| Hotline: 0983.970.780

Điện gió ngoài khơi, điện khí LNG: Cần những chính sách thúc đẩy

Thứ Ba 01/04/2025 , 19:20 (GMT+7)

Mặc dù nhiều chính sách đã được ban hành, nhưng các dự án năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi, điện khí LNG vẫn gặp khó khăn.

Vì sao tăng trưởng năng lượng tái tạo chững lại?

Năng lượng là yếu tố then chốt, có tính quyết định tạo khả năng phát triển bền vững. Chính vì vậy, trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, Việt Nam đã cấp thiết của việc chuyển đổi sang nguồn năng lượng xanh, sạch và bền vững, đồng thời phát triển một chiến lược dài hạn để tận dụng tiềm năng năng lượng tái tạo. Trong nước, sự dịch chuyển của Petrovietnam với mô hình Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam là điển hình cho hướng đi đúng đắn trong xu hướng dịch chuyển năng lượng, để phát triển nhiều loại hình năng lượng mới bên cạnh lĩnh vực dầu khí truyền thống.

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Petrotimes.

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Petrotimes.

Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo đang chững lại do gặp nhiều rào cản.

Tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam năm 2025 với chủ đề: “Năng lượng xanh, sạch kiến tạo kỷ nguyên kinh tế mới - Giải pháp thúc đẩy phát triển nhanh các nguồn năng lượng mới” vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII (phân bổ quy mô công suất nguồn điện mặt trời, điện gió theo tỉnh) chậm gần 1 năm sau khi có Quy định phê duyệt Quy hoạch điện VIII. Điều này dẫn đến tâm lý e ngại với nhà đầu tư năng lượng tái tạo mới do có đề xuất về rà soát các dự án hưởng FIT nhưng thiếu thủ tục chấp nhận hoàn thành thủ tục xây dựng trước khi được công nhận ngày vận hành thương mại (COD).

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam. Ảnh: Petrotimes.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam. Ảnh: Petrotimes.

Cùng với đó là chưa đủ các quy định để triển khai điện gió ngoài khơi, chưa có dự án nào trong quy mô 6.000 MW được triển khai, tạo thách thức để hoàn thành mục tiêu vào năm 2030.

Đối với việc triển khai các nguồn điện khí LNG chậm do thiếu cơ chế sản lượng hợp đồng (Qc) và chuyển ngang giá khí. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 56/2025/NĐ-CP ngày 3/3/2025, quy định các vấn đề này, tuy nhiên điều kiện về Qc chưa đủ hấp dẫn khối FDI.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành, Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương cũng khẳng định, các nghiên cứu về cơ chế, chính sách cho điện gió ngoài khơi có vai trò quan trọng, tuy nhiên quá trình thực hiện còn chậm; các nghiên cứu cơ chế cho điện khí/LNG, các loại hình năng lượng tái tạo khác cũng tương tự…

Ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành, Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương. Ảnh: Petrotimes.

Ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành, Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương. Ảnh: Petrotimes.

Tháo gỡ điểm nghẽn

Theo Quy hoạch điện VIII, công suất điện gió ngoài khơi đến 2030 khoảng 6.000 MW, Tại dự thảo điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đề xuất phát triển nguồn điện này sau năm 2030, đạt khoảng 17.000 MW vào 2035; Quy hoạch điều chỉnh cũng đề xuất thay thế một số dự án điện khí LNG chậm tiến độ sang sau 2030. Tổng công suất nguồn này trong 5 năm tới là 8.824 MW, giảm khoảng 13.576 MW so với mục tiêu đặt ra ở Quy hoạch điện VIII. Tuy nhiên, tại Thông báo kết luận về Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII vừa ban hành, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương không điều chỉnh lùi tiến độ, đảm bảo các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi hoàn thành trước 2030.

Cùng với đó, định hướng phát triển của Chính phủ, hệ thống điện của Việt Nam sẽ phát triển theo chiều hướng xanh, sạch, bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng xanh tuần hoàn, phát thải thấp, phù hợp với các tiêu chuẩn, chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam cũng như cam kết tại COP26, đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Để đạt được mục tiêu này, TS. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh: Cần tháo gỡ khó khăn rào cản từ các cơ chế chính sách, thủ tục và quy định pháp lý trong đầu tư, phát triển các dự án điện và năng lượng tái tạo.

PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chia sẻ tại Diễn đàn. Ảnh: Petrotimes.

PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chia sẻ tại Diễn đàn. Ảnh: Petrotimes.

Tại Diễn đàn, một số doanh nghiệp kỳ vọng sẽ nhìn thấy những hành động thúc đẩy năng lượng tái tạo của Chính phủ quyết liệt hơn nữa.

Đại diện nhà đầu tư nước ngoài, bà Virginia Foote, Phó Chủ tịch AmCham Hà Nội, Thành viên Ban lãnh đạo Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam và Thành viên Ban lãnh đạo Nhóm Công tác Điện và Năng lượng hy vọng sớm có các hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) thành công. Đồng thời khuyến nghị Việt Nam nghiên cứu kỹ lưỡng và lựa chọn công nghệ hạt nhân phù hợp. Bên cạnh đó là phát triển các dự án LNG để hiện thực hóa mục tiêu của Quy hoạch điện VIII. Với điện gió ngoài khơi, cần gấp rút thực hiện từ bây giờ, xây dựng sẵn các điểm đấu nối lưới điện ở ven biển.

Để tránh tâm lý e ngại đến từ các nhà đầu tư. Chính phủ, Quốc hội cần đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thể chế về năng lượng, tháo gỡ những khó khăn, tạo thuận lợi thực thi cho các dự án chất lượng và hiệu quả để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, vẫn gặp khó khăn bởi quy trình đầu tư phức tạp, giá điện chưa hấp dẫn, và các dự án điện gió ngoài khơi đòi hỏi vốn lớn, công nghệ phức tạp, thời gian triển khai kéo dài… Với nguồn điện khí LNG, các nhà đầu tư mong muốn có thêm các điều kiện hấp dẫn để tăng tốc triển khai dự án.

Xem thêm
'Bão' giá lợn càn quét: [Bài cuối] Các nước xoay xở ra sao?

Giá thịt lợn biến động, nhiều quốc gia triển khai chiến lược điều chỉnh đàn, phát triển vacxin - những bài học đáng tham khảo cho ngành chăn nuôi Việt Nam.

Cùng sinh viên kiến tạo con đường nông nghiệp hạnh phúc

THÁI NGUYÊN Ngày 2/4, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã ký kết hợp tác toàn diện với Tập đoàn Tân Long với nhiều nội dung nội dung quan trọng, hỗ trợ sinh viên phát triển.

Mong chính sách tín dụng linh hoạt hơn cho lĩnh vực nông nghiệp

Cần Thơ Các địa phương, doanh nghiệp kiến nghị giải pháp tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy chính sách tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nhất là Đề án một triệu hecta lúa chất lượng cao.

5 dự án trọng điểm của TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm 2025

Đó là Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, 2 nút giao An Phú, Mỹ Thủy và QL50 mở rộng, tổng mức đầu tư 24.300 tỷ đồng.

Bí kíp 'chốt đơn' 20 lô đất/tháng của nhà môi giới tại Hải Phòng

Bí kíp 'chốt đơn' và cơ duyên đến với nghề môi giới bất động sản của anh Nguyễn Văn Sen khá tình cờ và thú vị trong 'một lần mua đất bị hớ'.

Bình luận mới nhất