Không cho tàu cá rời cảng khi không đủ điều kiện an toàn. Thu hoạch cà phê diễn ra chậm do thời tiết. Trái cây Tây Nam bộ vào vụ Tết. Nước khe Rào Trường lại bị ô nhiễm.
KHÔNG CHO TÀU CÁ RỜI CẢNG KHI KHÔNG ĐỦ ĐIỀU KIỆN AN TOÀN
Bộ NN-PTNT vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển về việc tăng cường quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản. Trong đó, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ven biển tăng cường kiểm tra các tàu cá khi rời cảng đi hoạt động trên biển, đảm bảo các tàu cá phải được đăng kiểm, phải có đầy đủ trang thiết bị an toàn cho thuyền viên, người lao động trên tàu; trang bị đầy đủ thiết bị phòng chống cháy nổ. Kiên quyết không cho tàu cá rời cảng nếu không trang bị đủ điều kiện an toàn theo các quy định của pháp luật.
Các tỉnh, thành phố kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký thuyền viên tàu cá, việc thay đổi thuyền viên, người lao động trên các tàu cá theo chuyến biển. Các thuyền viên, người lao động phải đảm bảo các quy định về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật; không sử dụng lao động trẻ em trên các tàu cá. Yêu cầu các chủ tàu cá mua bảo hiểm tai nạn và các loại bảo hiểm bắt buộc khác cho thuyền viên và người làm việc trên tàu cá theo quy định.
THU HOẠCH CÀ PHÊ DIỄN RA CHẬM DO THỜI TIẾT
Theo Hiệp hội Cà phê Việt Nam - Vicofa, việc thu hoạch cà phê niên vụ 2024 - 2025 đang diễn ra chậm hơn so với các năm trước. Nguyên nhân chính là do thời tiết không thuận lợi, đặc biệt là mưa trái mùa. Điều này có thể ảnh hưởng đến tiến độ và sản lượng cà phê cuối cùng của mùa vụ. Sản lượng cà phê niên vụ 2024 - 2025 của Việt Nam dự kiến đạt 28 triệu bao, tăng 1 triệu bao so với dự báo trước đó.
Còn Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ - USDA, sản lượng cà phê Việt Nam có thể đạt 30,1 triệu bao, bao gồm 29 triệu bao Robusta và 1,1 triệu bao Arabica. Con số này cao hơn so với niên vụ 2023 - 2024 (27,5 triệu bao).
USDA cũng dự đoán rằng, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2024 - 2025 sẽ đạt khoảng 26,92 triệu bao, tăng so với 24,4 triệu bao của niên vụ trước. Điều này cho thấy nhu cầu cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế vẫn đang tăng trưởng.
TRÁI CÂY TÂY NAM BỘ VÀO VỤ TẾT
được mệnh danh là 'vương quốc trái cây', chiếm 70% sản lượng cây ăn quả cả nước, trong đó có nhiều loại trái ngon, đặc sản có lợi thế cạnh tranh Thời điểm này, nhà vườn các tỉnh miền Tây Nam Bộ đang bước vào giai đoạn “nước rút” để chuẩn bị nguồn hàng nông sản chất lượng cao, hình dáng đẹp cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Đơn cử như tại tỉnh Long An, nông dân trong tỉnh đang tất bật chăm sóc khoảng 2.000 ha xoài, bưởi, khóm, dưa hấu... để cung ứng dịp Xuân Ất Tỵ 2025, với sản lượng khoảng 20.000 tấn quả. Trong các loại trái cây, dưa hấu có diện tích trồng nhiều nhất với khoảng 1.000 ha. Thời điểm này, dưa hấu trên thị trường có giá khoảng 8.000 đồng/kg tại ruộng. Dự báo trong dịp Tết, dưa hấu sẽ tăng lên 10.000-11.000 đồng/kg. Người trồng sẽ thu lợi nhuận hơn 60 triệu đồng/ha.
NƯỚC KHE RÀO TRƯỜNG LẠI BỊ Ô NHIỄM
Võ Dũng thực hiện
Sáng 30/12, một số người dân đã phát trực tiếp lên mạng xã hội tình trạng dòng nước khe Rào Trường tại thôn Rào Trường, xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị chuyển thành màu đen, bốc mùi hôi thối.
Vùng thượng nguồn khe Rào Trường có 2 trang trại lợn công nghệ cao, hiện nuôi khoảng 20 nghìn con lợn thịt.
Vào cuối năm 2023 và đầu tháng 4/2024, một trong hai trại lợn này đã nhiều lần xả thải nguồn nước không đảm bảo ra môi trường khiến dòng suối bị ô nhiễm, cá chết nổi trắng dòng. Thời điểm đó, UBND tỉnh Quảng Trị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Phạm Ngọc Lợi, chủ trang trại nuôi lợn công nghệ cao ở thượng nguồn khe Rào Trường số tiền 155 triệu đồng.
Ngày 30/12/2024, sau khi nhận được thông tin từ người dân, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường, lấy mẫu nước trên đem đi kiểm nghiệm.