Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, tỉnh Gia Lai đang khẩn trương triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi trên địa bàn.
Cảnh giác, chủ động bảo đảm an toàn hồ đập mùa mưa lũ
Chào mừng quý vị và bà con quay trở lại với Nongnghiep TV. Thưa quý vị và bà con!
Theo dự báo từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, từ nay đến cuối năm, tỉnh Gia Lai sẽ xảy ra nhiều trận mưa lớn kèm theo lũ quét. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến các công trình thủy lợi đặc biệt là những công trình xuống cấp, hư hỏng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trước tình hình trên, tỉnh Gia Lai đang khẩn trương triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi trên địa bàn.
Hiện toàn tỉnh Gia Lai có 352 công trình hồ chứa thủy lợi. Qua kiểm tra, một số hồ đập đã xuất hiện hư hỏng nghiêm trọng, điển hình là hồ chứa nước Tân Sơn tại xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh hay hồ chứa nước Ia Hdreh, Chư Gu tại huyện Krông Pa. Trong đó, hồ chứa nước Tân Sơn được đưa vào sử dụng từ năm 2010, hiện đang đối mặt với tình trạng sạt lở phần mái thượng lưu đập, đe dọa an toàn công trình.
Phỏng vấn: Ông Phạm Văn Bình, Trạm trưởng Trạm Quản lý hồ chứa nước Tân Sơn, huyện Chư Păh
Chúng tôi đã báo cáo tình trạng sạt lở lên công ty. Hiện tại, chúng tôi đang triển khai xử lý tạm thời bằng cách đóng cọc sắt V5, rào lưới B40 và sử dụng bao cát để bảo vệ đập.
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, công tác quản lý đảm bảo an toàn hồ đập ở một số địa phương còn bất cập do thiếu nhân lực chuyên môn. Tại huyện Ia Grai có 23 công trình hồ đập và kênh dẫn nước, nhưng do nguồn kinh phí còn hạn hẹp nên số lượng người thực hiện nhiệm vụ quản lý, vận hành còn hạn chế.
Phỏng vấn: Ông Nguyễn Đăng Lưu, Đội trưởng Đội Quản lý khai thác các công trình thủy lợi huyện Ia Grai
Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch riêng về phòng chống lụt bão theo 16 tiêu chí về Luật thuỷ lợi tại NĐ114 về đảm bảo an toàn hồ đập. Ngoài ra, hàng tuần hàng tháng căn cứ theo tình hình thời tiết, Đội thường xuyên tổ chức trực 24/24 tại các công trình trọng điểm vào mùa mưa bão, thực hiện nghiêm phương châm 4 tại chỗ và xây dựng phương án xử lý sự cố.
Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Gia Lai hiện đang quản lý 49 công trình, trong đó có 17 hồ chứa và 28 đập dâng. Mặc dù công ty đã thực hiện kiểm tra thường xuyên và xây dựng phương án phòng chống thiên tai, nhưng do nguồn kinh phí hạn hẹp, việc sửa chữa và nâng cấp các công trình xuống cấp gặp nhiều khó khăn.
Phỏng vấn: Ông Nguyễn Văn Lương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Gia Lai
Đối với các công trình có nguy cơ mất an toàn, chúng tôi thực hiện các biện pháp tạm thời để đảm bảo an toàn. Chúng tôi đã đề xuất các sở ngành tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn cho việc nâng cấp, sửa chữa đảm bảo an toàn hồ đập.
Phỏng vấn:Ông Nguyễn Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Gia Lai
Hiện Gia Lai có 119 công trình hồ chứa nước
, trong đó 118 hồ thuộc tỉnh quản lý. Các công trình này thường đã được xây dựng từ lâu, nên việc hư hỏng nhỏ là không thể tránh khỏi, nhưng không ảnh hưởng lớn đến an toàn mùa mưa lũ. Hiện chỉ có hồ chứa nước Chư Gu (huyện Krông Pa) bị thẩm lậu lớn và đã yêu cầu không tích nước trong năm 2024.
Là hồ chứa nước có dung tích lớn nhất tỉnh Gia Lai với trên 177 triệu m³ và diện tích mặt nước 2.800ha, hồ chứa nước Ia Mơr tại huyện Chư Prông luôn được Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 8 (Bộ NN-PTNT) đặc biệt chú trọng công tác an toàn, nhất là trong mùa mưa lũ.
Phỏng vấn: Ông Vũ Văn Quy, Cán bộ Ban thủy lợi Ia Mơr thuộc Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 8
Công tác đảm bảo an toàn hồ đập tại đơn vị là hoạt động thường xuyên và liên tục, đặc biệt là vào mùa mưa bão, lũ lụt. Chúng tôi thường xuyên trực 24/24 tại công trình để theo dõi mực nước hồ và kiểm tra phía hạ lưu đập, công đông đá tiêu nước. Khi xảy ra tình huống bất ngờ phát sinh hư hỏng tại các vị trí trên hồ chứa thì chúng tôi sẽ báo ngay về Ban và triển khai các giải pháp xử lý theo phương án để đảm bảo an toàn, không để xảy ra nguy hiểm.
- Quý vị và bà con thân mến!
Trên tinh thần “Cảnh giác, chủ động đảm bảo an toàn hồ đập, công trình thuỷ lợi”, UBND tỉnh Gia Lai đã có công văn yêu cầu các Sở ngành, địa phương cần rà soát, đánh giá hiện trạng công trình, đặc biệt là các điểm xung yếu, có phương án xử lý kịp thời sự cố; chỉ đạo các chủ hồ đập thực hiện nghiêm túc quy chế vận hành liên hồ chứa, điều tiết nước hợp lý; bố trí lực lượng đủ năng lực chuyên môn quản lý, vận hành công trình; đồng thời, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó với mưa lũ.
Đối với các công trình xuống cấp nghiêm trọng cần sớm báo cáo về tỉnh, các địa phương và đơn vị quản lý chủ động cân đối kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác để sớm sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo an toàn cho công trình.
Phóng sự của Báo Nông nghiệp Việt Nam xin được khép lại tại đây. Cảm ơn và hẹn gặp lại quý vị và bà con trong các chương trình sau.