Người sở hữu nhiều cổ vật tàu đắm nhất ở Việt Nam đang chuẩn bị chính thức mở cửa kho báu tại Quảng Ngãi để giới thiệu với công chúng và du khách nước ngoài.
Những bí ẩn chưa thể giải mã
Tháng 7/2002, một ngư dân ở xã Bình Châu huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi đã lặn vớt được một xâu vàng tại khu vực tàu cổ ở gần đảo Cù Lao Chàm tỉnh Quảng Nam. Thông tin về con tàu cổ này đều được các ngư dân biết đến, vì từ năm 1997, Cty Saga Horizon của Malaysia và Cty Visal của Việt Nam đã phối hợp trục vớt cổ vật chìm đắm dưới độ sâu 72m. Thông tin về việc vớt được xâu vàng cổ đã khiến những kho cổ vật dưới đáy biển càng nhuốm màu huyền bí và kích thích không ít ngư dân liều mình lặn xuống đáy biển Cù Lao Chàm để trục cổ vật.
Hàng ngàn bình gốm Chu Đậu được mang ra giới thiệu |
Năm 2003, Cty Đoàn Ánh Dương tiếp tục công việc trục vớt cổ vật tại con tàu đắm ở Cù Lao Chàm. Ngoài việc trục vớt thì sự có mặt của đơn vị này như hình thức cắm cờ, khiến tàu cá ngư dân hạn chế tập trung có thể phá nát kho cổ vật còn nằm dưới đáy biển. Cty Đoàn Ánh Dương vớt được 15.934 cổ vật còn nằm rải rác và phải mất 6 năm sau thì công ty này mới được chia phần theo tỉ lệ nhà nước 33%, doanh nghiệp 67%. Các cổ vật gốm sứ Chu Đậu được trục vợt có nguồn gốc từ Hải Dương, Thăng Long, niên đại vào khoảng nửa cuối thế kỷ XI. Bên cạnh đó còn có một số ít gốm sứ Trung Quốc, Thái Lan.
Số cổ vật được chia công khai. Tuy nhiên, câu chuyện về kho báu dưới đáy biển vẫn thu hút sự tò mò của nhiều người với nhiều lời đồn đoán khác nhau. Và tết năm 2019, công ty này đã giới thiệu phần lớn số cổ vật trục vớt ở nhiều con tàu cổ rải rác khắp vùng biển Việt Nam. Việc giới thiệu trên được thực hiện theo mô hình xã hội hóa bảo tàng, công ty thuê đất 50 năm trong khuôn viên Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi và xây dựng nhiều khu nhà chứa cổ vật, nhà rường, sau đó mở cửa cho khách tham quan và đặt ra hy vọng thu hút được nhiều du khách nước ngoài đến chiêm ngưỡng kho cổ vật dưới những con tàu cổ.
Tại kho cổ vật đang được xây dựng trong khuôn viên Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi theo mô hình xã hội hóa bảo tàng là những dãy nhà nằm liền nhau. Cánh cửa cuốn vào gian nhà kiên cố được kéo lên, chắn ngay trước cửa ra vào là một miếng gỗ màu đen, được nẹp theo nhiều thanh sắt để tránh miếng gỗ bị bóc tách ra nhiều mảnh. Ông Đoàn Sung, người đồng quản lý của công ty cho biết, đây là một miếng ván dưới con tàu cổ chìm dưới biển. Miếng ván này được đưa lên, phân rã mặn, xử lý qua nhiều năm, sau đó mới được đưa vào bảng tàng để khách tham quan. Trong số nhiều chiếc tàu mà công ty trục vớt, tàu ở Cù Lao Chàm là một trong những con tàu lớn, chiều dài thân vỏ lên tới 29,5m (tàu cá lớn của ngư dân hiện nay mới chỉ đạt 21 - 25m).
Ngay trong kho cổ vật đầu tiên, từng chồng thùng xốp cao quá đầu người chất đầy cổ vật chưa được bật mở. Bên trong các thùng này là cổ vật từ nhiều con tàu đắm trên vùng biển Việt Nam như ở Kiên Giang, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Cổ vật nhiều nhất là đĩa men xanh, men nâu, bình tỳ bà, tô, các loại tượng. Có những bức tượng kỳ lạ mà đến nay giới cổ vật chưa thể giải mã được. Điều đó cũng tạo nên sự kỳ bí cho kho cổ vật mà đơn vị này giới thiệu với công chúng ở Quảng Ngãi.
