Hiện nay, thành phố Hải Phòng có 24 tuyến đê, trong đó có 18 tuyến đê sông, 6 tuyến đê biển tổng chiều dài là 417km. Theo thống kê, số công trình thủy lợi là 3.833 kênh cấp 3 trở, tổng chiều dài hơn 4.000km, 15.509 kênh cấp 3 trở xuống đến kênh nội đồng chiều dài hơn 4.000km. Ngoài ra, thành phố Hải Phòng có 696 trạm bơm điện và 1.296 công trình kênh cứng sau trạm bơm điện.
Hệ thống các công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã được đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh từ công trình đầu mối đến mặt ruộng, năng lực thiết kế công trình cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn.
Tuy nhiên, do các công trình được xây dựng đã lâu, sau thời gian dài đưa vào vận hành khai thác thì đã bị xuống cấp. Hệ thống kênh chủ yếu là kênh đất thường xuyên bị bồi lắng, tình trạng lấn chiếm kênh gây ách tắc dòng chảy, hạn chế khả năng dẫn và trữ nước thường xuyên xảy ra.
Trong đợt mưa bão vừa qua, do cường độ bão mạnh kết hợp với hoàn lưu sau bão lớn đã dẫn đến việc tiêu thoát nước kém. Tuy nhiên, với việc dự báo chính xác và chủ động “từ sớm, từ xa”, ngay khi trận bão đổ bộ, Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai Hải Phòng đã chỉ đạo các đơn vị quản lý công trình thủy lợi vận hành hiệu quả tối đa các công trình.
Theo kết quả đánh giá chất lượng công trình đê điều trước mùa mưa bão xác định trên địa bàn thành phố có hơn 60km đê kém an toàn, 80 cống kém an toàn, 57 cống xung yếu.
Theo đó, tranh thủ thủy triều xuống thấp, các công trình đầu mối tiêu úng đã được vận hành để tiêu thoát nước, đảm bảo không gây thiệt hại đối với hơn 20.000ha lúa. Tuy nhiên, để đảm bảo các công trình thủy lợi thích ứng hiệu quả với tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nước mùa khô hay bảo vệ nguồn nước, tiêu thoát nước trong mùa mưa để đảm bảo sản xuất nông nghiệp và dân sinh bền vững, các cấp ngành cần đưa ra những kế hoạch dài hạn.
Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Đoàn Văn Ban, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai Hải Phòng cho biết: “Chúng tôi xác định trong thời gian tới đây sẽ có 2 tình huống thiên tai cần quan tâm. Đó là xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu, nước biển dâng và lượng mưa trong khu vực thấp, dòng chảy đến sông thấp và việc khai thác nước cung cấp hệ thống thủy lợi khó khăn; bão và áp thấp nhiệt đới, lũ kết hợp triều cường dẫn đến khó khăn trong việc bảo đảm an toàn công trình đê điều, thủy lợi. Trước tình hình đó, chúng tôi đã đề xuất, báo cáo với UBND thành phố Hải Phòng và xây dựng, ban hành các phương án”.
Đối với nhóm giải pháp quản lý, đề nghị các công ty vận hành hệ thống thủy lợi cần điều chỉnh quy trình vận hành, đảm bảo thích ứng điều kiện nguồn nước hiện nay khi tình hình xâm nhập mặn gia tăng và tiêu thoát nước. Cùng với đó, các công ty vận hành hệ thống thủy lợi cần phối hợp với địa phương để xây dựng phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ công trình thủy lợi và thực hiện cắm mốc, từ đó tạo cơ sở pháp lý cho việc ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, ảnh hưởng đến công trình thủy lợi.
Về giải pháp đối với các công trình, theo ông Đoàn Văn Ban cần tập trung vào 3 nhiệm vụ chính. Thứ nhất, đầu tư xây dựng, cải tạo công trình đầu mối dưới nước với mục tiêu tăng thời gian lấy nước và chủ động nước trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Thứ 2 đầu tư các công trình tăng khả năng trữ nước của hệ thống thủy lợi.
Cuối cùng là bảo vệ nguồn nước, đề xuất xây dựng tuyến kênh thu gom nước thải trước mắt là tiêu thoát ra khu vực không có nhiệm vụ cấp nước sinh hoạt. Về lâu dài cần đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho các khu dân cư tập trung, làng nghề, đặc biệt đối với hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ của doanh nghiệp thì bắt buộc có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn.
Để đảm bảo tiêu thoát nước, cần tách riêng hệ thống tiêu thoát nước tại khu công nghiệp với khu dân cư. Bởi lẽ khu công nghiệp có cao độ nền cao hơn khu dân cư, dẫn đến tiêu thoát nước kịp cho khu công nghiệp thì gây ngập úng cho khu dân cư hoặc các khu sản xuất khác.