| Hotline: 0983.970.780

Vì sao hàng loạt dự án khủng ở Khánh Hòa ngang nhiên vi phạm pháp luật?

Thứ Ba 10/04/2018 , 07:15 (GMT+7)

Không thông qua đấu giá đất, không lấy đủ ý kiến tham mưu của các sở ban ngành liên quan trước khi cấp phép dự án…, UBND tỉnh Khánh Hòa đã "tạo điều kiện” cho hàng loạt doanh nghiệp thực hiện các dự án trên địa bàn.

Trong số đó, không ít dự án đang bộc lộ các sai phạm nghiêm trọng.

Liên quan đến vấn đề đất đai ở tỉnh Khánh Hòa, tin từ Thanh tra Chính phủ cho biết, cơ quan này đã hoàn thành báo cáo dự thảo kết luận thanh tra về lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh này. Tuy nhiên, vào năm trước, trưởng đoàn thanh tra bất ngờ bị đột quỵ nên việc kết luận thanh tra đất đai, đặc biệt là các dự án lấy đất vàng ở Khánh Hòa đang phải tạm dừng.

Trong một cuộc họp với Thanh tra Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Đào Công Thiên cho biết, trong thời gian qua, Khánh Hòa đã triển khai 104 cuộc thanh tra hành chính; qua đó phát hiện sai phạm 18 tỷ đồng và hơn 91.000m2 đất; kiến nghị thu hồi nộp ngân sách 7,6 tỷ đồng và hơn 2.200m2 đất; kiến nghị xử lý hành chính 160 tổ chức, 141 cá nhân sai phạm và kiến nghị chuyển 1 vụ sang cơ quan điều tra…
 

Dự án trồng rừng, nuôi rong biển nhưng Sở NN-PTNT không biết?

Theo tài liệu của NNVN, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt dự án khủng ở Khánh Hòa đang bị phát hiện ra những sai phạm. Tại kỳ họp HĐND tỉnh Khánh Hòa mới đây, nhiều đại biểu vô cùng bức xúc khi những dự khủng được UBND tỉnh cấp phép đang ngang nhiên tồn tại “bức tử” vịnh Nha Trang.

14-54-06_nt1
Dự án Trồng rừng, nuôi rong biển kết hợp du lịch sinh thái đảo Hòn Rùa

Điển hình như Dự án Trồng rừng, nuôi rong biển kết hợp du lịch sinh thái đảo Hòn Rùa được thực hiện trên tổng diện tích 14,175 ha bao gồm 2,75 ha diện tích đảo Hòn Rùa, nằm trong quần thể danh thắng cấp quốc gia ở phường Vĩnh Hòa (TP Nha Trang). Một trong những mục tiêu của dự án là nuôi rong biển nhằm tạo thảm thực vật bao quanh khu du lịch đảo, trồng rừng chắn gió, chống xói lở đất, bảo vệ các loài thú rừng sống trên đảo… Tuy nhiên, quá trình thực hiện các thủ tục cấp phép cho doanh nghiệp thực hiện dự án, UBND tỉnh Khánh Hòa đã “bỏ sót” một số thủ tục theo quy định,

Cụ thể, ngày 8/5/2015, thay mặt UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Lê Đức Vinh – Phó Chủ tịch UBND đã ký Quyết định số 1121/QĐ – UBND về việc cho Công ty TNHH Du lịch sinh thái Hòn Rùa (trụ sở chính tại số 2 đường Hùng Vương, phường Lộc Thọ, TP Nha Trang) thực hiện dự án trồng rừng, nuôi rong biển kết hợp du lịch sinh thái đảo Hòn Rùa với phần diện tích đất được chuyển mục đích sử dụng từ trồng rừng sản xuất sang đất thương mại, dịch vụ 131.164,0m2. Thời hạn sử dụng đất đến hết ngày 8/3/2047.

Nếu chiếu theo giấy phép thì việc trồng rừng là mục tiêu chính của dự án này, khi nó được đưa lên hàng đầu trong danh mục đầu tư. Còn trồng rong kết hợp du lịch chỉ là hạng mục phụ trợ. Tuy nhiên, một dự án trồng rừng chỉ vẻn vẹn được sử dụng 2,75ha đất, lại trồng trên một hòn đảo cằn cỗi thì hiệu quả kinh tế có cao khi dự án này có tổng mức đầu tư cho các hạng mục là 56 tỷ đồng, một số tiền không nhỏ so với một dự án trồng rừng kinh tế thông thường?

Theo quy định, trước khi được phê duyệt dự án trồng rừng, dự án phải qua nhiều cấp quản lý thẩm định, trong đó phải có ý kiến đồng ý của Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, trao đổi với NNVN, ông Lê Tấn Bản – Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa khẳng định: Sở NN-PTNT hoàn toàn không hay biết gì về dự án này. Qua kiểm tra hồ sơ lưu trên hệ thống của cơ quan thì cũng không thấy dự án trồng rừng nuôi rong biển của Công ty TNHH Sinh thái Hòn Rùa.

Về vấn đề này, trong tài liệu của Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Khánh Hòa cung cấp cho PV, tại văn bản ngày 22/11/2013 trình UBND tỉnh Khánh Hòa, cơ quan này đã khẳng định, quá trình thực hiện bước thỏa thuận địa điểm thực hiện dự án đã tổ chức lấy ý kiến các đơn vị: Sở Xây dựng, Sở TN-MT, Sở NN-PTNT, Sở Tài chính, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng… Tuy nhiên, do nội dung đề nghị cấp GCNĐT dự án phù hợp với Thông báo ngày 11/10/2013 của UBND tỉnh Khánh Hòa nên cơ quan này đã không tổ chức thực hiện lấy ý kiến các đơn vị nêu trên mà chỉ lấy ý kiến của Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa?

