| Hotline: 0983.970.780

Tỉnh công nghiệp "trải thảm đỏ" đón nông nghiệp công nghệ cao

Thứ Hai 24/05/2021 , 10:24 (GMT+7)

Ngoài đi đầu về phát triển công nghiệp, Bình Dương là tỉnh có nhiều đột phá trong phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị.

Xác định ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, Bình Dương đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó quy hoạch vùng sản xuất tập trung, áp dụng khoa học công nghệ; thu hút doanh nghiệp đầu tư…

Bên cạnh đó, tỉnh này có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ mạnh cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Nhờ vậy, nông nghiệp công nghệ cao của Bình Dương đã phát huy hiệu quả, tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác so với trước.

Khu trồng chuối ứng dụng công nghệ cao tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái (Phú Giáo, Bình Dương). Ảnh: Phan Bằng.

Khu trồng chuối ứng dụng công nghệ cao tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái (Phú Giáo, Bình Dương). Ảnh: Phan Bằng.

Những con số ấn tượng

Trong giai đoạn 2017-2020, Bình Dương đã thực hiện cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao; phát triển các vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản, rau an toàn, gắn với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị ở các huyện phía bắc; đẩy mạnh ứng dụng các giống năng suất và chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh cho các đối tượng cây trồng chủ lực.

Đến năm 2020, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp đô thị của tỉnh gần 150ha; tổng diện tích ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao 5.345 ha, với các loại cây trồng có giá trị như nấm, cây ăn trái, hoa lan, cây cảnh…

Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất các loại cây trồng có giá trị như dưa lưới, cây có múi, chuối được các tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư thâm canh, thiết kế hệ thống tưới phun tự động, nhỏ giọt, trồng cây theo phương pháp thủy canh, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 75 cơ sở sản xuất được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt với tổng diện tích khoảng trên 450 ha. Giá trị bình quân sản xuất nông nghiệp đạt gần 100 triệu đồng/ha/năm; một số mô hình trồng bưởi có thu nhập bình quân trên 1 tỷ đồng/ha/năm.

Mô hình rau thuỷ canh Ngọc Ánh ở TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương là một trong những vườn rau thủy canh lớn nhất tỉnh Bình Dương. Ảnh: Nguyễn Thắng.

Mô hình rau thuỷ canh Ngọc Ánh ở TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương là một trong những vườn rau thủy canh lớn nhất tỉnh Bình Dương. Ảnh: Nguyễn Thắng.

Bên cạnh hiện đại hóa quy trình trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi cũng có bước chuyển dịch mạnh mẽ từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại tập trung ứng dụng, liên kết theo chuỗi, bảo đảm an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.

Hiện nay, chăn nuôi áp dụng công nghệ cao ổn định với 142 trang trại gà giống, gà đẻ trứng và gà thịt với tổng đàn gần 8,1 triệu con; chăn nuôi heo thịt, heo giống chất lượng cao có 154 trang trại với tổng đàn gần 518.000 con; vịt thịt có 15 trại với số lượng 205.600 con; bò sữa có 2 trang trại với quy mô đang nuôi 849 con.

Nhiều công ty, trang trại và hộ gia đình mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại, dây chuyền sản xuất tiên tiến đạt tiêu chuẩn Châu Âu vào sản xuất chăn nuôi như máng ăn, uống tự động, công nghệ sau thu hoạch, con giống năng suất cao, hệ thống chuồng lồng, chuồng sàn, hệ thống làm mát và sưởi ấm… đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Song song với những lợi ích thiết thực mang lại cuộc sống ổn định, tăng thu nhập cho người dân, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đem đến hiệu quả kinh tế rõ nét, tạo ra nguồn sản phẩm ổn định và vượt trội về số lượng lẫn chất lượng.

Theo thống kê, giá trị bình quân sản xuất nông nghiệp của Bình Dương đạt trên 95 triệu đồng/ha/năm. Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao có thu nhập bình quân 1 tỷ đồng/ha/năm. Gặt hái “quả ngọt” trong lĩnh vực nông nghiệp là nhờ những chính sách hỗ trợ của tỉnh đã kịp thời đến với doanh nghiệp.

