Phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 4,5-5,0% năm 2025. Xây dựng nông thôn mới khu vực ven biển trở thành nơi đáng sống. Nông dân Quảng Bình dầm mưa, gieo sạ vụ đông xuân sớm. Kiên Giang: Ngó riềng được giá, đồng bào Khmer phấn khởi.
PHẤN ĐẤU TỐC ĐỘ TĂNG GIÁ TRỊ SẢN XUẤT LÂM NGHIỆP ĐẠT 4,5-5,0% NĂM 2025
Theo Cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT, Năm 2024, ngành lâm nghiệp gặp nhiều thách thức, ngoài bão số 3, người làm rừng vấp phải biến đổi khí hậu bất thường, nguy cơ cháy rừng luôn ở mức cao. Đây là tác nhân gây ra những đợt cháy rừng thiệt hại cả về người và của. Một số địa phương vẫn tồn tại các điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ. Ngoài ra, công tác trồng rừng phòng hộ, đặc dụng gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, nhờ sự nỗ lực của toàn ngành, lâm nghiệp trong năm 2024 vẫn đảm bảo hoàn thành tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ được giao
Năm 2025, ngành lâm nghiệp phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định 42,02%; tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 4,5-5,0%; trồng rừng tập trung 250.000 ha, trong đó rừng phòng hộ, đặc dụng 5.000 ha; trồng 140 triệu cây phân tán; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 22,5 triệu m3; thu dịch vụ môi trường rừng 3.200 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu lâm sản 17,5 tỷ USD.
XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KHU VỰC VEN BIỂN TRỞ THÀNH NƠI ĐÁNG SỐNG
Theo nhận định của Bộ NN-PTNT, tình trạng khai thác thủy sản quá lớn tác động đến nguồn lợi thủy sản đang là thực trạng tại nhiều địa phương ven biển hiện nay. Khai thác thủy sản ven bờ không được tổ chức hợp lý sẽ dẫn đến nguồn lợi thủy sản tiếp tục suy giảm. Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hướng đến mục tiêu năm 2030, cả nước còn khoảng 83.600 tàu cá.
Để đạt mục tiêu đề ra, cần đảm bảo lộ trình giảm số lượng tàu cá và chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái biển. Trong đó, việc chuyển đổi nghề, tạo sinh kế bền vững cho ngư dân ven biển là chủ trương lớn. Để chuyển đổi nghề hiệu quả cho ngư dân cần có sự tham gia, góp ý của người dân với mục tiêu tạo việc làm, có thu nhập bền vững và cần có sự chung tay của lãnh đạo chính quyền địa phương cũng như cộng đồng để xây dựng nông thôn mới ven biển trở thành nơi đáng sống.
NÔNG DÂN QUẢNG BÌNH DẦM MƯA, GIEO SẠ VỤ ĐÔNG XUÂN SỚM
Tâm Phùng- Tâm Đức sản xuất
Vụ đông xuân năm nay, tỉnh Quảng Bình gieo cấy trên 29 ngàn ha. Các giống lúa thuần cơ cấu chính như VNR20, Hà Phát 3, P6, HN6, QS88, PC6, QC03, VN20... Theo ngành NN-PTNT, lịch thời vụ gieo các giống ở những trà sớm bắt đầu từ 25/12 và những trà muộn chậm nhất đến ngày 25/1/2025.
Do ảnh hưởng không khí lạnh nên đã xảy ra mưa lạnh kéo dài từ giữa tháng 12 đến nay, làm ảnh hưởng lớn đến việc gieo trồng của bà con nông dân. Trong mưa lạnh, nông dân các xã Hàm Ninh, Tân Ninh, Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), vẫn tranh thủ làm đất, gieo sạ, bón phân… để đảm bảo đúng lịch thời vụ.
KIÊN GIANG: NGÓ RIỀNG ĐƯỢC GIÁ, ĐỒNG BÀO KHMER PHẤN KHỞI
Văn Vũ sản xuất
Vài năm trở lại đây, một số hộ đồng bào dân tộc Khmer ở xã Bàn Thạch (huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) có sáng kiến tận dụng đất vườn trống để trồng cây riềng lấy ngó non bán, đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân địa phương.
Theo người dân, cây riềng chỉ cần chiết củ rồi cắm vào đất là có thể sinh sôi, phát triển. Riềng trồng khoảng 7-8 tháng là có thể thu hoạch lấy ngó. Lúc này cứ cách 5-10 ngày thì lấy ngó 1 lần, với giá bán ngó riềng 120.000-140.000 đồng/kg, người dân thu nhập khoảng 1 triệu đồng. Với diện tích 250m2 người dân thu nhập vài chục triệu đồng mỗi vụ.
Ông Đinh Quốc Đoàn, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang cho biết, đầu năm 2023 đến nay, khi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, ngó riềng được thương lái thu mua cung ứng cho các nhà hàng , giúp tăng thu nhập cho người dân. Hướng tới huyện tiếp tục tập huấn cho bà con có thể quảng bá cũng như thực hiện bán hàng online để thương hiệu vươn xa hơn.