43% diện tích đất bị thoái hóa là đất nông nghiệp. Xuất khẩu sang Mỹ tạo động lực lớn cho ngành gỗ tăng trưởng. Gần 100% diện tích lúa ở Đồng Tháp được cơ giới hóa. Đắk Nông công nhận 3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo số liệu điều tra của Bộ Tài Nguyên và Môi trường năm 2019, tổng diện tích đất bị thoái hóa cả nước là khoảng 11,8 triệu ha (chiếm 35,7% tổng diện tích tự nhiên). Trong đó, khoảng 43% diện tích đất bị thoái hóa là đất sản xuất nông nghiệp và 42% diện tích bị thoái hóa là đất lâm nghiệp.
Dù chưa phải xếp vào quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng về suy thoái đất và khô hạn, nhưng Việt Nam đã sớm nhận diện nguy cơ, có biện pháp thích ứng chủ động với mục tiêu đến năm 2030, chương trình hành động quốc gia sẽ khoanh vùng và định vị các khu vực đất bị sa mạc hoá theo các vùng kinh tế - xã hội, theo các nguyên nhân. Giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa, bảo đảm tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42-43%, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, năng suất và hiệu quả rừng trồng và các hệ thống nông lâm kết hợp để giảm thiểu lượng bốc thoát hơi tiềm năng vào mùa khô. Định hướng đến năm 2050, tổng diện tích đất bị thoái hoá không vượt quá 30% tổng diện tích đất tự nhiên toàn quốc.
XUẤT KHẨU SANG MỸ TẠO ĐỘNG LỰC LỚN CHO NGÀNH GỖ TĂNG TRƯỞNG
Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 11 tháng năm 2024 đã đạt 14,6 tỉ USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ chiếm phần lớn với 10,06 tỉ USD, tăng 22%. Những tín hiệu khởi sắc từ thị trường quốc tế, đặc biệt là Mỹ, đang tạo động lực lớn cho sự tăng trưởng của ngành gỗ Việt Nam.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm có thể đạt trên 16,2 tỉ USD. Trong đó, riêng thị trường Mỹ chiếm đến 56% tổng kim ngạch, tức gần 9 tỉ USD. Đồng thời, nhập khẩu từ Mỹ khoảng 230 triệu USD, cho thấy ngành gỗ đã xuất siêu khoảng 8,8 tỷ USD sang thị trường này. Điều này khẳng định Mỹ vẫn là thị trường quan trọng hàng đầu của ngành gỗ Việt Nam.
GẦN 100% DIỆN TÍCH LÚA Ở ĐỒNG THÁP ĐƯA CƠ GIỚI HÓA VÀO SẢN XUẤT
Tại tỉnh Đồng Tháp, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp đang có bước phát triển mạnh với gần 100% diện tích lúa đưa cơ giới hóa vào sản xuất; trong đó, cơ giới hóa 100% diện tích khâu làm đất; 100% diện tích sản xuất được bơm tưới chủ động bằng trạm bơm điện hoặc máy dầu; có 100% diện tích được phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy; có 100% diện tích sản xuất thu hoạch bằng máy và diện tích gieo sạ lúa bằng máy đạt hơn 90%.
Cùng với đó, số lượng máy móc trên địa bàn cũng đa dạng, đáp ứng yêu cầu hầu hết các khâu trước, trong và sau thu hoạch với hơn 2.100 máy cày, trên 3.800 máy xới các loại, hơn1.600 máy gặt đập liên hợp, 1.153 máy sạ hàng - phun xịt, 1.580 trạm bơm, hơn 100 máy cấy, 69.260 máy phun thuốc trừ sâu có động cơ.... góp phần giảm sức lao động, tiết giảm chi phí đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, tăng hiệu quả kinh tế.
ĐẮK NÔNG CÔNG NHẬN 3 VÙNG NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO
UBND tỉnh Đắk Nông vừa ban hành các quyết định công nhận 3 vùng sản xuất nông sản tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao tại 3 địa phương trong tỉnh.
Cụ thể, 3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận kỳ này là vùng sản xuất xoài xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil; vùng sản xuất cà phê xã Nam Nung, huyện Krông Nô; và vùng sản xuất cà phê xã Nam Bình, huyện Đắk Song. Tổng diện tích của 3 vùng gần 1.150 ha với 6 hợp tác xã, tổ hợp tác và hơn 650 hộ dân tham gia.
Đây được coi là một cơ sở quan trọng để các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân liên quan đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nhằm gia tăng giá trị sản phẩm và hiệu quả kinh tế.