Bán đất, cầm ô tô để mua cây cảnh
Đến khi chơi cây cảnh, Nguyễn Văn Thoan ở thị trấn Văn Giang (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) cũng vẫn một phong cách mua bán kỳ dị như vậy. Một lần đi chơi nhà anh Khường hàng xóm, thấy ông Nhượng ở xã Long Hưng cùng huyện phóng cái xe SH mới cóng đến, gã liền gạ mua theo… mớ cả cái xe lẫn 5 gốc cây cảnh đã tăm tia từ trước ở trong vườn của người này với tổng giá 145 triệu. Đồng ý cái, gã trả tiền luôn. 3 hôm sau ông Nhượng thấy tiếc của mới gạ gẫm chuộc lại chính 2 cái cây vừa bán cho gã với giá 40 triệu. Riêng cái SH về sau gã bán được 95 triệu, mấy cái cây bán được bảy tám chục nữa, tổng lãi của phi vụ trên cũng khoảng 50 triệu.
Một góc trong 9 vườn cây của Thoan |
Lại có lần gã cùng với 5 anh em trong giới đi chơi ở một nhà vườn, trong khi mấy người đứng ngoài còn chưa hút xong nửa điếu thuốc, uống hết chén nước chè thì bên trong gã đã trả giá thành công cái cây 450 triệu, cốp 5 triệu để đặt cọc.
Một bận khác sang nhà anh Hiệp ga (anh này chuyên bán ga nhưng rất đam mê cây cảnh) ở Bát Tràng (Hà Nội) thấy cái cây sanh dáng Nam Điền cổ đẹp quá, sờ trong túi không đủ tiền gã gạ đổi luôn cái xe ô tô van đang đi cộng thêm 50 triệu nữa (cái xe định giá 170 triệu) là 220 triệu rồi thuê xe tải ôm cây về.
Năm 2011 gã bán 1 suất đất mặt đường ở thị trấn Văn Giang cho một người ở xã Phụng Công với giá 2,8 tỉ đồng nhưng xin trả bằng 5 gốc cây cảnh trị giá 2,2 tỉ đồng cùng 600 triệu tiền mặt. Cuộc thương thảo ngót 3 tỉ đồng ấy bắt đầu từ vài câu tầm phào bên chén trà, điếu thuốc rằng: “Mày thích đổi cây lấy đất không, tao gán cho?”. Anh kia nhận lời, vậy là dăm phút sau cả hai ra UBND làm thủ tục sang tên. Vợ con gã đang bán thịt bò ở ngoài chợ huyện cũng cứ hoãn đấy, về làm giấy tờ chuyển nhượng đã. Từ năm 2011 tới nay gã đã bán 5 suất đất để mua cây cảnh như thế.
Mua vào ào ào, hễ thấy cây nào rẻ, cây nào đẹp là không thể dằn lòng được nên không chỉ dân chơi cây ở Hưng Yên mà Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương biết tiếng gã đều gọi ời ời. Có năm gã nhập vào trên 1.000 cây cảnh, cây ít dăm ba triệu, cây tầm tầm vài ba chục triệu, cây đắt tiền vài trăm triệu đến cả tỉ đồng cũng có. Thôi thì đủ loại, nào sanh, si, phi lao, mít, hồng, thị, khế, ổi, nho…Cây nào thích gã giữ lại chơi còn không thì bán.
Ảnh: D.Đ.T |
Cách bán cũng giống hệt cách mua, cứ phải hơn, nghĩa là phát giá hơn 300 triệu mà trả thêm 1.000đ gã cũng bán, còn không sau mấy phút nữa mà không quyết cái cây sẽ là 330 triệu. Khách nào khệnh khạng, khoe của thì gã phải bán thật đắt, còn khách nào bình dị, đam mê thì rẻ gã cũng bán. Vậy mà cũng lắm lần lãi đậm. Như cây sanh mua của ông Chí ở xã Hồng Vân (Thường Tín, Hà Nội) 450 triệu sau 4 năm gã bán được 1,5 tỉ đồng.
"Bệnh trầm cảm, bệnh tiểu đường từ năm 2010 tới nay không cần phải dùng đến thuốc. Cây cảnh là ân nhân cứu mạng nên tôi quý cây hơn cả những mảnh đất đang có, cái nhà đang ở hay tất cả các thứ khác trên đời", Nguyễn Văn Thoan nói. |
Mua vào rần rần. Ai ngờ, chỉ năm sau thị trường xuống dốc như nhanh như nước trong một cái bình bị đập vỡ đáy, số tiền 28 tỉ đầu tư theo ước lượng thất thoát chỉ còn khoảng 5 tỉ. Chưa bao giờ gã hỏi vay tiền vợ, vay tiền con (con gái lão sở hữu một nhà hàng có tiếng ở Văn Giang) nhưng vợ con cũng chẳng bao giờ hỏi tiền của gã bởi thừa biết có bao nhiêu lại đổ vào cây cảnh hết. Từ 1 vườn ban đầu đến nay gã có tới 9 vườn hơn 10.000m2, nhiều cây trị giá hơn tỉ vẫn kiên quyết giữ như gốc sanh dáng độc khách trả 1,5 tỉ đồng vẫn đang gửi tại nhà người quen ở xã Long Hưng, không bán.
“Người ta bảo tôi là hâm, giữa thời buổi bán tháo không được thì lại mua cây cảnh về. Tôi nhận hâm, tôi nhận dại còn mọi người thì khôn. Một con cá 3 cân xắt làm 3 khúc, mỗi khúc 1 cân, cụ già nhất làng cũng biết khúc giữa là hơn nhưng đôi lúc còn phải nói: Bác ơi cháu thích khúc đầu về kho, bác ăn hộ cháu”. Gã cười.
