Trước thực trạng trên, Agribank đã kiến nghị Chính phủ xin ý kiến Quốc hội để cấp bổ sung vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận nộp ngân sách nhà nước trong năm 2020 (không kể thuế thu nhập doanh nghiệp).
Nguy cơ phải giảm dư nợ cho vay 60.000 tỷ đồng
Trao đổi với Báo NNVN, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank, cho biết: Tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng tại thời điểm cuối tháng 3/2020 chỉ đạt 6,9% (không đảm bảo yêu cầu vốn tối thiểu 8% theo chuẩn mực vốn Basel II, được hướng dẫn tại Thông tư 41 năm 2016 của Ngân hàng Nhà nước).
Do đó, để đáp ứng chuẩn mực vốn Basel II, mức vốn tự có thiếu hụt của Agribank giai đoạn 2019 - 2021 là rất lớn.
Agribank là doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Do đó, vốn điều lệ của Agribank hiện chỉ có thể bổ sung từ ngân sách nhà nước. Theo quy định hiện hành, Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, nhưng phải báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
“Nếu không được tăng vốn điều lệ cho Agribank ngay trong năm 2020 thì sẽ không thể đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt là vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn”, bà Phượng nhấn mạnh.
Nữ Phó Tổng giám đốc Agribank đặt giả thiết, trường hợp không được cấp đủ 3.500 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ trong năm nay, Agribank sẽ phải giảm dư nợ cho vay xuống còn 4,5 – 5%, nghĩa là phải giảm dư nợ cho vay nền kinh tế khoảng 60.000 tỷ đồng.
Điều này đồng nghĩa với việc hàng chục ngàn khách hàng không có cơ hội tiếp cận vốn, trong khi đó chỉ riêng hỗ trợ hộ sản xuất và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Agribank đã cần phải tăng trưởng tín dụng ở mức 9% (tương đương 100.000 tỷ đồng), chưa kể cho vay khác phục vụ nông nghiệp, nông thôn.
Vốn tăng dự kiến được lấy từ đâu?
Từ năm 2017 đến nay, lợi nhuận của Agribank liên tục tăng trưởng và năm sau luôn cao hơn năm trước.
Riêng năm 2019 nộp ngân sách nhà nước 6.300 tỷ đồng (trong đó nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 1.670 tỷ đồng; lợi nhuận còn lại nộp ngân sách nhà nước 3.630 tỷ đồng).
Năm 2020, Agribank vẫn quyết tâm nỗ lực phấn đấu vượt khó khăn, thực hiện tiết giảm chi phí, phấn đấu đạt lợi nhuận trên 11.000 tỷ đồng, lợi nhuận nộp ngân sách tối thiểu đạt 3.500 tỷ đồng (chưa bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp), vẫn tiếp tục trong top doanh nghiệp nộp thuế cao nhất cả nước.
Như vậy, nhà nước có thể dùng nguồn lợi nhuận của chính Agribank trong năm 2020 để tăng vốn điều lệ cho Agribank. Về bản chất, vốn điều lệ của Agribank cũng chính là tài sản của nhà nước.
Trong năm 2019, BIDV và Vietcombank đã thực hiện tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược và phát hành riêng lẻ.
Riêng Vietinbank, hiện tỷ lệ sở hữu nhà nước đã dưới ngưỡng tối thiểu, do đó ngân hàng này không thể thực hiện tăng vốn điều lệ thông qua phát hành thêm cổ phiếu cho nhà đầu tư.
Với Agribank, việc ưu tiên tăng vốn càng quan trọng, bởi Agribank là ngân hàng thương mại đang phục vụ chủ yếu khu vực “tam nông” - khu vực trọng yếu của nền kinh tế. Với việc được tăng thêm vốn điều lệ, năm 2021 và các năm tiếp theo, Agribank có điều kiện phát hành bổ sung trái phiếu vốn, tạo điều kiện tăng dư nợ cho vay tương ứng, doanh thu tăng thêm từ 4.500 - 5.000 tỷ đồng.
Theo đó, Agribank sẽ tăng nộp ngân sách nhà nước tương ứng 900 - 1.000 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận còn lại khoảng 1.000 - 1.200 tỷ đồng.