Petrovietnam - Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia Việt Nam cho biết, trong quý I, tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 241.237 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ 2024; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 34.696 tỷ đồng, tăng 10%. Những con số này một lần nữa khẳng định vai trò trụ cột của nền kinh tế quốc gia. Để đạt được kết quả ấn tượng đó, toàn Tập đoàn đã nỗ lực duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), chủ động ứng phó với áp lực từ chính sách quốc tế - đặc biệt là là từ Mỹ, cùng với bất ổn địa chính trị và biến động giá dầu ngày càng khó lường.

Petrovietnam tăng trưởng sản lượng điện ở mức cao, góp phần cung ứng điện trong cao điểm nắng nóng. Ảnh: Petrovietnam.
Tính riêng tháng 3/2025, nhiều chỉ tiêu, sản lượng SXKD của Petrovietnam ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể so với tháng trước: dầu thô tăng 12%; khí tăng 24%; điện tăng 35%; xăng dầu tăng 87%; urê tăng 10%; NPK tăng 37%; LPG tăng 20%; condensate tăng 17%.
Lũy kế quý I/2025, các chỉ tiêu sản xuất cơ bản đều hoàn thành và vượt mức kế hoạch được giao. Đáng chú ý, có 4 chỉ tiêu có tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ 2024 gồm: Điện tăng 18,6%; xăng dầu tăng 13,8%; NPK tăng 45,5%; polypropylen tăng 21,7%.

Kho xăng dầu của PVOIL tại Vũng Rô. Ảnh: Petrovietnam.
Nhờ đó, Petrovietnam hoàn thành vượt mức gần hết các chỉ tiêu tài chính quý I/2025 từ 10% đến 2,2 lần. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn lũy kế quý I ước đạt 241.237 tỷ đồng, tăng trưởng so với cùng kỳ 2024; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 34.696 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước; giá trị đầu tư trong quý ước đạt 7.387 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2024. Kết quả trên cho thấy sự nỗ lực của toàn Tập đoàn trong gia tăng sản lượng, tối ưu chi phí, đưa Petrovietnam giữ vững nhịp độ SXKD trong bối cảnh nhiều thách thức.
Chủ động ứng phó trước biến động thị trường
Bước sang tháng 4 và chuẩn bị cho kế hoạch quý II/2025, ngay sau khi Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng với Việt Nam ngày 2/4, Petrovietnam đã nhanh chóng có những phân tích đánh giá tác động từ thị trường thế giới, đưa ra các giải pháp ứng phó, đồng thời nghiên cứu các đề xuất, kiến nghị chính sách hỗ trợ tới cơ quan chức năng để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Tập đoàn đưa ra sơ bộ các giải pháp ứng phó: Rà soát các dự án đầu tư; cập nhật lại kế hoạch SXKD theo giá dầu mới; tối ưu hóa chi phí, đặc biệt với các mỏ có chi phí khai thác lớn; nâng cao hiệu suất các nhà máy lọc dầu; xem xét dự trữ dầu thô; kiến nghị Chính phủ có cơ chế nhập khẩu LNG dài hạn từ Mỹ và kiến nghị xem xét liên quan thuế xuất khẩu dầu thô…

4 chỉ tiêu tăng trưởng mạnh trong quý I/2025 so với cùng kỳ 2024. Ảnh: Petrovietnam.
Trước những thách thức và biến động bất ngờ từ thị trường, Petrovietnam thống nhất cần tìm ra các giải pháp điều hành của công ty mẹ và triển khai các giải pháp cho các công ty con. Tập đoàn đã có những bước chuyển kịp thời trước bối cảnh thị trường đầy biến động. Tín hiệu tích cực được quan sát thấy từ các khuôn khổ pháp lý mới và hợp đồng dầu khí mới. Chuỗi năng lượng ngoài khơi dự kiến sẽ đem lại nhiều việc làm cho người lao động.
Thời gian tới, Petrovietnam sẽ tập trung nguồn lực cho Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 2 chính thức được Thủ tướng giao Petrovietnam làm chủ đầu tư vào ngày 1/4/2025. Giải pháp mở rộng kinh doanh LNG, cung cấp khí đầy đủ cho đạm để tăng công suất, sản lượng khi thị trường có dấu hiệu thuận lợi, cùng với đó là các giải pháp tăng sản lượng khai thác dầu khí, cũng như duy trì thương mại quốc tế.

Kết quả tài chính quý I/2025 của Petrovietnam. Ảnh: Petrovietnam.
Từ dự báo về biến động tài chính, tiền tệ, Petrovietnam đưa ra các giải pháp để đảm bảo dòng tiền, thu xếp vốn cho các dự án, hoạt động SXKD của Tập đoàn, tối ưu các chi phí, đẩy mạnh thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí.
Về nhiệm vụ trọng tâm tháng 4 và quý II/2025, các khối trong Petrovietnam có các định hướng cụ thể: Khối E&P gia tăng tốc độ Dự án Đại Hùng pha 3; khối khí điện đẩy nhanh tiến độ Dự án Nhơn Trạch 3 và 4; khối lọc hóa dầu tăng cường công tác thương mại. Bên cạnh đó là tăng tốc các dự án: Dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, nâng công suất kho LNG Thị Vải và các dự án điện…

Petrovietnam đặt mục tiêu tăng tốc công tác đầu tư trong kế hoạch quý II/2024. Ảnh: Petrovietnam.
Mở rộng thị trường “sân nhà”
Về nhiệm vụ dài hạn, nhận định bối cảnh thị trường xuất hiện nhiều hơn các khó khăn so với thời điểm xây dựng kế hoạch, Petrovietnam xác định tập trung cao độ cho công tác điều hành. Để đảm bảo cho mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025, Tập đoàn sẽ sớm phân bổ kế hoạch SXKD tới từng khối, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ giao.
Nhiệm vụ cần kíp trước mắt là đánh giá tác động chính sách của Mỹ với Việt Nam và hoạt động khai thác dầu khí, từ đó đưa ra các giải pháp, kiến nghị chính sách hỗ trợ kịp thời tới các cơ quan chức năng. Trong đó, Petrovietnam nhấn mạnh các nhóm giải pháp như: Mở rộng thị trường cho sản phẩm hàng hóa và dịch vụ tại chính “sân nhà” với đối tác chiến lược; tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong nước có sự lựa chọn kỹ càng; tăng cường hợp tác với các đối tác chiến lược quốc tế, nghiên cứu từ sớm, từ xa các thị trường nước ngoài, đặc biệt là mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới.

Petrovietnam tập trung mở rộng thị trường các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Ảnh: Petrovietnam.
Đồng thời, Petrovietnam tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị, sửa đổi các quy chế phù hợp với môi trường kinh doanh, triển khai các quy định hỗ trợ SXKD; tập trung quản lý vốn và tài sản; nâng cao năng suất, hiệu suất, tiết kiệm, chống lãng phí; tập trung tháo gỡ các khó khăn cho sự phát triển trung và dài hạn; tiếp tục triển khai các nhóm giải pháp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hoàn thiện chiến lược Tập đoàn, dự thảo kế hoạch 5 năm 2025-2030, đồng bộ với điều chỉnh mô hình kinh doanh; thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo cụ thể cho từng khối, từng dự án trọng điểm của Tập đoàn.