làm được ngôi nhà mới. Có nhà mới, gia đình chị yên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống. Cùng với gia đình chị Mán, năm 2019, xã Sinh Long cũng có 6 hộ được hỗ trợ làm nhà đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống.
Việc đảm bảo an toàn hồ đập và các công trình thủy lợi cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác PCTT tại Tuyên Quang. Hiện toàn tỉnh có 420 công trình bị hư hỏng xuống cấp có nguy cơ mất an toàn. Tỉnh đã bố trí các nguồn vốn để tu sửa, nâng cấp và làm mới 48 công trình với tổng kinh phí trên 156,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 372 công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ gây mất an toàn chưa được bố trí các nguồn để sửa chữa, nâng cấp. Đảm bảo an toàn các công trình, UBND tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo Sở NN-PTNT, Sở GTVT phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra các công trình thuỷ lợi, công trình PCTT từ đó xây dựng kế hoạch, biện pháp bảo dưỡng, tu sửa đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa lũ. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng đẩy nhanh tiến độ thi công, sửa chữa các công trình thủy lợi, PCTT, các công trình giao thông và cơ sở hạ tầng khác để phòng ngừa thiệt hại. Chủ động xây dựng phương án PCTT, tìm kiếm cứu nạn, các sở ngành, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị chu đáo các điều kiện về cơ sở vật chất, lực lượng tham gia PCTT. Nếu có thiên tai xảy ra, các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động sử dụng nguồn dự phòng ngân sách các cấp để hỗ trợ giúp nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân vùng bị thiên tai. |