Gần 800 doanh nghiệp thủy sản được phép xuất khẩu vào Đài Loan - Trung Quốc. Giá quýt đường Lai Vung đạt mức cao nhất trong năm. Bình Thuận không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Trà Vinh khuyến khích phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái.
GẦN 800 DOANH NGHIỆP THỦY SẢN ĐƯỢC PHÉP XUẤT KHẨU VÀO ĐÀI LOAN - TRUNG QUỐC
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan - TFDA mới đây có văn bản gửi Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc thông báo về việc phê chuẩn danh sách các doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Đài Loan. Theo đó, trên cơ sở đề nghị của phía Việt Nam, sau khi rà soát, thẩm định, TFDA đã cấp phép cho 794 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam được xuất khẩu thủy sản vào Đài Loan kể từ ngày 11/12/2024. Như vậy, sau khi Việt Nam vượt qua bài kiểm tra đánh giá thực địa hệ thống kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm ngành thủy sản, lượng doanh nghiệp thủy sản Việt Nam được cấp phép xuất khẩu thủy sản vào Đài Loan đã tăng lên nhanh chóng. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam gia tăng xuất khẩu thủy sản vào thị trường này, bởi chỉ có các doanh nghiệp được TFDA cấp phép mới được xuất khẩu vào Đài Loan.
GIÁ QUÝT ĐƯỜNG LAI VUNG ĐẠT MỨC CAO NHẤT TRONG NĂM
Lê Hoàng Vũ SX
Những ngày này, bà con trồng quýt đường ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp vô cùng phấn khởi khi giá quýt được thương lái thu mua với mức cao, từ 30.000 đồng đến 32.000 đồng/ kg tuỳ chất lượng. Đây là mức giá cao nhất từ đầu năm đến nay bởi có thời điểm trong năm giá quýt đường chỉ bằng một nửa so với hiện tại. Nhiều thương lái lý giải, giá quýt đường tăng cao thời điểm này là do nguồn cung khan hiếm vì đa số nông dân tập trung xử lý trái vào đợt Tết. Thêm vào đó, năm nay, thời tiết không thuận lợi nên sản lượng các vườn quýt đều giảm dẫn đến cung không đủ cầu.
Bên cạnh sản phẩm nổi tiếng là quýt hồng thì quýt đường cũng là một trong những sản phẩm đặc trưng của huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Nếu như quýt hồng, mỗi năm chỉ cho một vụ vào đúng mùa Tết. Thì quýt đường ở đây được bà con xử lý cho trái quanh năm để bán. Nhiều nhà vườn còn sáng tạo trồng xen canh giữa quýt đường với quýt hồng với hình thức lấy ngắn nuôi dài, mang về thu nhập đáng kể.
BÌNH THUẬN KHÔNG CÓ TÀU CÁ VI PHẠM VÙNG BIỂN NƯỚC NGOÀI
Sở NN-PTNT Bình Thuận vừa có báo cáo gửi Bộ NN-PTNT về thực hiện công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn.
Theo đó, để ngăn chặn triệt để tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, tỉnh đã lập danh sách đưa vào theo dõi, quản lý 173 tàu cá nguy cơ cao và phân công hơn 100 cán bộ, chiến sĩ, đảng viên trên địa bàn phụ trách theo dõi, giám sát, kịp thời ngăn chặn không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Các đơn vị tổ chức trực 24/24 tại Trung tâm giám sát tàu cá để theo dõi, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển, kịp thời cảnh báo, phát hiện, ngăn chặn tàu cá vượt ranh giới vi phạm trái phép vùng biển nước ngoài. Từ tháng 2/2023 đến 20/12/2024, chưa phát hiện tàu cá của tỉnh Bình Thuận vi phạm vùng biển nước ngoài.
TRÀ VINH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN CÁC MÔ HÌNH NÔNG NGHIỆP SINH THÁI
Sở NN-PTNT Trà Vinh cho biết, năm 2024, tỉnh Trà Vinh có hàng nghìn hộ nông dân ở các vùng ven biển và tại vùng nước lợ trong tỉnh phát triển sản xuất hơn 5.750 ha mô hình rừng – tôm và 5.600 ha lúa – thủy sản. Mô hình này cho sản phẩm sạch, nâng cao giá trị, đem lại thu nhập ổn định cho nông dân mức bình quân khoảng 100 - 120 triệu đồng/ha/năm. Đây còn là mô hình sản xuất phù hợp với những hộ nông dân không đủ điều kiện về nguồn vốn đầu tư nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện, ngành nông nghiệp tỉnh này đang vận động, khuyến khích nông dân trong tỉnh tiếp tục giữ vững diện tích hơn 11.350 ha mô hình sản xuất rừng - tôm, lúa - thủy sản trong năm 2025 để đáp ứng mục tiêu sản xuất bền vững vừa đem lại mức thu nhập cao về giá trị sản phẩm, vừa tạo sự bền vững hệ sinh thái vùng ngập mặn của tỉnh.