| Hotline: 0983.970.780

Chúng ta ở quãng nào?

Thứ Tư 18/01/2023 , 06:44 (GMT+7)

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

1.

Trước bao cấp nữa cơ. Là đầu thế kỷ 20 ư, khi ông bà nội của người viết bài này đang thanh xuân ư? Thời “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” ấy à?

Thời thuộc Pháp, đích danh thuộc Pháp, 100 trăm năm thuộc Pháp. Cho dù Việt Nam bị người Pháp chia thành 3 kỳ nhưng nền giáo dục được ảnh hưởng họ, có làm cho Nho học nhạt đi, những gì của hủ nho dĩ nhiên sẽ bị nhận chân là hủ nho. Xã hội cựa mình dữ dội, do tầng lớp trí thức Tây học được ngấm tinh thần khai phóng của chính người Pháp. Và rồi Thế chiến II, đi cùng với sự xuất hiện ở Việt Nam những con người không chỉ ngồi đợi và nhâm nhi văn minh Pháp trên sách vở.

Chiến tranh đã gõ cửa từng nhà thì không thể bảo rằng xã hội yên bình. Đúng, một giai đoạn người Pháp bị tinh thần tự do mà họ phần nào đã mang đến cho xứ thuộc địa, một giai đoạn người Việt chín muồi tinh thần giành độc lập, một giai đoạn nhân loại đồng lòng kết liễu bè lũ Phát xít. Người Việt lần đầu tiên biết thế nào nền Cộng hòa cho dù non trẻ, rất non trẻ. Một thời được nhớ đến với những điều tốt đẹp nhất.

Nhưng, đã hiện ra bộ mặt thực sự gớm ghiếc khi người Pháp quay lại (chính họ cũng chưa hiểu rằng kỷ nguyên thuộc địa đã kết thúc). Chúng ta chưa chuẩn bị bất cứ thứ gì cho cuộc chiến này. Một cuộc chiến trực diện với đội quân chính quy, đứng phía sau là sự ủng hộ của người Mỹ. Để tìm thấy sự đồng lòng, nhân lực và tâm lực, hai chữ “cách mạng” được đề cao, nhất là phía Bắc, để những người được cho là nòng cốt của xã hội: công-nông-binh lần đầu tiên được hình thành và được tôn vinh.

Nam bộ không thuần nhất, Nam bộ với một biển nông dân trên vùng đất trẻ với rất nhiều thứ tôn giáo có cả quân đội, và có một thứ quân giang hồ tên là Bình Xuyên. Nam bộ tham gia công cuộc kháng chiến Chín năm không đồng lòng như miền Bắc. Điều đó nói rằng, nếu người Việt gửi đám đông trong một chữ Đạo của quãng ấy, chính là Đạo hiếu.

Hiếu với non sông như những câu xuất thần của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ “Từ độ mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”. Hiếu với tổ tiên ông bà nhờ nối dài đạo thờ tổ tiên, một giềng mối sâu sắc của người Việt. Hiếu với thầy cô, chữ ấy chưa bao giờ nhạt trong hệ thống giáo dục dù có lúc nặng Tây học hay là nhẹ đi để nặng tinh thần quốc gia trong mấy chữ Cách mạng.

2.

Đất nước bị chia đôi, hai thực thể chính trị. Miền Bắc không còn cuộc sống tự nhiên. Không tôn giáo, không làm ăn riêng lẻ, không ai được đứng công cuộc cách mạng. Khi ấy mục tiêu người và của cho công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đã thống trị mọi nghĩ suy và hành vi của con người.

Mục tiêu chiến thắng cuối cùng, không chấp nhận đất nước bị chia đôi đã khiến triệu triệu người như một. Xã hội không chùa chiền miếu mạo để theo Phật từ đó tu tâm dưỡng tính. Không cơm ăn áo mặc đủ, thì tháng năm sẽ làm ra những hành vi thê thảm ở con người chắc chắn là vô định với truyền thống để phấn đấu cho những điều mà hôm nay chúng ta gọi là “mặt trái”.

