Trông cơ ngơi nhà màng, nhà lưới đồ sộ, hiện đại như thế ít ai ngờ chị Đặng Thị Cuối –Giám đốc của HTX Sản xuất và Tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (HTX Cuối Quý) trước đây chỉ là một lao động làm thuê bôn ba ở xứ người. Chị Cuối bảo với tôi rằng quãng đời của mình và chồng mình có một thời gian rất dài lao động tại Đài Loan trong đó có làm thuê 4 năm tại một công ty rau của Nhật ở đó và học hỏi được rất nhiều kỹ thuật. Một ngày ở đó, vợ chồng chị trung bình lao động 12 - 13 tiếng, 2h sáng thức dậy ăn điểm tâm rồi ra đồng nhổ rau đến 6h sáng ăn tiếp rồi rửa rau đến 11h30 mới nghỉ, ngủ đến 2h chiều và làm đến 6h tối. Nhiều khi lắm đơn đặt hàng họ còn phải làm đến 7 - 8h tối là chuyện thường nên trung bình mỗi ngày chỉ được ngủ khoảng 5 - 6h.
Người làm thuê ở xứ Đài đã chăm chỉ nhưng ông chủ của họ còn chăm chỉ hơn thế rất nhiều. Họ dậy từ 1h sáng và chỉ chịu lên giường sau 9h tối, trung bình mỗi ngày ngủ khoảng 4 - 5h. Ngày Tết, ngày lễ, người làm thuê được nghỉ để đi chơi nhưng chủ trại thì không.
Sau nhiều năm bôn ba xứ người, anh chị về quê để phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới cho xã Đan Phượng nói riêng và cho huyện Đan Phượng nói chung. Họ thuê đất lập một trang trại trồng rau an toàn áp dụng công nghệ cao, phần ở trong nhà màng, phần ở ngoài trời rồi hình thành lên một hợp tác xã với diện tích canh tác 5 ha, trong đó 3 ha ngoài trời, 2 ha nhà màng.
Họ trồng cải trắng Nhật, cải mơ Nhật, súp lơ tí hon Nhật, cải thìa Mỹ, su hào ăn lá Đài Loan với những điều kiện nước sạch, không khí sạch, đất trồng cũng sạch và hướng đến phương pháp hữu cơ với “5 không” gồm: Không phun thuốc diệt cỏ; không phân bón hóa học; không thuốc bảo vệ thực vật; không chất kích thích tăng trưởng; không giống biến đổi gen nhằm bảo vệ môi trường và nuôi dưỡng thiên địch. Tất cả hình thành một chuỗi sản xuất theo khép kín, cung ứng cho các nhà trường, cửa hàng thực phẩm.
Khi mà bóng đen về an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn phủ ở nhiều nơi thì vợ chồng chị tự tin vặt rau ăn ngay giữa cánh đồng rộng mênh mông của mình. Hơn 2 năm sau khi thành lập, HTX đã xây dựng được thương hiệu vững mạnh, tạo thu nhập ổn định cho các thành viên và có cách canh tác đảm bảo an toàn, hữu cơ.
Về đất trồng, chị cũng có cách làm khác hẳn với nông dân Việt, toàn bộ diện tích trong nhà màng không lên luống, sau khi thu hoạch hết một lứa rau, bà sử dụng đèn khò phun lửa đốt đất để diệt cỏ dại, các loại sâu bọ, vi khuẩn còn lại trên đất. Sau đó, đất được đánh tơi và bổ sung phân bón hữu cơ với lượng được tính toán kỹ lưỡng, vừa đủ cho thời gian sinh trưởng của lứa rau tiếp theo. Điểm đặc biệt là từ khi gieo giống, ô nhà màng sẽ được đóng cửa, chỉ tưới nước đều đặn cho đến khi thu hoạch mới mở cửa trở lại. Hệ thống nhà màng của HTX được chính vợ chồng chị Cuối tự tay dựng nên trên diện tích 2ha.
Để diệt các loại sâu, côn trùng phá hoại rau, HTX tuyệt đối không dùng thuốc BVTV hóa học, thay vào đó, bố trí bẫy bắt côn trùng ở 4 góc nhà màng. Còn với những diện tích trồng ngoài trời chị sẽ tiến hành bắt sâu bằng tay. Nếu mật độ sâu nhiều, có nguy cơ thiệt hại lớn về năng suất thì chị có một phương pháp trừ rất độc đáo nhờ loại thuốc trừ sâu tự chế an toàn gồm sữa chua, sữa tươi, đường, men vi sinh và không thể thiếu chính những con sâu bắt ngay tại ruộng. Thửa ruộng nào bị sâu thì bắt, có thời điểm sâu nhiều quá bắt không xuể nên chị mới nghĩ đến cách bài trừ sâu của người Nhật bằng ngâm những con sâu trong một dung dịch gồm đường, sữa chua, men vi sinh và sâu để chế thuốc.
Thuốc này khi phun lên lá không làm cho sâu chết được nhưng sẽ đau bụng, ngừng ăn rau, nằm im đợi ngày hóa kén. Và dung dịch trừ sâu tự chế này còn an toàn đến mức chị Cuối đã thao tác nếm thử luôn trước mắt tôi. Nhờ sản xuất an toàn từ chính cái tâm của mình như thế, hiện đầu ra của HTX của anh chị là hệ thống các trường mẫu giáo trong huyện Đan Phượng và một số chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, chợ đầu mối trong vùng. Trung bình mỗi tháng sản lượng thu được 5 – 6 tấn với giá bán 40.000 - 50.000 đồng/kg, doanh thu đạt tới vài trăm triệu đồng.