Các địa phương đã sẵn sàng
Thời gian qua, các tổ kiểm tra công tác phòng chống thiên tai của tỉnh Bình Định năm 2024 đã tiến hành kiểm tra tại một số huyện, thị xã trong tỉnh.
Chính quyền thị xã An Nhơn đã rà soát, xác định vùng thường xuyên bị ngập lụt, số hộ dân ở các vùng nguy cơ bị thiên tai gây hại, xây dựng 4 kịch bản di dời dân theo từng cấp độ bão, lũ. Bên cạnh việc tính toán, củng cố lực lượng tại chỗ với gần 2.000 thành viên, chính quyền thị xã An Nhơn và các xã, phường trên địa bàn đã ký biên bản ghi nhớ với các đại lý, nhà cung ứng các loại nhu yếu phẩm, thuốc men thiết yếu đảm bảo cung cấp cho người dân từ 7 đến 15 ngày trong trường hợp bị ngập sâu, chia cắt.
Theo ông Bùi Văn Cư, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thị xã An Nhơn, chính quyền cấp xã ở địa phương này đẩy mạnh tuyên truyền để người dân chủ động ứng phó và tham gia các hoạt động phòng chống thiên tai. Hiện 15 xã, phường của thị xã đã tiến hành khơi thông dòng chảy các đoạn sông, kênh mương tiêu thoát nước, chuẩn bị áo phao, ghe xuồng, máy móc kịp thời xử lý các tình huống khẩn cấp.
“Ngoài ra, chính quyền thị xã đã xác định hơn 160km tuyến đường, bờ tràn thường xuyên bị ngập lụt, gắn biển cảnh báo và bố trí lực lượng ứng trực, hướng dẫn khi mưa bão đến…”, ông Cư cho hay.
Vừa linh động vừa chủ động
Huyện Tuy Phước, nơi được mệnh danh là “rốn lũ” của tỉnh Bình Định, cũng đã thành lập đội xung kích phòng, chống thiên tai ở 13/13 xã, thị trấn; triển khai khơi thông dòng chảy, tiêu úng thoát lũ trên các tuyến sông; xây dựng xong 10 ngôi nhà ở kết hợp tránh trú bão.
Chính quyền huyện Tuy Phước vận động người dân dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc phòng bệnh và nhu yếu phẩm đủ dùng tối thiểu trong 7 ngày. Huyện xây dựng 4 kịch bản về phòng chống thiên tai và dự trữ 110 áo phao, 11.000 bao cát; tuyên truyền, vận động nhân dân chuẩn bị phòng, tránh và tham gia các hoạt động phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai tại địa phương; tổ chức trực ban 24/24 giờ khi có thiên tai xảy ra.
“Huyện Tuy Phước kiến nghị kế hoạch di dời 9 hộ dân ở xã Phước Hòa và 14 hộ dân ở xã Phước Thắng đến nơi ở mới vì nằm ở khu vực hạ lưu trong dòng chảy để tránh thiệt hại khi có lũ lụt xảy ra”, ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước chia sẻ.
Ông Võ Đức Nguyện, Giám đốc Công an tỉnh Bình Định, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Bình Định lưu ý: Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai ngày càng khốc liệt, ngoài dự lường, chính quyền thị xã An Nhơn và huyện Tuy Phước cần chủ động, linh hoạt, thường xuyên cập nhật, bổ sung các kịch bản, phương án ứng phó với thiên tai theo tình hình thực tế tại từng địa phương; tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Đồng thời phải chủ động tổ chức phương án phòng chống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ" đến cơ sở để kịp thời, chủ động ứng phó, giải quyết các tình huống có thể phát sinh trong mùa mưa bão sắp đến.
Sở NN-PTNT Bình Định đề nghị ngành chức năng Bình Định đề nghị chính quyền các địa phương tổ chức kiểm tra rà soát các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan nằm ven sông, suối, ven biển, khu vực sườn dốc… để kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi có mưa lớn.