Nhờ có nguồn nước sạch, xa khu dân cư sinh sống, mô hình nuôi cá tầm nước lạnh của ông Trần Văn Mạ (xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) đã mang lại nguồn thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Nuôi cá tầm mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng
Cá tầm là loài cá nước ngọt, chủ yếu được nuôi ở nơi có khí hậu mát mẻ, nguồn nước có nhiệt độ thấp. Ở huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh), người đàn ông dân tộc Sán Chỉ Trần Văn Mạ đã tiên phong nuôi cá tầm nước lạnh thành công.
Pv Ông Trần Văn Mạ: Tôi triển khai mô hình nuôi cá tầm nước lạnh từ năm 2021, đến nay được hơn 1 năm. Tôi thấy mang lại hiệu quả giá trị kinh tế cao, phù hợp với không khí, môi trường ở thôn Khe San. Trước đây, tôi có nuôi các loại cá khác như cá rô phi, sau một thời gian tôi thấy nơi đây rất hợp để nuôi loài cá tầm nước lạnh này.
Trên diện tích 7000m2 với 5 ao phủ bạt, khoảng hơn 6.000 con cá tầm giống nhập từ Sapa được ông Mạ thả nuôi. Tuy nhiên, việc nuôi cá tầm cần chú ý nhiều yếu tố, đặc biệt là nguồn nước.
PV Ông Trần Văn Mạ: Con cá tầm phải sống ở môi trường sạch, không cho thừa thức ăn trong ao nuôi, nước đục cũng không được, hay có người đào đường, làm công trình ở trên đầu nguồn cũng không làm được. Có nhà ở bên trên nguồn nước cũng khó nuôi.
Thức ăn chủ yếu cho cá là cám, giúp cá lớn nhanh và hạn chế được dịch bệnh. Sau hơn một năm, cá đã đạt từ 2 đến 3kg/con và có thể xuất bán.
PV Ông Trần Văn Mạ: Đầu tiên chi phí cho làm ao và cá giống là khoảng 500 triệu. Tháng 3 vừa rồi tôi bán một lứa cá đi được 2 tấn. Tôi tính được khoảng 400 triệu, cũng gần về vốn rồi.
Thời gian tới, ông Mạ dự định sẽ nhập thêm 4.000 con cá tầm giống, đào thêm ao cho khách trải nghiệm quy trình nuôi cá và tự tay bắt cá lên chế biến món ăn. Bên cạnh đó, ông Mạ sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm nuôi cá tầm cho bà con dân tộc tại Tiên Yên, từ đó mở rộng các mô hình nuôi giống cá mang lại hiệu quả kinh tế cao.