| Hotline: 0983.970.780

Bình Dương thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

Thứ Ba 26/01/2021 , 10:28 (GMT+7)

Nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 3% GDP của tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao được tỉnh hết sức quan tâm giành nguồn lực, thu hút đầu tư...

Tỉnh công nghiệp ưu đãi nông nghiệp

Bình Dương được biết đến là tỉnh công nghiệp, có chỉ số phát triển công nghiệp rất nhanh và cao. Cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng là 66,94%, 21,98% và 3,15%. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh lên tới trên 151 triệu đồng/người (số liệu năm 2020).

Mặc dù GDP nông nghiệp chỉ chiếm hơn 3%, tuy nhiên, Bình Dương cũng có nhiều điều kiện và tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC). Đây cũng là nội dung quan trọng của tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.

Triển khai thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và Bộ NN-PTNT nhằm thúc đẩy ứng dụng CNC trong nông nghiệp, Bình Dương đã có những chính sách rất cụ thể nhằm triển khai Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 04/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể Khu và Vùng nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Một góc khu trồng chuối hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao tại Khu nông nghiệp ứng dụng CNC An Thái (Phú Giáo, Bình Dương). Ảnh: Phan Bằng

Một góc khu trồng chuối hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao tại Khu nông nghiệp ứng dụng CNC An Thái (Phú Giáo, Bình Dương). Ảnh: Phan Bằng

Theo đó, tỉnh đã có những chính sách ưu đãi nhằm thu hút, khuyến khích thành lập các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC, hình thành các Vùng nông nghiệp ứng dụng CNC.

Từ năm 2016, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã sớm ban hành chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng CNC tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 – 2020.

Theo đó, các mô hình đầu tư sản xuất ứng dụng CNC được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi bằng 70% lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ đầu tư phát triển tỉnh. Hạn mức vay ưu đãi từ 80% - 90% tùy theo quy mô của phương án đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng CNC.

Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh đã có 80 phương án được Quỹ đầu tư phát triển tỉnh ký hợp đồng tín dụng với tổng vốn phê duyệt 610 tỷ đồng, trong đó đã tiến hành giải ngân theo tiến độ thực hiện được 542,6 tỷ đồng.

Đến nay, Bình Dương đã hình thành một số Khu nông nghiệp ứng dụng CNC như: Khu nông nghiệp ứng dụng CNC An Thái; Công ty Cổ phần Anova Agri Bình Dương; Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC Ba Huân..., với đa dạng ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ tưới và nhiều nhiều loại máy móc cơ giới hóa được áp dụng trong sản xuất giống, thâm canh cây trồng, vật nuôi...

Tỉnh cũng đã và đang quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Với mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Bình Dương theo hướng chất lượng, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản đặc thù, lợi thế của tỉnh. đến nay, toàn tỉnh Bình Dương có 111 trang trại được chứng nhận VietGAP. Trong đó: Trồng trọt 75 trang trại, chăn nuôi 36 trang trại.

Đến năm 2020, diện tích ứng dụng CNC trong trồng trọt của Bình Dương đạt trên 5.345 ha với các loại cây trồng có giá trị như: rau, nấm, cây ăn trái, hoa lan, cây cảnh... ứng dụng các kỷ thuật tiên tiến như: Giống chất lượng cao, nhà lưới, tưới tự động, điều khiển ra hoa trái vụ...

Chăn nuôi ứng dụng CNC tiếp tục phát triển với 133 trang trại đầu tư nuôi gà giống, gà đẻ trứng, gà thịt với tổng đàn trên 7,6 triệu con, chiếm 68% tổng đàn.

Chăn nuôi heo thịt, heo giống chất lượng cao có 152 trang trại với tổng đàn gần 466 ngàn con, chiếm 73% tổng đàn; vịt thịt có 10 trang trại với tổng đàn 121 ngàn con; bò sữa có 01 trang trại với tổng đàn 800 con.

Điển hình Khu nông nghiệp ứng dụng CNC An Thái

Khu nông nghiệp ứng dụng CNC An Thái ở huyện Phú Giáo được tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương đầu tư và phê duyệt đề án từ năm 2009 với tổng diện tích thực hiện dự án hơn 410 ha.

