Làm các tuyến đường lâm nghiệp là chủ trương đúng đắn được tỉnh Bắc Kạn triển khai, nhưng việc triển khai nhiều tuyến đường gặp khó khăn do khâu vận động chưa được kỹ.
Mở đường lâm nghiệp ở Bắc Kạn nên khởi công từ khâu tuyên truyền, vận động
Xác định phát triển kinh tế rừng là hướng đi mũi nhọn nên những năm gần đây, tỉnh Bắc Kạn tập trung đầu tư làm hàng trăm tuyến đường lâm nghiệp nhằm giảm chi phí sản xuất, vận chuyển, gia tăng giá trị gỗ rừng trồng. Chủ trương đúng đắn và ý nghĩa là vậy, nhưng trong quá trình triển khai do vướng mắc khâu giải phóng mặt bằng nên nhiều tuyến đường lâm nghiệp đang chậm tiến độ, thậm chí phải dừng thi công gây lãng phí và cản trở sự phát triển của ngành lâm nghiệp tỉnh. Điển hình là tuyến đường lâm nghiệp dài 3km ở phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn được xây dựng phục vụ vùng nguyên liệu gỗ 100ha cho người trồng rừng nơi đây. Ban đầu, người dân đã đồng ý hiến đất để mở đường, nhưng khi triển khai thực tế nhiều hộ lại không đồng ý hiến đất nữa. Không có mặt bằng, bất đắc dĩ, nhà thầu phải dừng thi công.
Ông Trình Văn Toản, Công ty TNHH 5H
Nếu theo thiết kế là 4m, nhưng bây giờ mới hiến cho có hơn mét thôi thì thực tế đường bây giờ còn thiếu, chưa được 3m còn thiếu hơn 1 mét nữa. Đấy chỗ to còn chỗ nhỏ còn thiếu hơn 2m nữa.
Vướng mắc tại Huyền Tụng cũng là thực tế đang diễn ra ở nhiều công trình thi công đường lâm nghiệp khác của tỉnh Bắc Kạn. Do đây đều là các dự án đặc thù, không có nguồn ngân sách để giải phóng mặt bằng nên đều phải dựa trên cam kết tự nguyện hiến đất của người dân. Tuy nhiên, thực tế khi bắt tay vào thi công hầu hết các tuyến đường đều phát sinh vướng mắc, trong đó chủ yếu là là khâu đền bù, giải phóng mặt bằng cho thấy khâu vận động, tuyên truyền hiện chưa được làm kỹ lưỡng và thấu đáo.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình NN-PTNT tỉnh Bắc Kạn
Đơn vị cũng đã triển khai với tất cả ban ngành địa phương, họp tuyên truyền vận động bà con người dân có ý kiến tự nguyện hiến đất rồi, nhưng bây giờ có chỗ bà con lại tiếc lại rào vào có tuyến chỉ mở được 2 đến 3m nên rất khó khăn trong công tác mở tuyến ban đầu.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn
Làm kinh tế từ rừng thì yếu tố giao thông để vận chuyển các sản phẩm từ rừng ra thị trường là yếu tố quyết định đến giá thành sản xuất, thu nhập cao hay không cao thì yếu tố này cũng quyết định rất lớn.
Được biết, chi phí vận chuyển cây giống, vật tư và gỗ khi khai thác hiện chiếm 30 đến 40% giá trị một sản phẩm nên việc mở đường lâm nghiệp là rất cần thiết để giảm chi phí cho người trồng rừng. Nhưng với thực tế hiện nay tại Bắc Kạn, nếu địa phương không làm tốt, làm kỹ công tác tuyên truyền, vận động, các dự án đầy ý nghĩa trên sẽ bị chậm tiến độ, qua đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của chính người trồng rừng. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn, hiện đơn vị này đang triển khai 183 tuyến đường lâm nghiệp với tổng chiều dài 445km, tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng.