Hàng năm, ngành chăn nuôi Ninh Thuận đối mặt với những khó khăn, thách thức do vào mùa khô thời tiết nắng nóng kéo dài dẫn đến thức ăn cho đàn gia súc ngày càng khan hiếm, đồng cỏ bị thu hẹp. Trước tình hình đó, ngành chăn nuôi và người dân Ninh Thuận đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc vượt qua nắng hạn.
Chào mừng quý vị và bà con quay trở lại với Nongnghiep TV. Thưa quý vị và bà con!
Ninh Thuận hiện có tổng đàn gia súc hơn 500.000 con. Trong đó, gia súc có sừng gần 355.000 con (bao gồm 3.870 con trâu, 120.591 con bò, 128.620 con dê và 101.865 con cừu). Hàng năm, vào mùa khô tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, ngành chăn nuôi Ninh Thuận đang đối mặt với những khó khăn, thách thức do nắng hạn dẫn đến thức ăn cho đàn gia súc ngày càng khan hiếm, đồng cỏ bị thu hẹp.
Trước tình hình đó, ngànhchăn nuôi và người dân Ninh Thuận đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc vượt qua nắng hạn.
Tại huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, hiện chăn nuôi đa số chăn thả theo tập quán thời xa xưa. Với số lượng đàn lớn, trong khi hàng năm thời tiết nắng hạn kéo dài khiến diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp, làm cho đàn gia súc có nguy cơ bị thiếu thức ăn dẫn đến thể trạng bị suy dinh dưỡng, nguy cơ thiệt hại đối với các hộ chăn nuôi là khó tránh khỏi.
Phỏng vấn Ông Lưu Hương, thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước
Nhà có nuôi bò 18 con, mùa mưa để trên rẫy, mùa nắng đuổi về nhà để dự trữ mua rơm để bò ăn mùa nắng này, 3 tháng nắng này. Rồi mua thêm cám, thức ăn tinh để trộn vào cho bò ăn bổ sung với rơm, củng đủ đảm bảo vì cám pha với rơm rồi cho nó ăn chờ mưa xuống có cỏ đuổi lên trên rẫy cho bò ăn.
Phỏng vấn Anh Hán Duy Quang,thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước
Mùa khô kéo dài từ 3 tháng đến 6 tháng, 1 năm chỉ làm lúa 1 vụ thôi, thức ăn cho bò ăn không đủ. Trước tình hình đó đi mua rơm cho bò ăn, ráng kiếm mua rơm cho bò ăn.
Đàn bò hiện nay 15 con, thức ăn 1 năm mua từ 15-17 triệu đồng tiền rơm, tiền muối và tiền cám mình chưa tính.
Rút kinh nghiệm những đợt hạn hán các năm trước đây, vụ đông xuân hàng năm, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnhNinh Thuận đã tích cực tận thu các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn dự trữ cho đàn gia súc để ứng phó với thời tiết nắng nóng kéo dài.
Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi trên đã chủ động trồng cỏ để làm thức ăn và bổ sung thêm thức ăn tinh cho đàn gia súc.
Phỏng vấn Ông Lê Văn Tâm, thôn Mỹ Nhơn, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc
Nhà trồng cỏ được 2 sào, phân bón đầy đủ, cỏ tốt mới đủ cho bò ăn. Nói chung cỏ cho bò ăn có chất đạm cao hơn rơm, không có cỏ mới chuyển qua rơm thôi, chứ cỏ mình trồng không đủ, không bảo đảm được cho bò ăn.
Việc tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn cho gia súc kết hợp trồng cỏ đã giúp nhiều hộ chăn nuôi giải quyết được tình trạng thiếu thức ăn trong mùa nắng hạn để duy trì và phát triển đàn gia súc, hạn chế thấp nhất thiệt hại do nắng hạn gây ra.
Phỏng vấn Ông Lưu Trạng, Cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Ninh Phước
Các hộ đã chủ động được nguồn thức ăn, nước uống để bổ sung trong thời kì nắng hạn như hiện nay. Trước tình hình như vậy, bà con cũng đã chủ động bằng cách dự trữ rơm, trồng cỏ cho ăn bổ sung. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi đã bổ sung thêm thức ăn tinh cho bò, từ đó bò suy dinh dưỡng và thiệt hại do hạn hán được hạn chế thấp nhất và không xảy ra trên địa bàn.
Theo ông Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi vàThú y Ninh Thuận, chăn nuôi gia súc trên địa bàn tỉnh trước đây phụ thuộc rất lớn vào đồng cỏ tự nhiên. Tuy nhiên, do tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nên gần đây đồng cỏ tự nhiên thu hẹp dần.
Do đó, Chi cục cũng hướng dẫn cho người dân trồng cỏ, tích trữ thức ăn cho đàn gia súc. Song song với đó, bổ sung thêm thức ăn tinh để tăng cường sức khỏe, sức đề kháng cho đàn gia súc, đặc biệt trong những tháng mùa khô, thời điểm hạn hán thiếu nước.
Phỏng vấn Ông Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận
Chi cục cũng khuyến cáo cho người nông dân sau khi kết thúc vụ đông xuân thì tăng cường trích trữ thức ăn để bảo vệ đàn gia súc. Trong các phụ phẩm sản xuất vụ đông xuân thì bà con cũng có kinh nghiệm trong việc thu gom, tích trữ các rơm rạ, phế phủ phẩm nông nghiệp trong vụ đông xuân và tích trữ phòng khi đồng cỏ tự nhiên không có, hạn hán nắng nóng không trồng cỏ được thì người dân có nguồn thức ăn ổn định cho đàn gia súc. Những vùng khó khăn không sản xuất nông nghiệp được chuyển sang trồng cỏ để phục vụ chăn nuôi gia súc để phát triển ngành chăn nuôi cũng như đàn gia súc của tỉnh ổn định để giảm thiệt hại, đặc biệt trong những tháng mùa khô và những năm khô hạn.
- Quý vị và bà con thân mến!
Để đảm bảo phát triển chăn nuôi gia súc, nhất là trong mùa khô hạn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh thuận đã tuyên truyền, khuyến cáo người dân chủ động tận dụng đất có độ ẩm trồng cỏ, chuyển đổi diện tích đất sản xuất lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng cỏ để cung cấp nguồn thức ăn xanh cho gia súc. Dự trữ, bảo quản và chế biến phế phụ phẩm trong nông nghiệp như rơm, rạ, thân cây bắp, thân cây họ đậu, đọt cây mía… và các loại thức ăn tinh như cám gạo, bắp và thức ăn hỗn hợp… làm thức ăn cho gia súc để phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh ổn định, giảm thiệt hại, đặc biệt trong những tháng mùa khô và những năm khô hạn.