Hải sản tăng giá do nguồn cung khan hiếm. Lạng Sơn vẫn thông quan nhưng số lượng hạn chế. Hà Nội chi 1.760 tỷ đồng cơ giới hóa nông nghiệp. Argentina tạm dừng xuất khẩu đậu nành.
HẢI SẢN TĂNG GIÁ DO NGUỒN CUNG KHAN HIẾM
Giá xăng, dầu liên tục tăng cao khiến nhiều chủ tàu dè dặt ra khơi, gây áp lực lớn lên giá các mặt hàng thủy hải sản do thiếu nguồn cung. Có thể kể đến như: cá thu 300.000-350.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 65.000đồng/kg so với thời điểm trước Tết nguyên đán. Cá bạc má 150.000 đồng/kg, tăng 50.000 đồng/kg. Ghẹ xanh có giá 600.000-700.000 đồng/kg, tăng 200.000 đồng/kg. Mực 250.000 - 300.000 đồng/kg tăng tới 65.000 đồng/kg. Khảo sát của Chi cục thuỷ sản Kiên Giang cho thấy trong tổng số gần 4.000 tàu cá đánh bắt xa bờ có chiều dài từ 15m trở lên của địa phương này thì có tới hơn 900 tàu cá nằm bờ và khoảng 300 tàu nằm bờ dài hạn. Còn tại tỉnh Thanh Hóa, hiện có khoảng 1.200 tàu không hoạt động khai thác thủy hải sản; trong đó có 555 phương tiện đánh bắt xa bờ, chiếm gần một nửa tàu đánh bắt xa bờ toàn tỉnh. Bình Thuận hiện có khoảng 2.000 tàu đánh bắt xa bờ. Sau khi giá xăng dầu liên tục đạt đỉnh, thống kê có khoảng 50% tàu nằm bờ. Bên cạnh đó, nguồn lợi thủy hải sản trong thời gian qua đang suy giảm, chưa có dấu hiệu phục hồi mạnh nên một số chủ tàu còn e ngại hoạt động khai thác trong một số thời điểm nguồn lợi thủy sản không dồi dào như hiện nay.
LẠNG SƠN VẪN THÔNG QUAN NHƯNG SỐ LƯỢNG HẠN CHẾ
Thời gian qua, xuất hiện thông tin hoạt động thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu tại 3 cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma đồng loạt tạm dừng. Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, Lạng Sơn khẳng định thông tin trên là không chính xác. Bởi hiện tại 3 cửa khẩu đường bộ này vẫn thực hiện thông quan hàng hóa bình thường. Song hiệu suất thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, nhất là hàng xuất khẩu còn rất hạn chế. Trung bình mỗi ngày, chỉ thông quan được khoảng 20 xe chở hàng hóa xuất khẩu. Đáng chú ý, thống kê trong ngày 13/3, năng lực xuất khẩu tại cửa khẩu phụ Tân Thanh là 22 xe, cửa khẩu song phương Chi Ma xuất khẩu 1 xe. Thậm chí cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị không xuất được xe nào.
HÀ NỘI CHI 1.760 TỶ ĐỒNG CƠ GIỚI HÓA NÔNG NGHIỆP
Nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng mỗi năm từ 2,5 - 3% trong giai đoạn 2022 – 2025, thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp với tổng kinh phí đầu tư cơ giới hóa dự kiến hơn 1.760 tỷ đồng. Đối tượng và điều kiện áp dụng là các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi mua các loại máy móc, thiết bị cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nội dung và mức hỗ trợ gồm: 100% phí quản lý, 100% lãi suất theo mức lãi suất của Ngân hàng NN&PTN, mức vay được hỗ trợ tối đa 100% giá trị sản phẩm. Ngân sách thủ đô sẽ hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thông qua hợp đồng vay vốn của Quỹ khuyến nông, vay vốn của ngân hàng thương mại. Các hợp đồng sẽ được UBND cấp huyện phê duyệt và UBND cấp xã xác nhận.
ARGENTINA TẠM DỪNG XUẤT KHẨU ĐẬU NÀNH
Chính phủ Argentina vừa ra quyết định tạm dừng hoạt động xuất khẩu dầu đậu nành và bột đậu nành, Quyết định của Argentina, quốc gia xuất khẩu các sản phẩm đậu nành hàng đầu thế giới, có thể sẽ làm chao đảo thị trường đậu nành thế giới, vốn đã chứng kiến giá cả tăng vọt sau khi Nga tấn công Ukraine. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, cArgentina được dự báo sẽ chiếm 41% lượng xuất khẩu bột đậu nành toàn cầu và 48% sản lượng xuất khẩu dầu đậu nành thế giới trong niên vụ 2021-22. 2021 là năm đầu tiên trị giá nhập khẩu đậu nành của Việt Nam vượt mốc 1 tỷ USD, quyết định trên được dự báo sẽ gây ảnh hưởng lớn tới nguồn cung và giá thành mặt hàng này đối với các quốc gia Đông Nam Á, vốn phụ thuộc nhiều vào các nhà cung tới từ Nam Mỹ.