Xuất khẩu thủy sản về đích 10 tỷ USD. Khoảng 1.200 HTX tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn. Phục hồi sau bão Yagi theo 3 trụ cột chính. Giá dừa khô nguyên liệu tăng gấp đôi.
XUẤT KHẨU THỦY SẢN VỀ ĐÍCH 10 TỶ USD
Theo thông tin mới đây từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, dù đối mặt với nhiều thách thức về thị trường, logistics cũng như nguồn nguyên liệu chế biến, xuất khẩu thuỷ sản năm 2024 vẫn về đích ấn tượng với 10 tỷ USD. Theo đó, hai mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra đóng góp đến 60% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó, xuất khẩu tôm đạt 4 tỷ USD, tăng 16,7%; cá tra mang về 2 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, năm 2025 đặt ra những thách thức mới đối với ngành thủy sản. Tuy nhiên, cũng có những tín hiệu lạc quan như: nguồn nguyên liệu được cải thiện và thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Đặc biệt, các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam ngày càng thể hiện rõ năng lực, trình độ chế biến sâu, sản phẩm chất lượng cao. Đó là những nền tảng giúp ngành thủy sản Việt Nam sẽ vượt qua mốc 10 tỷ USD trong năm 2025, và tiến tới mục tiêu 11 tỷ USD.
KHOẢNG 1.200 HTX THAM GIA HOẠT ĐỘNG DU LỊCH NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN
Theo Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), tính đến nay, cả nước có khoảng 21.700 Hợp tác xã nông nghiệp. Trong đó có 14.300 HTX, tương đương trên 65% hoạt động hiệu quả. Có 101 Liên hiệp HTX Nông nghiệp và 36.000 tổ hợp tác nông nghiệp. Trong đó có gần 2.500 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số; trên 4.300 HTX tham gia bao tiêu nông sản cho thành viên. Trên 2.100 HTX nông nghiệp có các sản phẩm OCOP, chiếm gần 40% số chủ thể sản phẩm OCOP được công nhận. Có khoảng 1.200 HTX đã tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn.
PHỤC HỒI SAU BÃO YAGI THEO 3 TRỤ CỘT CHÍNH
Theo Báo cáo đánh giá đa ngành phục hồi sau bão Yagi do các bộ, ngành Việt Nam và các cơ quan Liên hợp quốc, các tổ chức phi Chính phủ thực hiện, tổng nhu cầu khắc phục sau bão từ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn - 5 năm mà Việt Nam cần là gần 54.000 tỷ đồng. Trong đó, nhóm cơ sở hạ tầng cần lớn nhất với hơn 22.000 tỷ; nhóm sản xuất gần 16.000 tỷ; nhóm vấn đề xuyên suốt chủ yếu là việc làm hơn 8.200 tỷ. Đơn vị lập báo cáo khuyến nghị Việt Nam phục hồi theo 3 trụ cột chính: Khôi phục kinh tế cộng đồng và sinh kế của người dân; tăng cường khả năng chống chịu của chính phủ và cộng đồng trước thiên tai tương tự; tích hợp phương pháp "Xây dựng lại tốt hơn" trong thực hiện phục hồi và tái thiết.
GIÁ DỪA KHÔ NGUYÊN LIỆU TĂNG GẤP ĐÔI
Giá dừa khô nguyên liệu tại tỉnh Bến Tre hiện tăng tới 130.000 - 140.000 đồng/chục - 12 trái, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Với giá ổn định như hiện nay, giúp nông dân có thêm thu nhập trước mắt, đón Tết sung túc hơn. Bên cạnh đó, có thêm chi phí đầu tư cho cây dừa.
Theo thương lái thu mua dừa tại Bến Tre, giá dừa tăng do thị trường trong nước tiêu thụ mạnh, nhất là cây dừa khô nguyên liệu sử dụng rất lớn trong sản xuất bánh kẹo vào dịp Tết. Cùng với đó, cây dừa đang vào mùa nghịch vụ, sản lượng giảm, các nơi cần nguồn dừa khô nguyên liệu cho đợt sản xuất.
Sở NN-PTNT Bến Tre cho biết, toàn tỉnh có hơn 80.000 ha dừa; trong đó dừa khô nguyên liệu chiếm hơn 80%. Hiện, giá thu mua dừa tăng giúp nông dân có điều kiện thu nhập tăng, người dân sẽ chủ động hơn trong sản xuất khi ứng phó đợt hạn mặn sắp đến. Ngành chức năng các địa phương đang tích cực hỗ trợ người dân ứng dụng phương án phù hợp điều kiện sản xuất.