Theo TS Tô Xuân Phúc (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), vừa qua, cơ quan chức năng Hà Lan đã quyết định đưa đồ gỗ NK có nguồn gốc từ Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam vào “tầm ngắm” liên quan đến nguồn gốc gỗ nguyên liệu. Cơ quan chức năng Ý cũng đang điều tra một lô hàng ván sàn NK từ Việt Nam về tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu.
Những thông tin nói trên cho thấy nguồn gốc gỗ nguyên liệu vẫn đang một rủi ro không nhỏ đối với XK gỗ của Việt Nam.
Tại buổi tọa đàm tham vấn “Rủi ro khi XK đồ gỗ trong bối cảnh hội nhập TPP và EVFTA”, do VCCI và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức tại TP HCM ngày 30/5, TS Tô Xuân Phúc cho biết, vẫn đang có những lô hàng gỗ và đồ gỗ, có nguồn gốc từ gỗ tự nhiên của một số nước trong khu vực, được các doanh nghiệp Việt Nam XK sang Mỹ.
Chẳng hạn, thống kê của Tổng cục Hải quan cho hay trong năm 2015, Việt Nam XK khoảng 1.800 m3 gỗ tròn và 3.000 m3 gỗ xẻ có nguồn gốc từ gỗ căm xe.
Mà gỗ căm xe là gỗ NK từ Lào và Campuchia và được khai thác từ diện tích rừng chuyển đổi hoặc từ các dự án cơ sở hạ tầng như thủy điện làm đường. Một số mặt hàng gỗ thuộc nhóm 4415 đang được sản xuất từ gỗ cao su và gỗ dái ngựa.
Điều đáng nói là gỗ cao su khai thác từ những vườn cao su thanh lý trong nước, hiện có tính trạng pháp lý chưa rõ ràng, nhất gỗ cao su từ những vườn cao su mà trước đây vốn là rừng tự nhiên. Còn gỗ dái ngựa là gỗ tự nhiên NK từ Philippines và Indonesia, có tình trạng pháp lý cũng chưa rõ ràng.
TS Phúc cho rằng nếu còn XK gỗ và đồ gỗ có nguồn gốc nguyên liệu như trên, rủi ro ở thị trường Mỹ là không nhỏ, có nguy cơ vi phạm Đạo luật Lacey.
Gỗ và sản phẩm gỗ XK sang EU cũng đang ẩn chứa những rủi ro liên quan đến tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu.
Nghiên cứu của VCCI cho thấy nhiều sản phẩm gỗ XK sang EU chưa kê khai tên và nguồn gốc gỗ, hay được sản xuất từ gỗ cao su. XK gỗ và sản phẩm gỗ sang Úc cũng đang đối mặt với những rủi ro về tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu, khi mà nước này đã thực hiện Luật chống khai thác và sử dụng gỗ bất hợp pháp.
Khảo sát trực tiếp của VCCI với các doanh nghiệp đang XK gỗ sang Úc, có một số doanh nghiệp thừa nhận đang sử dụng gỗ rừng tự nhiên trong nước hay gỗ dầu có nguồn gốc từ Lào.
Còn trong năm 2015, với nhóm sản phẩm đồ gỗ nội thất của Việt Nam XK sang Úc, có gần 330.000 sản phẩm không được khai báo tên gỗ, trên 400 sản phẩm được làm từ gỗ dầu NK từ Lào.
Bên cạnh đó, trong nhóm ghế và bộ phận của ghế XK sang Úc năm qua, có 545.000 sản phẩm không được khai báo tên gỗ, trên 2.000 sản phẩm được làm từ gỗ chò chỉ nguồn gốc từ Lào, 1.300 sản phẩm làm từ gỗ dầu có nguồn gốc từ Lào, Campuchia...
Ngoài ra, gỗ và sản phẩm gỗ XK sẽ phải đối mặt với rủi ro khác, nhất là khi TPP và EVFTA có hiệu lực. Theo khảo sát của VCCI, trong số các doanh nghiệp gỗ trả lời khảo sát về các khó khăn khi tham gia thị trường Mỹ, có 48,7% cho rằng họ không kiểm soát được thị trường; 48,7% cho rằng sẽ gặp khó khăn với yêu cầu cao về tuân thủ lao động và môi trường; 61,5% cho rằng sẽ có khó khăn với yêu cầu cao về chất lượng và mẫu mã; 59% e ngại khó khăn do biến động tỷ giá... Nếu các doanh nghiệp không đủ thông tin và nguồn lực, các khó khăn này có thể chuyển thành các rủi ro cho doanh nghiệp.
Còn theo thông tin từ một số doanh nghiệp chế biến gỗ, một vấn đề lớn mà ngành gỗ Việt Nam đang phải đối mặt đó là sự dịch chuyển của nhiều nhà máy chế biến gỗ từ những nước không tham gia TPP hoặc chưa có Hiệp định thương mại tự do với EU, sang Việt Nam, để hưởng những lợi thế mà TPP và EVFTA tạo ra đối với sản phẩm gỗ có nguồn gốc từ Việt Nam.
Sự chuyển dịch ấy chắc chắn sẽ gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp gỗ của Việt Nam về nguồn gỗ nguyên liệu, nhân công, thị trường...
Theo TS Nguyễn Thị Thu Trang, GĐ Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), các cam kết TPP và EVFTA về thuế quan không tác động lớn tới XK gỗ Việt Nam bởi EU và phần lớn các nước TPP đang áp dụng mức thuế thấp xung quanh mức 0% với gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có những dòng sản phẩm gỗ XK vào 2 thị trường này đang phải chịu thuế cao. Vì thế, những dòng sản phẩm này sẽ có lợi thế tăng trưởng tốt khi thuế về 0%. Bên cạnh đó, một số thị trường trong TPP vẫn đang giữ thuế khá cao với gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam như Canada, New Zealand, Mexico, Peru... Khi thuế về 0%, sẽ có hy vọng tăng trưởng XK gỗ vào những thị trường này. Ngoài ra, TPP và EVFTA còn mở ra cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam tiếp cận và bán sản phẩm cho những khách hàng trúng thầu cung ứng sản phẩm gỗ cho thị trường mua sắm công ở Mỹ, EU. |