Ông Ngô Ỷ (47 tuổi) trú thôn Vĩnh Nguyên, TT Phong Điền, huyện Phong Điền cho hay, gia đình ông có hơn 3ha cao su đang khai thác, thời gian gần đây giá mủ liên tục xuống dốc nên kinh tế gia đình cũng sụt giảm, cộng với áp lực từ khoản nợ vốn vay ngân hàng trước đó khiến gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn.
Tình trạng giá mủ cao su sụt giảm khiến người dân ở TT-Huế lâm vào khó khăn |
“Thời gian gần đây mỗi ngày chúng tôi lỗ mấy trăm ngàn đồng, trong khi đó chi phí trồng và chăm bón hơn 3ha cao su hết hơn 200 triệu đồng từ nguồn vốn ngân hàng. Hiện gia đình tôi đang khai thác cầm chừng, chờ thời gian tới hi vọng mủ cao su sẽ lên giá, chứ thế này thì người nông dân chúng tôi sẽ ngập trong nợ nần”, ông Ỷ than thở.
Theo Phòng Nông nghiệp huyện Phong Điền, hiện giá mủ tươi ở địa phương này dao động từ 8 - 10 ngàn đồng/kg. Trước tình trạng giá giảm trong thời gian dài, những hộ dân có thu nhập chính trông chờ vào mủ cao su thì vẫn duy trì việc cạo, số còn lại chỉ khai thác dè chừng.
Tại Nam Đông, nơi có diện tích cao su lớn nhất tỉnh Thừa Thiên - Huế, tình trạng giá cao su liên tục sụt giảm khiến người dân ngày càng xa rời với cây “vàng trắng” này.
Ông Phan Gia Điền, Chủ tịch UBND xã Hương Hòa (Nam Đông) cho biết, giá mủ ở xã chỉ còn hơn 8 ngàn đồng/kg, trong khi trước đây là 14 - 15 ngàn đồng. Giá cao su giảm mạnh khiến người dân không đủ để trang trải chi phí chăm sóc, đặc biệt là áp lực từ tiền vay ngân hàng dùng để đầu tư vào rừng cao su. Những năm gần đây người dân chuyển dần sang trồng cam nên diện tích cao su ở địa phương bị sụt giảm từ 310ha xuống còn hơn 200ha.
Theo ông Hồ Vang, PGĐ Sở NN-PTNN Thừa Thiên- Huế, hiện toàn tỉnh đang đưa vào khai thác khoảng hơn 6 ngàn ha trên tổng số 9,1 ngàn ha cao su và tập trung chủ yếu ở các huyện Nam Đông, Hương Trà và Phong Điền.