Nợ ngân hàng cộng nợ ngoài giờ còn khoảng 10 tỉ mà gã cứ nhẹ tựa lông hồng, còn tự lên trang facebook có tên là Thoancaycanh Van Giang của mình ngày 3/9/2017 rằng: “Bây giờ 0h22 phút, tôi mở cuộc thi trên làng cây cảnh của Miền Bắc, ai là người đạt giải nhất về vay nợ nhiều. Tôi xin khai trước, tôi vay nợ 17 tỉ không nói sai. Từ giờ đến 0h22 phút đêm mai không ai khai báo vay nợ nhiều hơn thì tôi đạt giải nhất đấy nhé”.
Lạ cái, gã vay nợ tiền tỉ bên ngoài không phải thế chấp, người gọi cho mượn sổ đỏ, người thì đứng tên vay hộ ngân hàng. Những năm tháng cây cảnh đắm chìm nhất, giá trị vườn cây của gã bốc hơi đến 70 - 80%, ngập trong nợ nần, chỉ cần nói với các chủ nợ rằng: “Các ông trẻ, bà trẻ, các anh chị thông cảm, không may tôi chơi cây lỗ mất hết tiền rồi, mọi người cho tôi trả gốc và trả lãi theo lãi vay ngân hàng thôi. Chắc rằng ai chả đồng ý”. Nhưng gã chấp nhận vay lãi gấp 4 lần lãi ngân hàng để trả, ông A đòi vay ông B trả, ông B đòi vay ông C trả, ông C đòi vay ông D trả. Ròng rã trong 6 - 7 năm như thế, gã mất thêm hơn 5 tỉ tiền lãi nhưng bù lại vẫn giữ được tư cách làm người.
Ơn những người cho mình vay, mùa nhãn gã mua hơn 1 tạ, mùa mít gã mua hơn 100 quả để đem biếu, nói rằng đó là cây nhà lá vườn cho người ta chịu nhận.
Chủ tịch, Giám đốc, sếp, lãnh đạo, sư phụ, phù thủy, bố
Đó là những từ thân mật mà giới chơi cây thường gọi gã ngoài Thoan bò, Thoan hâm dù rằng thường tự nhận mình là kém vì sợ nhỡ nhận hơn mà không hơn được thì thành ra người khoe mẽ. Trên facebook của gã ngày 22/12/2017 cũng thể hiện rõ điều đó: “Bạn thì khoe có cụ Nam Điền, bạn thì khoe có ngai vàng, bạn thì khoe có song thụ giao duyên, bạn khoe có cổ vật (những dáng cây)… còn tôi chỉ có mấy cục gạch phồng này”. Mấy “viên gạch phồng” của gã cũng trị giá trên dưới tỉ bạc cả.
Ký hiệu củ ba này là trị giá của cái cây 1,3 tỉ đồng |
Cây cảnh trị giá 350 triệu đồng |
Thỉnh thoảng đi đây đó từ sáng đến tối mới về gã cũng cứ cầm đèn pin ra rọi từng gốc cây để ngắm bởi nếu không y như rằng lại một đêm trằn trọc, thức trắng. |
Gã bảo, những chiếc xe mấy tỉ, mua về cũng chỉ để đi chả ai đến xem xe. Những ngôi nhà mấy chục tỉ xây cũng chỉ để ở, chả ai đến xem nhà đất. Thế mà mấy cục gỗ này (cây cảnh) người ta phải đổ xăng vào xe để chạy đến xem. Quý lắm! Có người như cụ Trương Văn Sửu ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội đã 95 tuổi còn về xem, bình thơ về cây. Có người như lãnh đạo một bộ lớn, về mua cây rồi gửi lại vườn, tuần sau lại đến cùng người thư ký, trên tay cầm cái can. Gã hỏi đây là can gì? Vị ấy bảo: “Đây là can nước giải tôi ngâm đã lâu”.
Tháng 2/2017 gã cho dọn dẹp hết vườn nhà để tổ chức một cuộc triển lãm cây cảnh hoành tráng, thu hút hơn 100 dân chơi từ miền Trung hắt ra miền Bắc. Họ đều tự bỏ tiền túi, kẻ 5 - 7 triệu còn người xa 10 - 15 triệu chứng tỏ uy tín của gã - Chủ nhiệm CLB hoa cây cảnh Văn Giang lớn đến mức nào. Giờ hễ có người đến chơi, chia sẻ chung niềm sở thích là gã thường quay làm clip rồi tung lên facebook của mình. Xem chừng chuyên nghiệp lắm nhưng theo như lời tự thú của gã: “Năm 2013, Mạnh taxi (một người quen) tự lập facebook này cho tôi, tôi có hiểu facebook là gì đâu, cứ nghĩ nó là… bánh đúc. Đến tháng 9/2016 tý toáy thế nào lại mắc nghiện facebook”.
Không biết gửi kết bạn nhưng giờ đây thường trực trong danh sách bạn bè của gã là 4.999 hoặc 5.000 người. Mỗi khi "list" đầy quá thì gã lại chọn những cái tên nước ngoài để bỏ bớt ra cho đủ chỗ những người bạn mới để rồi hì hụi "post" bài mới, hồi hộp chờ đợi "like" hay "comment". Nổi tiếng trong giới chơi cây cảnh nên cũng có những lúc bị các trang quảng cáo gọi điện đến “nã”. Gã cứ thật thà mà rằng, tôi chẳng cần bởi tên tuổi của mình giới chơi cây ở miền Bắc này ai mà chẳng biết?!