Chuối già hương được trồng tại Khu CNC An Thái. Ảnh: Phan Bằng

Chuối già hương được trồng tại Khu CNC An Thái. Ảnh: Phan Bằng

Hiện nay, khu nông nghiệp ứng dụng CNC An Thái đã tổ chức sản xuất 100% diện tích. Sau thời gian chọn lọc thử nghiệm, đã đưa vào sản xuất các loại cây trồng có lợi thế so sánh, có hiệu quả kinh tế cao xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Bình Dương, cụ thể như:

Cây chuối già hương được trồng với tổng diện tích hơn 195 ha, năng suất bình quân là 50 tấn/năm, lợi nhuận bình quân hơn 150 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, thị trường tiêu thụ trong nước khoảng 50%, còn lại 50% xuất khẩu sang thị trường các nước Nhật Bản, Hàn Quốc. Hiện nay, đã có 66 ha chuối được chứng nhận đủ tiêu chuẩn GlobalGAP.

Dưa lưới (giống dưa lưới từ Hà Lan, Israel và Nhật Bản), được trồng với tổng diện tích gần 12 ha, năng suất bình quân 100 tấn/ha/năm, được tiêu thụ 50% trong nước và 50% xuất khẩu.

Đây là loại cây trồng có giá trị kinh tế rất tốt, đòi hỏi công nghệ và kỹ thuật sản xuất cao, quy trình chặt chẽ và ứng dụng các thiết bị, công nghệ hiện đại như trồng trong nhà màng, hệ thống tưới và bón phân được lập trình, điều khiển bằng máy tính.

Cây có múi (chủ yếu là bưởi da xanh và cam sành), được trồng trên diện tích gần 125 ha, thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước, được trang bị hệ thống tưới tự động và bán tự dộng, trồng theo hướng hữu cơ, sử dụng những chế phẩm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thân thiện với môi trường.

Cây nhãn (diện tích gần 12 ha), được trồng từ năm 2015 với hai giống nhãn Edaw và Thanh nhãn. Trong đó, nhãn Edaw có nguồn gốc Thái Lan, hiện là giống nhãn có nhu cầu xuất khẩu lớn nhất thế giới, còn Thanh nhãn là một giống nhãn mới của Việt Nam có tính năng ưu việt như cơm dày, ráo, thơm, hạt nhỏ. Dự án được trang bị hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel, đạt tiêu chuẩn VietGAP…

Khu nhà lưới chuẩn bị triển khai trồng dưa lưới vụ mới tại Khu CNC An Thái. Ảnh: Phan Bằng

Khu nhà lưới chuẩn bị triển khai trồng dưa lưới vụ mới tại Khu CNC An Thái. Ảnh: Phan Bằng

Bên cạnh đó, hiện nay Khu Nông nghiệp CNC An Thái đang trồng thử nghiệm cây bơ với diện tích gần 2 ha, sử dụng giống bơ mới có khả năng chịu nhiệt, do Viện Cây ăn quả miền Nam chọn lọc. Dù vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng kết quả ban đầu rất khả quan, khả năng đậu trái và chất lượng sản phẩm tốt, so với các giống bơ ngon được trồng ở Tây Nguyên hiện nay.

Ngoài ra, Khu nông nghiệp ứng dụng CNC An Thái vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm những loại cây trồng mới như đu đủ Solo Sunsire của Hawaii, các loại rau ăn lá (theo hướng hữu cơ) để đa dạng hóa các đối tượng cây trồng tại Khu. Đồng thời, sẵn sàng chuyển đổi cây trồng khi cần thiết theo nhu cầu của thị trường, đồng thời đáp ứng nhu cầu nhận chuyển giao công nghệ và bao tiêu sản phẩm của bà con nông dân trong tỉnh.

Hiện nay, Bình Dương đang xây dựng một số chính sách như: Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ…

Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 cũng đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong nông nghiệp như: Tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng CNC và nông nghiệp đô thị; khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết để cắt giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng.

Đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển thị trường, đào tạo nhân lực, tăng cường chuyển giao và ứng dụng KH - CN trong sản xuất nông nghiệp…

(Còn nữa)

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.