Chiều muộn thứ Bảy 17/7, Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam (VPF) đồng ý với đề xuất của Ban tổ chức V-League về việc tạm dừng giai đoạn còn lại của mùa 2021. Đề xuất này được chuyển tiếp lên Ban chấp hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Và nếu được thông qua, mùa giải năm nay sẽ được nối lại vào đầu tháng 2/2022, kết thúc vào giữa tháng 3/2022.
Việc lùi mùa giải, thực tế, đã được tiên liệu từ trước. Một phần bởi lịch thi đấu quá dày của các đội tuyển bóng đá Việt Nam. Phần khác, vì dịch Covid-19 diễn biến quá phức tạp. Ngay trong mùa này, giải đã ngắt quãng vài lần, và phải rất khó khăn mới tiếp diễn được đến vòng 12.
Phía các CLB đương nhiên phản ánh đề xuất này. Đại diện đội dẫn đầu bảng xếp hạng HAGL, và các đội ở nhóm tài chính eo hẹp như Hải Phòng, Nam Định đều muốn hoàn thành mùa bóng trong năm 2021. Lý lẽ họ đưa ra chủ yếu thuộc về khía cạnh tài chính.
"VPF có chắc tới tháng 2/2022, dịch Covid-19 sẽ được khống chế và giải được tổ chức bình thường, đúng hạn? Hay là tới lúc đó, vì nhiều lý do, giải lại tiếp tục hoãn, huỷ? Nếu vậy, thiệt hại của 14 CLB trong 6 tháng chờ đợi có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng", Giám đốc Điều hành CLB Nam Định Trần Thái Toán bức xúc nói.
Cả hai luồng ý kiến đều có lý lẽ riêng của mình. Phía cơ quan quản lý, họ chưa có cơ chế tổ chức giải đấu giữa lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp. Còn phía đội bóng, rõ ràng họ không thể đá hai mùa mà chỉ hưởng thành tích một lần, như đề xuất của VPF.
Mấu chốt của vấn đề có lẽ nằm ở dịch Covid-19. Từ khi có các ca bệnh phát hiện tại Việt Nam đến nay, hễ mỗi lần dịch bùng phát, tất cả các hoạt động xã hội đều bị gián đoạn chứ không riêng gì bóng đá. Ngay cả việc đội tuyển Việt Nam có được đá sân nhà ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 hay không, Chính phủ mới đồng ý về chủ trương. Còn cách thực hiện ra sao đến giờ vẫn là dấu hỏi.
Cách phản ứng như vậy rất khác so với thể thao quốc tế. Phần đông các nền bóng đá, chủ yếu là châu Âu, sau khoảng vài ba tháng đầu bất ngờ trước đại dịch, đã có lộ trình xuyên suốt. Họ tổ chức các trận đấu một cách bình thường, theo quy định "bong bóng". Nghĩa là, các cầu thủ, ban huấn luyện được cô lập với bên ngoài và được xét nghiệm định kỳ. Tất cả không được phép rời khu vực chỉ định của ban tổ chức và chấp nhận thi đấu tập trung.
Hệ quả, Euro 2021 vừa diễn ra một cách tốt đẹp. Trận chung kết giữa Anh và Italia đón khoảng 65.000 khán giả tới theo dõi. Đó rõ ràng là một thành công, dù trước đó, có những lúc bóng đá lục địa già bị chỉ trích khi một vài đội có quá nửa số thành viên dương tính với virus SARS-CoV-2, thậm chí không thể tham dự trận đấu.
Nguyên tắc của UEFA và các cơ quan quản lý bóng đá thế giới, nhìn chung là tổ chức trận đấu bằng mọi giá. Cầu thủ nào mắc bệnh sẽ tự cách ly. Những người tiếp xúc gần sẽ được xét nghiệm và thi đấu bình thường nếu cho kết quả âm tính.
Việt Nam giờ phải chấp nhận thông lệ ấy, khi đồng ý chỉ cách ly các đối thủ ở vòng loại World Cup 2 ngày. Thiết nghĩ, chúng ta cũng cần một cơ chế mới, dài hơi và ổn định hơn tương tự cho V-League.