Lễ Tịch điền đã được UBND tỉnh Hà Nam tổ chức ngày 20/2, tức mùng 7 Tết Canh Dần, tại cánh đồng Đọi Tam, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên với sự tham dự của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát.
Sau lễ dâng hương, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã xuống đồng cày 3 sá. Ngay đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát cùng lãnh đạo một số bộ, ngành và lãnh đạo tỉnh Hà Nam cũng cày Tịch điền cùng nông dân trong vùng.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết mở đường cày đầu Xuân tại lễ hội |
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Lễ hội Tịch điền diễn ra trong không khí Xuân mới ùa về chứa đựng nhiều phong tục đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam, không chỉ nhằm khơi dậy và giáo dục truyền thống văn hóa của dân tộc cho các thế hệ con cháu mà còn nhắc lại truyền thống tốt đẹp của cha ông, đó là từ vị vua đến người nông dân đều yêu lao động, cần cù lao động trên mảnh đất thân yêu của mình.
Dưới nắng vàng như lụa, trong cái rét ngọt đầu Xuân, không khí ở Đọi Sơn sôi động lạ thường, từ đường làng tới thửa ruộng làm lễ rợp cờ phướn, từ tờ mờ sáng, người dân trong tỉnh đã nô nức kéo nhau tham gia Lễ hội. Sân khấu chính được dựng ngay trên bờ ruộng theo kiểu đàn cầu an xưa, lá cờ phướn với dòng chữ “Thần nông” nổi bật chính giữa lễ đài, tung bay đón gió, hai bên cờ nhỏ với những câu mang ý nghĩa đề cao vị thế của nông nghiệp.
Trong bộ quần áo mới, cụ Nguyễn Cộng Hòa ở thôn Đọi Trung, Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam năm nay đã trên 80 tuổi, hồ hởi: Tôi đã ở cái tuổi “gần đất xa trời” rồi vậy mà năm nay lại được chứng kiến tận mắt Lễ hội Tịch điền của quê hương, phấn khởi lắm. Đảng, Nhà nước đã quan tâm khôi phục lại lễ hội truyền thống của tổ tiên không chỉ giữ gìn nét đẹp truyền thống của cha ông để lại mà còn giáo dục thế hệ con cháu đời sau tiếp bước cha ông xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Bộ trưởng Cao Đức Phát trong trang phục nông dân tham gia lễ hội |
Đúng 7 giờ sáng, lễ rước linh vị của vua Lê Đại Hành từ chùa Đọi xuống khu làm lễ Tịch điền được cử hành uy nghiêm, trang trọng. Dẫn đầu là chiếc trống sấm có đường kính 1,80m, đặt trang trọng trên chiếc xe trang trí hình rồng cuộn vờn mây. Tiếp sau đó là dàn trống trung với gần 50 chiếc cùng hòa tấu rền vang bởi những tay trống điệu nghệ làng Đọi Tam. Hòa chung tiếng trống rộn ràng là đôi rồng của nhân dân thôn Đọi Tín rực rỡ uốn lượn trong nắng xuân. Gần 300 lá cờ tung bay trước gió được nhân dân xã Đọi Sơn rước vào lễ đài làm cho không khí thêm long trọng. Uy nghi trang trọng, kiệu rước bài vị của vua Lê Đại Hành được đặt trên vai các trai đinh lực lưỡng. Sau kiệu vua là kiệu Long đình và kiệu Bát cống. Các cụ cao niên chỉnh tề trong áo the khăn xếp theo hầu kiệu.
Mở đầu cho buổi Lễ Tịch điền, đôi rồng uốn lượn hùng dũng nhịp nhàng theo điệu trống trầm hùng làm cho không khí lễ hội tưng bừng náo nhiệt. Sau màn múa rồng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trần Xuân Lộc, trịnh trọng đọc văn trình vua Lê Đại Hành, kính cáo tổ tiên xin phép tiến hành khai hội. Tiếp đó, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và tỉnh Hà Nam, các vị bô lão và dân làng kính dâng những nén nhang thơm tưởng nhớ công lao những người đi trước.
Trong tiếng reo hò cổ vũ cùng tiếng trống rền vang, bô lão Đinh Trọng Tế ở thôn Đọi Nhất, Duy Tiên, Hà Nam, năm nay đã 81 tuổi khoác áo Long bào nhập linh khí quân vương khoan thai đi đường cày đầu tiên. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương gọn gàng trong bộ quần áo nâu sồng nhanh nhẹn với những đường cày thẳng tắp. Từng lớp đất nâu sậm, tơi xốp được lật lên, phơi mình trong nắng xuân báo hiệu một mùa vàng no ấm. Cả cánh đồng ầm vang như sấm dậy, người người hồ hởi chúc nhau một vụ mùa mới bội thu.
Phát biểu tại lễ hội, Chủ nước nước Nguyễn Minh Triết nói, con người có thể thiếu các vật dụng sinh hoạt hàng ngày nhưng không thể thiếu lương thực. Cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính thế giới vừa qua tác động đến mọi quốc gia, mọi gia đình, nhưng ở VN nhờ nền nông nghiệp vững chắc và phát triển nên cuộc sống của nhân dân vẫn ổn định. Điều đó cho thấy nông nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng.
Truyền rằng, mùa Xuân năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (năm 987), vua Lê Đại Hành về chân núi Đọi làm Lễ Tịch điền (cày ruộng) đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, mở ra một trang sử mới cho Nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Từ đó về sau, Lễ Tịch điền trở thành một mỹ tục mà các triều đại Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn đều thực hiện một cách thành kính. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, Lễ Tịch điền trở thành một sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng, là di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam. |
Vì thế, trong quá trình CNH-HĐH không thể xem nhẹ mặt trận nông nghiệp, nông thôn. Trung ương cũng đã có Nghị quyết về "Tam nông" và với việc tỉnh Hà Nam tổ chức lễ hội Tịch điền giúp người dân vui xuân; hưởng ứng 1.000 năm Thăng long - Hà Nội, quan trọng nhất là để nhắc nhở mọi người luôn nhớ công ơn của người đi trước, nhớ những vị vua anh minh đã chăm lo cho dân, chăm lo sản xuất nông nghiệp, nông thôn và đây là việc làm rất có ý nghĩa.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, dù VN còn gặp nhiều khó khăn nhưng phải giữ vững và phát triển trận địa nông nghiệp, nông thôn, đồng thời thúc đẩy công nghiệp và dịch vụ phát triển. Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phải làm sao cho 3 mặt trận nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ đều phát triển để xây dựng đất nước sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Kết thúc lễ hội là lễ cầu an ngay trên chùa Đọi, với khúc nguyện cầu quốc thái dân an, nhân dân cả nước đón một năm mới tốt đẹp. Trước đó, ngày 18 và 19/2, tại đây đã diễn ra Lễ rước nước, Lễ sái tịnh, hội thi trang trí trâu, hội vật thượng võ mùa xuân và nhiều hoạt động lễ hội khác. Theo kế hoạch của tỉnh Hà Nam, kể từ năm 2011, lễ hội Tịch điền sẽ được tổ chức với quy mô lớn 5 năm/lần.