Tại nhiều địa phương, việc nuôi con đặc sản mang tính tự phát, không có định hướng tiêu thụ dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao, thậm chí thua lỗ. Người dân mong muốn có những giải pháp hiệu quả, kịp thời để nâng cao chất lượng và tìm đầu ra ổn định cho con nuôi đặc sản trong thời gian tới.
Người dân ngóng cơ chế hỗ trợ con nuôi đặc sản
Anh Quản Văn Hải là một trong số các hộ nuôi rùa câm quy mô lớn tại xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa với khoảng 100 cá thể. Nhiều năm về trước anh Hải và nhiều hộ dân tại xã Thiệu Hợp đã phất lên nhờ con nuôi đặc sản này. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, do thị trường Trung Quốc đóng cửa, nên giá rùa giảm xuống đáng kể, từ 35 triệu đồng/kg nay chỉ còn 2-3 triệu đồng/kg, nhưng vẫn không có người mua.
Xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa là địa phương có số lượng hộ nuôi rùa câm, ba ba lớn nhất tỉnh Thanh Hóa với khoảng 170 hộ, trong đó có 100 hộ nuôi rùa câm. Đây là những con nuôi đặc sản được cơ quan thẩm quyền cấp phép nuôi và nhân rộng trên địa bàn huyện hàng chục năm nay. Nhiều hộ dân mong muốn nhà nước có cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển vật nuôi đặc sản để họ yên tâm đầu tư sản xuất, cải thiện thu nhập.
Tạo thu nhập cao cho bà con nông dân
Thanh Hóa hiện có khoảng 2,25 triệu con nuôi đặc sản với các đối tượng con nuôi phổ biến như: lợn rừng, vịt Cổ Lũng, thỏ, rùa câm, nhím, dúi... với hơn 1.000 hộ được cấp phép nuôi. Trong những năm qua, việc phát triển con nuôi đặc sản tại Thanh Hóa có thời điểm phát triển mạnh, tạo thu nhập cao cho bà con nông dân. Tuy nhiều tại nhiều địa phương, do việc nuôi con đặc sản còn mang tính tự phát, không có định hướng tiêu thụ dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao, thậm chí thua lỗ. Việc phát triển bền vững con nuôi đặc tại xã Thiệu Hợp nói riêng, tai nhiều địa phương trong tỉnh nói chung cần có những giải pháp hiệu quả, kịp thời để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thời gian tới.
Để phát triển bền vững đối tượng con nuôi đặc sản, các địa phương cần tuyên truyền, định hướng cho người dân phát triển con nuôi phù hợp với điều kiện từng vùng, không chạy theo phong trào, tự phát. Đồng thời, các hộ chăn nuôi cần chủ động liên kết với các đơn vị chuyển giao kỹ thuật, đơn vị bao tiêu sản phẩm; tìm hiểu kiến thức về chăn nuôi, tìm hiểu về các đơn vị cung ứng nguồn giống đảm bảo chất lượng, thực hiện các biện pháp về phòng, tránh dịch bệnh.