Chương trình 'Nụ cười đoàn viên' đã tổ chức Trung thu cho 150 em nhỏ bị bệnh ung thư ở các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội. Tại đây, các em được rước đèn, phá cỗ, và cùng nhau tạo nên những kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời của mình.
Ngày hội trăng rằm của những thiếu nhi chiến đấu với ung thư
Chương trình “Nụ cười đoàn viên” đã tổ chức Trung thu cho 150 em nhỏ bị bệnh ung thư ở các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội. Tại đây, các em được rước đèn, phá cỗ, và cùng nhau tạo nên những kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời của mình.
Tết Trung thu, mỗi năm, là dịp đặc biệt đối với các em nhỏ trên khắp cả nước. Tuy nhiên, không phải tất cả các em đều có cơ hội trải qua một Tết Trung thu trọn vẹn. Có những em không may mắn khi mắc những căn bệnh hiểm nghèo, phải sống phải gắn bó với những chai truyền, mũi tiêm hay các lần trị xạ, và các em không thể tham gia vào niềm vui của ngày hội này như các bạn cùng trang lứa.
Biết được những nỗi buồn đó, Tại quán cơm "Nụ cười Shinbi" đã tổ chức một bữa tiệc nhỏ mang tên “Nụ cười đoàn viên” dành tất cả các bệnh nhi, đặc biệt là các em bệnh ung thư quái ác, được tham gia vào những hoạt động truyền thống của lễ hội trăng rằm. Các em được rước đèn, phá cỗ, và cùng nhau tạo nên những kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời của mình.
Đứng ra tổ chức chương trình “Nụ cười đoàn viên” do vợ chồng anh chị Võ Tiên Lâm (45 tuổi) và chị Nguyễn Trà My (37 tuổi) hiện đang sinh sống tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, cũng là những người sáng lập ra quán cơm từ thiện 2.000 đồng với khoảng 40 tình nguyện viên tham gia. Quán cơm này chủ yếu phục vụ cho các bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện K3 Tân Triều và những người nhà đi chăm người thân.
17 giờ, 3 chiếc xe 54 chỗ chở 150 em nhỏ bị bệnh ung thư cũng vừa đến cổng, những đứa trẻ còn ngồi xe lăn, có những bé trên tay vẫn còn kim truyền từ từ được bố mẹ đưa vào khu vực sân khấu. Những đôi mắt long lanh như xóa hết những mệt nhọc sau 1 ngày điều trị.
Để tránh cho những cháu bé bị đói và mệt, một tiệc buffet nhẹ được bày sẵn ở phía ngoài sân khấu, các bé và phụ huynh xếp hàng lấy đồ ăn thoải mái. Sau khi ăn uống, các tình nguyện viên sẽ dẫn các em vào sân khấu, và thưởng thức các tiết mục vô cùng vui nhộn và hào hứng.
Đối với Anh Lâm và chị My hay các tình nguyện viên, được nhìn thấy những nụ cười của con trẻ, được nhận những lời cảm ơn của các bậc phụ huỵnh là thấy hạnh phúc rồi. Tất cả mọi người đều hy vọng rằng dù chương trình chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng cũng đủ để các em thấy hạnh phúc hơn, có tinh thần hơn để vượt qua bệnh tật. Những tinh thần lạc quan ấy, giúp các em cũng vượt qua chính mình.
Để một ngày nào đó khi khỏi bệnh, các em lại được về ngôi nhà nhỏ của mình, được ngắm nhìn các chú Lân ông Địa bên những hồi trống diễn. Và hơn hết là được đi cùng bạn bè trang lứa rước đèn dưới ánh trăng rằm.