Các cửa khẩu sôi động trong ngày đầu năm. TP Hồ Chí Minh khẩn trương xây dựng sàn giao dịch thịt heo. Trồng mít ruột đỏ lợi nhuận cao. Vườn tùng trăm tuổi giữa lòng thành phố.
CÁC CỬA KHẨU SÔI ĐỘNG TRONG NGÀY ĐẦU NĂM
Theo đại diện Ban quản lý Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, tính đến 10 giờ sáng hôm qua ngày 1/1/2025, có 25 xe hàng chở 137 tấn các loại hàng tạm nhập khẩu qua lối mở cầu phao Km3+4 Hải Yên. Cũng tại lối mở, có 61 phương tiện chở gần 1.400 tấn hàng hóa xuất khẩu, trong đó có 880 tấn hoa quả; 470 tấn thủy sản đông lạnh và 18 tấn hải sản tươi sống. Tại Cửa khẩu cầu Bắc Luân II có 70 người xuất cảnh, 40 xe chở hơn 240 tấn hàng đông lạnh xuất khẩu theo hình thức thông quan hẹn trước.
Cùng với sự sôi động tại các cửa khẩu, trên mặt trận sản xuất, mặc dù trong ngày nghỉ Tết dương lịch, song nhiều doanh nghiệp vẫn tổ chức hoạt động sản xuất với khí thế khẩn trương, sôi nổi. Điều này thể hiện quyết tâm, kỳ vọng của người lao động, của doanh nghiệp về năm mới 2025 thành công, thắng lợi.
UBND TP. Hồ Chí Minh vừa giao Sở Công Thương TP chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu cho UBND thành phố cũng như đẩy nhanh tiến độ xây dựng sàn giao dịch thịt heo; Sở An toàn thực phẩm chủ trì, tham mưu việc thực hiện xã hội hóa công tác truy xuất nguồn gốc, khuyến khích doanh nghiệp và cá nhân tham gia vào hệ thống truy xuất nguồn gốc, nâng cao nhận thức và trách nhiệm xã hội trong việc cung cấp thực phẩm an toàn.
Theo thống kê từ cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh, mỗi ngày thành phố sẽ tiêu thụ 10.000 con heo. Trong khi đó, 50 cơ sở giết mổ công nghiệp hiện tại trên địa bàn cũng chỉ cung cấp cho thành phố 5.500 con heo/ngày. Đây là lượng heo được kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, an toàn thực phẩm. Số heo còn lại 4.500 con được các tỉnh thành khác xung quanh đưa về. Tuy nhiên, hiện tại, TP. Hồ Chí Minh mới phối hợp làm việc với một số tỉnh xây dựng 34 chuỗi cung ứng thịt heo, giải quyết được gần 1.500 con heo. Như vậy, vẫn còn lượng thịt heo tương đương 3.000 con chưa được kiểm soát lưu thông trên thị trường…
TRỒNG MÍT RUỘT ĐỎ LỢI NHUẬN CAO
Văn Vũ sản xuất
Xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, là một trong 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Hậu Giang. Những năm qua, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, theo Đề án 1000 về cải tạo vườn tạp, toàn địa bàn xã hiện có hơn 120 ha đất được người dân chuyển đổi giống mới sang trồng mít theo hướng hữu cơ, trong đó có hơn 30ha trồng mít ruột đỏ.
Theo người dân, ưu điểm của mít ruột đỏ là kiểm soát được bệnh xơ đen, hạn chế chết cây, với giá từ 30.000 đến 60.000 đồng/kg, với khoảng 1 ha người trồng lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng mỗi năm.
Ông Phạm Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Thạnh Xuân cho biết, năm qua ngành chức năng địa phương đã hỗ trợ cho người dân trồng mít theo hướng hữu cơ, thường xuyên mở các lớp tập huấn hướng dẫn khoa học kĩ thuật, đặc biệt là chương trình Globalgap, có mã vùng trồng, để đảm bảo mít có thể xuất bán đến các thị trường khó tính.
VƯỜN TÙNG TRĂM TUỔI GIỮA LÒNG THÀNH PHỐ
Thanh Nga sx
Nhà vườn Thành Vinh, ở phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh hiện đang chăm sóc, trưng bày khoảng 60 gốc tùng la hán để chuẩn bị phục vụ nhu cầu dịp tết nguyên đán Ất tỵ 2025.
Theo anh Đỗ Duy Hiệu, chủ nhà vườn, tại đây các gốc tùng có tuổi đời hàng chục đến trăm tuổi được nghệ nhân cắt uốn thành nhiều dáng, thế uyển chuyển. Hiện tại thị trường bán chủ yếu cho khách trong tỉnh và một số tỉnh lân cận, có những gốc tuổi đời từ 70 đến 100 năm, thế cây đẹp có giá bán giao động trên dưới 1 tỷ đồng.
Tùng La Hán những năm gần đây được nhiều người dân lựa chọn mua dịp Tết. Bởi loài cây này được cho là có ý nghĩa phong thủy của sự trường thọ, may mắn và tài lộc. Cây được xem như "thần giữ của" trong gia đình để xua đuổi mọi tà khí và mang đến bình an.