Nam bộ và một phần miền Trung từ Quảng Trị vào, thực chất giữ được gần như nguyên trạng các thứ, nhất là hệ thống chùa chiền, nhà thờ và môi trường giáo dục. Kinh tế thị trường, tư nhân mạnh, vậy nên con người cá nhân, con người được chọn lựa và con người truyền thống không khác mấy so với thời ông bà xưa. Ở những vùng hai bên giằng co thế cuộc, nông dân tan tác, con em nông dân tham gia kháng chiến, sâu xa, họ vẫn giữ được tinh thần các chữ hiếu đã được truyền dạy trong gia đình và trong nhà trường. Hiếu với lý tưởng. Trên tất cả là hiếu với tổ tiên, điều mà người Việt khẩn hoang, người Việt di cư đã đồng nhất giữ gìn và con người đã sống cho điều đó.

3.

Phải nói thật, đã có hai thập niên đầu sau 1975, miền Nam phải gần như đồng nhất với miền Bắc về mô hình kinh tế, mô hình giáo dục, mô hình xã hội trong khi cuộc chiến thứ ba, cuộc chiến ở hai đầu biên địa và sau đó, dài 10 năm ở Campuchia đã làm cho chúng ta không có bình thường với ý nghĩa bình thường nhất của từ này. Mọi gia đình bị lột xác, thích nghi, giống hệt và yếu ớt. Cực kỳ yếu ớt nhưng không loạn, là bởi lòng người chỉ mong muốn điều duy nhất, không phải lý tưởng cao xa gì như xưa, chỉ mong muốn an yên, ăn cháo cũng cam lòng.

Cuộc chiến nào rồi cũng phải kết thúc. Mười năm với Pol Pot, mười năm với gã láng giềng khổng lồ, vậy là 3 cuộc chiến trong vòng chưa đầy một thế kỷ, với các đại cường. Thế giới ngạc nhiên không phải vì chúng ta anh hùng ghê gớm, có lẽ thế giới ngạc nhiên vì sao người Việt sống sót giỏi như thế. Như cỏ chăng, hình như họ là cỏ, hoa thường héo cỏ thường tươi, bị giẫm đạp, bị giày xéo, rồi thì cỏ vẫn gượng dậy và lên xanh.

Không như xưa được. Có gì như xưa được nữa sau bao nhiêu biển dâu, gần một thế kỷ biển dâu. Có nơi đâu trên trái đất này tang thương đổ nát đến như thế?

Hiếu học còn không, xin thưa, đa số đang hoài nghi, học cho điểm thi đua, học vụ lợi cho thứ bằng cấp, học để hợp thức hóa tiêu chuẩn quan trường, học để… Hiếu ở đình chùa miếu mạo ra sao, nhìn vào đội ngũ sư chứ đừng nhìn vào đám đông mê tín. Hiếu với thầy cô, thầy cô là sản phẩm của nền giáo dục 5 năm cải cách một lần và chính họ luôn loay hoay và chật vật thì hy vọng gì. Hiếu với tổ tiên, đạo thờ các thứ đang bị xét lại hoặc thực hành kiểu “chơi sang cho thiên hạ biết mặt” thì chân truyền còn lại chút gì?

Thiếu luật và luật không nghiêm minh, chắc chắn là hai thứ thiếu như cái gốc đã làm cho xã hội luôn lung lay và chao đảo. Có nên hy vọng không? Không hy vọng thì xã hội sẽ vô minh và vô định. Vậy thì nên hy vọng.

Xem thêm
Phá vỡ khuôn mẫu quá khứ để tự do sống và yêu

Phá vỡ khuôn mẫu không có nghĩa là nổi loạn, mà là thoát khỏi những sự ràng buộc mang tính ám ảnh quá khứ để có thể mưu cầu hạnh phúc đích thực.

Đàn ông toan tính không thể có hạnh phúc hôn nhân

Đàn ông toan tính chạy theo nhan sắc và tiền bạc, thì dù có khéo léo đến mấy cũng lộ ra khuôn mặt bội bạc và khó giữ mái ấm đích thực.