Đĩa men xanh trục vớt ở con tàu cổ vùng biển Kiên Giang, niên đại thế kỷ 15 |
Để bảo vệ cổ vật tại bảo tàng tư nhân, các cổ vật được đặt trong một ngôi nhà gồm 1 tầng hầm, 2 tầng nổi, diện tích hơn 300m2. Bảo tàng tư nhân ra mắt giới thiệu với công chúng đang hoàn thiện. Trải khắp nền nhà trưng bày là rất nhiều loại bát, đĩa, bình gốm sứ. Bình kendy gốm sứ Chu Đậu được người xưa thiết kế kiểu bình của Nhật Bản, giới cổ vật đánh giá, nếu chiếc bình này còn nước men sáng, không bị mích mẻ thì được tính theo giá ngàn đô la; chiếc bình rót ngược trông khá lạ mắt. Bình không có nắp đậy, nếu rót rượu thì đổ vào miệng nằm dưới đáy bình, sau đó dốc ngược lên để chế rượu.
Kho cổ vật
Cuộc khảo sát và trục vớt cổ vật đợt đầu từ con tàu cổ Cù Lao Chàm diễn ra trong hơn hai năm từ 1997 - 1999 với sự tham gia của các Cty Saga Horizon (Malaysia) và Xí nghiệp Trục vớt cứu hộ Visal (Việt Nam). Số lượng cổ vật tìm thấy lên đến 240.000 hiện vật, nhưng thật ra từ đầu những năm1990, nhiều ngư dân đánh bắt trên ngư trường này đã phát hiện và khai thác được một số cổ vật trên con tàu cổ này, theo thông tin từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.
Cổ vật trên con tàu cổ này phát lộ lần đầu khi những ngư dân Quảng Nam đi lưới cá và bị sành sứ mắc vào lưới. Ban đầu nhiều người thấy sợ đã gỡ ra vứt lại xuống biển. Một ngư dân cho biết hồi đó nhiều lần bắt gặp cả pho tượng gốm cứ trôi nổi lềnh bềnh dạt vào mạn, với một chút mê tín, ai cũng thấy sợ, phải “cầu khấn” rồi đẩy trôi xa thuyền. Về sau có người thấy hay hay mới vớt lên mang về chưng chơi, không ngờ những tượng gốm này sau đó có người tìm mua với giá cao. Đôi khi kiếm được nhiều cổ vật giá trị nhưng những ngư dân nghèo khó không hề biết giá trị thực mà chỉ dùng nó để đổi lấy vài bơ gạo cho nồi cơm hằng ngày của gia đình mình.
Lang thang ở phố cổ Hội An, nhắc chuyện đồ cổ những năm 1990 có thể nghe nhiều giai thoại hấp dẫn về những món đồ “mua bạc đồng bán bạc triệu” với chút gia vị “mắm muối”. Ví như một vị du khách Tây đi ngang một nhà ngư dân ở vùng biển Hội An đang làm lễ cúng rằm. Vốn hiểu biết về cổ vật, du khách này phát hiện chiếc bát cắm nhang trên mâm cúng là một cổ vật rất có giá, và chỉ với 100 đôla chiếc bát ấy đã theo ông Tây về trời Tây. Không ai biết chiếc bát cổ kia sẽ là bao nhiêu ngàn USD!
Đĩa men vẽ hoa văn màu vàng, giới cổ vật săn lùng loại đĩa này |
Những câu chuyện ấy là giai thoại, có thể khó kiểm chứng, nhưng giá của những cổ vật vớt lên từ con tàu cổ Cù Lao Chàm đã bán trong cuộc đấu giá của Cty Butterfield vào tháng 10/2000 thì có thể kiểm chứng được. Theo tài liệu từ cuộc bán đấu giá này, các cổ vật được bán với giá cao nhất lần lượt là 79.500 - 63.000 - 57.500 - 40.250USD, còn các cổ vật có giá từ 10.000USD đến dưới 40.000 USD cũng khá nhiều với tổng số tiền lên đến 3 triệu USD.
Họa sỹ Nguyễn Thượng Hỷ, cựu cán bộ Trung tâm Di tích và danh thắng Quảng Nam, tham gia vớt cổ vật tại Cù Lao Chàm, cho biết: “Ví như muốn biết trang phục của VN thời điểm ấy như thế nào thì trong các hiện vật gốm cổ được trục vớt từ tàu Cù Lao Chàm có rất nhiều hình ảnh trang phục, đặc biệt trên đồ gốm Chu Đậu và ở miền Bắc. Đặc biệt hình ảnh nông thôn VN, con người VN, sinh hoạt VN, từ con gà, chó, heo cho đến các loài thú hoang dã đều được vẽ vào gốm. Con người thì có cả nam nữ thanh niên, ông già, bà lão, trẻ em, đầy đủ loại trang phục từ nông dân đến nho sinh. Tôi còn nhớ một người nước ngoài viết một câu trong sách về gốm VN rất hay, rằng “người Trung Hoa vẽ gốm bằng tay, còn người VN vẽ bằng trái tim”, tức là gốm Việt rất có hồn”.