Hệ lụy của việc cấp phép “một cửa” đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất chấp pháp luật, ngang nhiên sai phạm, tàn phá cả danh thắng quốc gia.

Cụ thể, sau khi có được giấy phép của UBND tỉnh Khánh Hòa, chủ đầu tư chỉ chăm chăm vào việc xẻ núi, xây dựng công trình trên đảo Hòn Rùa. Huy động đất, đá từ mọi nơi chở về để lấp, lấn biển xung quanh đảo. Trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án “Trồng rừng, nuôi rong biển kết hợp du lịch sinh thái đảo Hòn Rùa” số 243/QĐ-BTNMT, ngày 29/1/2016 của Bộ TN-MT, bộ này chỉ cho chủ đầu tư thực hiện trên diện tích 0,46ha, dưới danh nghĩa là trồng bổ sung cây để tăng độ che phủ thảm thực vật khu vực phía Đông đảo Hòn Rùa.

Ngoài ra, trong quyết định phê duyệt ĐTM của Bộ TN-MT, không có cụm từ nào cho phép chủ đầu tư lấp, lấn biển. Bên cạnh đó, quyết định này cũng không cho phép chủ đầu tư vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ giai đoạn xây dựng và hoạt động của dự án nói trên.

Thế nhưng, việc đổ đất lấn biển của chủ đầu tư vẫn diễn ra công khai, mà theo giải thích của họ là làm đường công vụ, sau đó hoàn trả hiện trạng. Đây là những cơ sở để nghi ngờ dự án “đội lốt” trồng rừng để bức tử đảo Hòn Rùa lấn đất mặt biển để sử dụng mục đích khác.

Theo biên bản kiểm tra của các cơ quan chức năng, Công ty TNHH Du lịch sinh thái Hòn Rùa đã đổ đất đá lấn biển Vịnh Nha Trang với diện tích 12.870,7m2 đất ngoài ranh giới dự án được giao. Có hành vi tổ chức thi công xây dựng hạng mục công trình đường giao thông nội bộ ngoài ranh giới đất dự án được giao với diện tích 1.068m2…

Chưa hết, Công ty TNHH Du lịch sinh thái Hòn Rùa thậm chí còn không lập và gửi kế hoạch quản lý môi trường dự án để niêm yết công khai. Vi phạm vào Nghị định của Chính phủ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường…
 

Sai phạm tràn lan

Thực tế kiểm tra cũng cho thấy, sau khi được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp phép, liên tiếp các dự án bị phát hiện sai phạm, đặc biệt là các sai phạm trong lĩnh vực đất đai.

Dự án Champarama Resort & Spa (phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang) do Công ty CP Khu du lịch Champarama, là chủ đầu tư lấn biển trái phép 1,7 ha. Dự án Công viên Văn hóa, giải trí, thể thao Nha Trang Sao (phường Vĩnh Thọ, TP Nha Trang) do Công ty Cổ phần Nha Trang Sao làm chủ đầu tư lấn vịnh Nha Trang trái phép 2,3 ha. 

14-54-06_nt2
Dự án Champarama Resort & Spa

Dự án Công viên Bến du thuyền (phường Vĩnh Hòa) do Công ty CP thương mại và du lịch Trọng Điểm làm chủ đầu tư có diện tích 89,3 ha (trong đó 86 ha mặt nước) với 3 khu vực chức năng, gồm: Khu biệt thự cao cấp diện tích 1,2 ha; khu dịch vụ diện tích 2,1 ha với ghềnh đá, bãi sạn lấn biển; khu bến du thuyền (khu III) diện tích 86 ha. Tổng vốn thực hiện dự án này là 388 tỉ đồng. Dự án đầu tư khu dịch vụ du lịch và thể thao Hồ Tiên (phường Vĩnh Hòa). Ôm trọn bãi Tiên, dự án này có diện tích 42.470 m2 với nhiều hạng mục như: 19 bungalow; 1 CLB thể thao lặn biển, leo núi; nhà hàng; nhà trung tâm… với tổng mức đầu tư 84,5 tỉ đồng…

Nghiêm trọng hơn, rất nhiều dự án trong số này nằm trong phạm vi thuộc vịnh Nha Trang, danh thắng quốc gia. Có dự án nằm sát Hòn Chồng, Hòn Đỏ, khu vực danh lam thắng cảnh được Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1998. Điều đáng nói, những dự án này đã vi phạm trong suốt quá trình khá dài nhưng những động thái xử lí của UBND tỉnh Khánh Hòa dường như chưa đủ mạnh để ngăn chặn. Trước những bức xúc của dư luận, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa kiểm tra làm rõ và có biện pháp xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/5/2018.

Liên quan đến công tác quản lý đất đai, đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 01/CT-TTg về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chấn chỉnh và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, tính thu nghĩa vụ tài chính về đất đai không đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, giao đất không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, đơn vị theo quy định của pháp luật và báo cáo kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý sai phạm (nếu có) với Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/11/2018.

 

Xem thêm
AgroViet 2024 - Cầu nối mở rộng thương mại nông sản

Ngày 20/11, Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 24 - AgroViet 2024 được khai mạc tại Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Hà Nội).

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.