
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong công tác giảm tử vong mẹ, song ở các khu vực dân tộc thiểu số, con số này vẫn dao động từ 100 đến 150 – cao gấp 2-3 lần. Ảnh: UNFPA.
Đoàn công tác liên ngành gồm đại diện Bộ Y tế, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Merck Sharp & Dohme (MSD) đã có chuyến thực địa tại tỉnh Lai Châu nhằm đánh giá tiến độ thực hiện dự án “Không ai bị bỏ lại phía sau: Các can thiệp sáng tạo để giảm tử vong mẹ tại các khu vực dân tộc thiểu số ở Việt Nam” từ 2-4/4.
Đây là một sáng kiến có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh tỷ lệ tử vong mẹ tại các vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là miền núi, vẫn ở mức cao và chênh lệch rõ rệt so với mặt bằng chung cả nước.
Mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong công tác giảm tử vong mẹ, với tỷ lệ trung bình hiện tại là 46 ca trên 100.000 ca sinh sống, song ở các khu vực dân tộc thiểu số, con số này vẫn dao động từ 100 đến 150 – cao gấp 2-3 lần. Đáng chú ý, nhóm phụ nữ dân tộc H’Mông có nguy cơ tử vong mẹ cao gấp 7 lần so với nhóm dân tộc Kinh. Nguyên nhân không chỉ đến từ điều kiện địa lý hiểm trở và thiếu thốn cơ sở hạ tầng y tế, mà còn do những rào cản văn hóa – xã hội đặc thù.
Dự án do MSD for Mothers, MSD Việt Nam và UNFPA tài trợ, phối hợp thực hiện cùng Bộ Y tế và Sở Y tế sáu tỉnh miền núi gồm Lai Châu, Sơn La, Bắc Kạn, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông, với tổng ngân sách hơn 2 triệu USD. Mục tiêu trọng tâm là nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và kế hoạch hóa gia đình chất lượng cao cho phụ nữ dân tộc thiểu số – hướng tới chấm dứt các ca tử vong mẹ có thể phòng ngừa.
Tại xã Mù Sang, huyện Phong Thổ – một trong những địa bàn thụ hưởng chính của dự án – nhiều chỉ số cho thấy những thay đổi tích cực sau ba năm triển khai. Tỷ lệ sinh con tại cơ sở y tế tăng từ 24% (năm 2022) lên 61% (năm 2024); tỷ lệ phụ nữ khám thai từ 4 lần trở lên tăng từ 27,2% lên 41,7%; và tỷ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại tăng nhẹ từ 59,9% lên 62,2%. Trong năm 2024, các chiến dịch truyền thông kết hợp với cung cấp dịch vụ đã hỗ trợ 339 phụ nữ tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình, đồng thời truyền thông đến 479 người dân địa phương, cả nam và nữ.
Bên cạnh việc khảo sát thực địa và gặp gỡ người dân, đoàn công tác cũng làm việc với Sở Y tế tỉnh Lai Châu nhằm thảo luận về tính bền vững của dự án sau khi kết thúc giai đoạn tài trợ. Lãnh đạo ngành y tế địa phương cam kết sẽ tích hợp các mô hình, hoạt động hiệu quả vào chương trình y tế thường xuyên, đảm bảo duy trì kết quả và tiếp tục cải thiện sức khỏe bà mẹ trong dài hạn.
Chia sẻ về chuyến công tác, ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam, nhấn mạnh rằng, tỷ lệ tử vong mẹ trong các cộng đồng dân tộc thiểu số vẫn ở mức cao do kết hợp giữa khó khăn trong việc tiếp cận các cơ sở y tế tại các khu vực miền núi và rào cản văn hóa.
“UNFPA đang hợp tác với các đối tác để triển khai các giải pháp đổi mới nhằm nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ tại các địa bàn ưu tiên. Kết quả đã cho thấy sự gia tăng trong việc khám thai định kỳ, số ca sinh tại cơ sở y tế và sự hiện diện của nhân viên y tế tại cộng đồng - tất cả đều góp phần vào việc sinh nở an toàn và chấm dứt các trường hợp tử vong mẹ có thể phòng tránh được”, đại diện UNFPA cho biết.

Ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam, trong chuyến thực địa đến tỉnh Lai Châu. Ảnh: UNFPA.
Bà Katharina Geppert, Tổng Giám đốc MSD tại Việt Nam, khẳng định: “Mọi bà mẹ đều xứng đáng được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe an toàn và chất lượng. Thông qua hợp tác công – tư với UNFPA và Chính phủ Việt Nam, chúng tôi đầu tư vào các giải pháp sáng tạo có tác động dài hạn tới sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trong các khu vực khó khăn nhất.”
Từ phía cơ quan quản lý nhà nước, bà Trần Thị Bích Loan, Phó Cục trưởng Cục Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) – đánh giá dự án đã góp phần quan trọng trong việc giảm tử vong mẹ ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Bà nhấn mạnh rằng chính phủ sẽ tiếp tục hợp tác cùng các đối tác quốc tế và doanh nghiệp để đảm bảo rằng mọi phụ nữ, bất kể địa bàn sinh sống, đều có quyền mang thai và sinh con trong điều kiện an toàn.
Chuyến công tác ghi nhận nỗ lực của Việt Nam hướng tới việc đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững về giảm tỷ lệ tử vong mẹ vào năm 2030. Hành động kịp thời và đầu tư bền vững là điều cần thiết để đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau.