Giá cá tra nguyên liệu tăng. Thành lập thành phố Đông Triều thuộc tỉnh Quảng Ninh. Không xuống giống vụ đông xuân muộn ở vùng bị xâm nhập mặn. Nông nghiệp Quảng Trị tăng trưởng cao hơn kế hoạch.
GIÁ CÁ TRA NGUYÊN LIỆU TĂNG
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, giá cá tra nguyên liệu tại một số địa phương hiện ở mức 31.000 - 31.500 đồng/kg (loại 0,7 - 1kg), tăng 1.000 đồng/kg so với tháng trước. Trong khi đó, chi phí trung bình để sản xuất 1kg cá nguyên liệu khoảng 26.374 đồng/kg, với mức giá này người nuôi có lãi. Nguyên nhân khiến giá cá tra tăng do tình hình tiêu thụ cá tra khởi sắc vào dịp cuối năm.
Năm 2024 vừa qua, vượt qua trở ngại về chi phí vận tải và giá nhập khẩu phục hồi chậm, ngành cá tra đã đạt kim ngạch xuất khẩu 2 tỷ USD, tăng 9% so với năm trước. Các thị trường truyền thống như Mỹ, Brazil, Colombia và các quốc gia CPTPP là "bệ đỡ" quan trọng cho sự phục hồi này.
THÀNH LẬP THÀNH PHỐ ĐÔNG TRIỀU THUỘC TỈNH QUẢNG NINH
Tiến Thành sản xuất
Tối qua, ngày 1/1/2025, tại Quảng trường trung tâm Thành Phố Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) đã diễn ra Lễ Công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập TP Đông Triều và đón nhậnHuân chương Lao động hạng Nhất.
Thành Phố Đông Triều là địa phương trọng điểm nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh với nhiều vùng canh tác lúa, hoa màu tập trung, các vùng cây ăn quả đặc sản… Các cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm cũng được quan tâm, tạo nên những kết quả nổi bật của thành phố trẻ Đông Triều.
Đặc biệt, Đông Triều về đích huyện nông thôn mới đầu tiên của miền Bắc từ năm 2015. Năm 2020, 100% số xã của Đông Triều về đích nông thôn mới nâng cao và tiếp tục hành trình nâng chất, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt hơn 163 triệu đồng, gấp 1,6 lần trung bình cả nước.
KHÔNG XUỐNG GIỐNG VỤ ĐÔNG XUÂN MUỘN Ở VÙNG BỊ XÂM NHẬP MẶN
Trước tình trạng độ mặn tăng nhanh và nước mặn dự báo sẽ xâm nhập sâu vào nội đồng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng đã ra thông báo chủ động phòng chống hạn, mặn mùa khô năm 2025. Theo đó, đơn vị này, đề nghị các trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác theo dõi tình hình xâm nhập mặn. Đặc biệt, thường xuyên kiểm tra độ mặn của nguồn nước, thông tin kịp thời đến địa phương và người dân biết để chủ động trong việc lấy nước tưới tiêu và khuyến cáo bà con nông dân không xuống giống vụ lúa đông xuân muộn đối với các vùng ảnh hưởng khi mặn xâm nhập như Long Phú, Trần Đề, Mỹ Xuyên và TP Sóc Trăng.
Đối với vùng trồng cây ăn trái, cần xây dựng kế hoạch nạo vét hệ thống kênh, mương để nâng cao lưu lượng tích trữ nước ngọt; kiểm tra, gia cố bờ bao, cống, bọng, tránh bị nước mặn rò rỉ vào mương. Bên cạnh đó, bà con cần đo độ mặn cẩn thận trước mỗi lần lấy nước, tuyệt đối không tưới nước có độ mặn cho cây ăn trái. Không tiến hành rải vụ, trồng mới trong thời gian hạn hán, nguồn nước ngọt không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây.
NÔNG NGHIỆP QUẢNG TRỊ TĂNG TRƯỞNG CAO HƠN KẾ HOẠCH
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Quảng Trị, năm 2024, tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản của tỉnh đạt 3,37% cao hơn kế hoạch 0,37%. Sản lượng lương thực ước đạt 31,13 vạn tấn, tăng 5.564,3 tấn so với cùng kỳ năm 2023, vượt 11,17% kế hoạch năm.
Với những nỗ lực trong liên kết với các doanh nghiệp để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, đến nay, diện tích cây trồng liên kết và tiêu thụ sản phẩm trong toàn tỉnh đã đạt hơn 8.100 ha, từ đó giúp nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản và tạo đầu ra ổn định cho nông dân.
Ngành chăn nuôi phát triển tốt, dịch bệnh được kiểm soát, giá sản phẩm chăn nuôi tăng đã khuyến khích người chăn nuôi tăng tổng đàn. Đến nay có 699 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó 135 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, liên kết với các doanh nghiệp. Phương thức chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng trang trại công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao và an toàn sinh học.