Nhờ được người dân chăm sóc trong điều kiện tự nhiên, nên cây chè Shan tuyết Suối Giàng sở hữu hương vị thơm ngon đặc biệt, được thị trường ưa chuộng.
Khi sương mai vẫn còn đọng lại trên cành lá……
Mặt trời vừa thức giấc sau tầng mây trắng…….
Thì cũng là lúc các bà, các mẹ, các chị em người dân tộc Mông, tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái lại bắt đầu công việc quen thuộc đó là lên nương để hái chè.
Nằm ở độ cao trên 1.300 m so với mực nước biển, nơi đã đây được mẹ thiên nhiên ban tặng cho giống chè Shan tuyết quý hiếm, với hương vị thơm ngon đặc biệt.
Với diện tích vùng lõi khoảng 400 ha; trong đó, diện tích cây cổ thụ mọc tự nhiên là 290 ha, tập trung chủ yếu ở các thôn Giàng Cao, Giàng B, Pang Cáng, Tập Lăng I, Tập Lăng II và Suối Lóp.
Ông VÀNG A KHUA - Xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái
Gần như là máu đã ngấm vào cây chè hết rồi. Nếu như bảo tôi đi làm nương, làm rẫy hoặc bảo đi đâu đó có khi cũng không vui như đi hái chè.
Chè Shan Tuyết cổ thụ có thân cây to bằng vài người ôm, màu trắng mốc, tán cây rộng khoảng 20 mét vuông, lá màu xanh đậm.
Thời điểm tháng 4 tháng 5 là khoảng thời gian thích hợp nhất để thu hoạch chè, tuỳ vào loại chè mà có cách thu hoạch và chế biến khác nhau. Do vậy, khi hái chè đòi hỏi người hái phải hết sức cẩn thận, không được đụng đến phấn chè.
Chị SÙNG THỊ GÀO
Vui lắm, phấn khởi lắm. Từ khi tôi sinh ra đã có cây chè to như này rồi. Hằng năm sẽ bắt đầu hái từ tháng 3 đến tháng 9 là hết chè.
Với quần thể hơn 40.000 cây có tuổi đời từ trên 100 đến 300 năm, cây chè shan tuyết đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây Di sản Việt Nam từ đầu năm 2016.
Việc chăm sóc và bảo vệ cây chè cũng được người dân chú ý như không sử dụng các loại thuốc hóa học, không sử dụng phân hóa học.
Ông VÀNG A KHUA - Xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái
Một năm chỉ cần phát quang gốc cây 1 lần thôi. Không phân bón, không thuốc trừ sâu, không tác động gì hết cứ để tự nhiên như này thôi.
Giá bán chè búp tươi hiện tại là 20.000 đồng một kilôgam, cây chè đang là nguồn thu nhập chính, tạo việc làm ổn định cho gần 200 hộ dân trong xã.
Chè hái về sẽ được tiến hành xao sấy, việc xao càng sớm càng tốt sẽ giữ được hương vị của chè.
Để tạo ra hương vị thơm ngon của chè Shan tuyết ở mỗi công đoạn đều đòi hỏi kỹ thuật như, xao chè phải đủ lửa và đúng nhiệt độ, công đoạn này phải là những người có tay nghề cao.
Ông VÀNG A KHUA -Xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái
Hiện nay mình xao chè bằng máy. Công suất của máy vào khoảng 1 tấn/ ngày. Chất lượng chè tốt hơn và đảm bảo hơn. Nhiệt độ là 270 độ, vì diệt men thì nhiệt nó phải cao.
Sản phẩm chè Shan tuyết tại đây luôn được khách hàng lựa chọn với các đặc trưng như cánh chè to, đều, xoăn chặt, lộ tuyết, mùi thơm mạnh, khi pha có màu nước xanh và vàng sáng. Hàm lượng chất tanin và khoáng chất cao nên có vị chát, đắng nhẹ và ngọt hậu đậm; mang giá trị dinh dưỡng cao, có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe con người.
Ông VÀNG A KHUA -Xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái
Đến thăm nhà nhau thì người ta sẽ dùng trà để kết nối câu chuyện, thường là dùng vào buổi trưa với dòng lục trà. Còn hồng trà và hoàng trà thì sẽ dùng vào buổi chiều, vì dùng 2 dòng này không bị mất ngủ.
Để cây chè được phát triển bền vững, mang đến thu nhập cao, những năm qua UBND huyện Văn Chấn đã hướng dẫn người dân về cách trồng, chăm sóc, thu hái chè Shan theo quy trình sạch, hữu cơ đã và đang mở ra cơ hội lớn trong phát triển kinh tế cho đồng bào nơi đây.
Ông LƯỜNG VĂN TÂM - Chủ tịch UBND xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái
Canh tác không có sự tác động của thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, mà để cây tự phát triển để đảm bảo tính hữu cơ. Bên cạnh đó chúng tôi cũng tuyên truyền, chỉ đạo người dân chăm sóc cây thật tốt, như phát quang, xử lý mối xâm hại cây.
Mong rằng trong thời gian tới cây chè Shan Tuyết mang lại nhiều việc làm cho người dân nơi đây, giúp tạo thu nhập và mang lại kinh tế ổn định cho đồng bào vùng cao nơi đây.
Đây cũng sẽ là tiền đề quan trọng giúp địa phương xây dựng và bảo vệ thành công nhãn hiệu độc quyền chè Shan tuyết Yên Bái.