Nhiều ưu đãi cho nông nghiệp công nghệ cao

Xác định rõ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là cơ hội cho phát triển nông nghiệp trong tương lai, Bình Dương đang quy hoạch, tạo quỹ đất thu hút doanh nghiệp tiếp tục đầu tư. Địa phương này cũng đang hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; tận dụng tối đa cơ hội của từ cách mạng công nghiệp 4.0 vào lĩnh vực nông nghiệp.

Khu Nông nghiệp công nghệ cao Bắc Tân Uyên, một trong 4 khu nông nghiệp công nghệ cao ở Bình Dương. Ảnh: Nguyễn Thắng.

Khu Nông nghiệp công nghệ cao Bắc Tân Uyên, một trong 4 khu nông nghiệp công nghệ cao ở Bình Dương. Ảnh: Nguyễn Thắng.

Đồng thời, ngành chức năng của tỉnh tăng cường vai trò làm đầu mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Về chính sách hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghệp công nghệ cao, ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Dương cho biết, HĐND tỉnh vừa ban hành Nghị quyết về Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với rất nhiều ưu dãi dành cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp.

Theo nghị quyết này, có rất nhiều ưu đãi dành cho các cá nhân, tập thể sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương và có phương án đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào sơ chế, bảo quản, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; đầu tư sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi chất lượng cao phục vụ cho sản xuất không gây ô nhiễm môi trường phù hợp với mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và quy hoạch phát triển ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Bình Dương.

Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào chăn nuôi bò sữa công nghệ cao tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: Phan Bằng.

Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào chăn nuôi bò sữa công nghệ cao tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: Phan Bằng.

Các cá nhân đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất; đầu tư sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi chất lượng cao; đầu tư mua giống cây trồng, giống vật nuôi, vật tư, nhiên liệu phục vụ sản xuất; chi phí mua bản quyền công nghệ, mua công nghệ hoặc mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để tạo ra sản phẩm mới, cải tiến công nghệ, công nghệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, công nghệ tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, tiết kiệm năng lượng… sẽ được vay vốn với lãi suất bằng 70% lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh tại từng thời điểm do UBND tỉnh quyết định.

Mức vốn cho vay ưu đãi tối đa lên tới 70% tổng mức đầu tư, thời hạn vay ưu đãi theo phương án được duyệt nhưng tối đa không quá 08 năm. Phương án mà chủ đầu tư tham gia liên kết chuỗi giá trị được áp dụng theo chu kỳ sản xuất của sản phẩm.

Ngoài hỗ trợ vay vốn, Bình Dương còn thành lập các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm thu hút doanh nghiệp đến đầu tư. Hiện Binh Dương đã có 4 khu nông nghiệp công nghệ cao gồm: Tiến Hùng (huyện Bắc Tân Uyên), Vĩnh Tân (Thị xã Tân Uyên), 2 khu nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Phú Giáo là Tân Hiệp - Phước Sang, và An Thái.

“Cùng với việc xây dựng, quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, từng bước sắp xếp và tổ chức lại sản xuất, Bình Dương đang tập trung chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng và thời vụ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm chuyển trọng tâm sản xuất từ mục tiêu sản lượng sang chất lượng và hiệu quả, hướng đến một nền nông nghiệp sạch toàn diện, cung cấp nông sản an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu”.

(Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Dương).

Xem thêm
Thủ phủ quất cảnh miền Trung thắng lớn vụ Tết

Quảng Nam Năm nay, quất cảnh bán nhanh, giá nhỉnh hơn mọi năm khoảng 10-15%, các nhà vườn ở TP Hội An (Quảng Nam) cơ bản đã bán hết toàn bộ chậu quất Tết.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

ThaiBinh Seed trao 100 suất quà Tết cho người nghèo

Công ty TNHH ThaiBinh Seed Miền Trung - Tây Nguyên (Tập đoàn ThaiBinh Seed) vừa tổ chức trao quà cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Bình luận mới nhất