Không chỉ mang lại thu nhập cao cho người dân, nghề trồng hoa giấy ở Phú Sơn, Chợ Lách, Bến Tre còn là điểm nhấn quan trọng, góp phần phát triển du lịch nông thôn.
LÀNG HOA GIẤY PHÚ SƠN
Làng hoa giấy Phú Sơn (ấp Lân Đông, xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách, Bến Tre) đã hình thành được hơn 20 năm. Nghề trồng hoa giấy ở đây đang trên đà phát triển nhờ những tiến bộ kỹ thuật và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Không chỉ mang lại thu nhập cao cho người nông dân, nghề trồng hoa giấy ở Phú Sơn còn là điểm nhấn quan trọng trong không gian Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách của tỉnh Bến Tre, góp phần quan trọng vào sự phát triển du lịch nông thôn nơi đây.
Nghề trồng hoa giấy ở ấp Lân Đông, xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách bắt đầu từ hơn 20 năm trước. 5 năm gần đây, nghề trồng hoa giấy được mở rộng quy mô với khoảng hơn 100 hộ, đạt gần 1 triệu sản phẩm/năm. Đặc biệt, tại đây đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất hoa giấy, với 41 hộ tham gia, trên diện tích khoảng 8 ha.
Trước kia, mỗi gốc cây chỉ trồng thuần chủng một màu, nhưng mấy năm gần đây, kỹ thuật tay nghề các nhà vườn được nâng cao, không chỉ xử lý hoa nở đúng dịp mà bà con còn ghép thành công hoa giấy nhiều màu tam sắc, tứ sắc, ngũ sắc trên cùng một cây. Có những cây trồng lâu năm, kiểu dáng bonsai đẹp, có giá tới vài chục triệu đồng.
Ông Phan Thế Dũng, người dân Làng nghề hoa giấy Phú Sơn.
Hoa giấy bây giờ so với ngày xưa có cải tiến chút xíu. Cải tiến ví dụ như hồi đó mình vô phôi nhỏ dăm xuống đất, còn bây giờ vô bịch hoặc chậu mủ, chậu sành để trên mặt đất và lót mủ nữa thì đỡ cỏ. Giờ làm có điều kiện hơn xưa rất nhiều vì bây giờ thuốc BVTV có đủ loại thuốc cho mình áp dụng nên làm bông cũng dễ dàng. Ngày xưa từ kinh nghiệm dân gian, không có đủ điều kiện do đó bông và màu sắc không đạt, bây giờ kết hợp khoa học kỹ thuật nông nghiệp với xài phân thuốc thì bông nó đạt hơn, màu đẹp hơn.
Sự tham gia nghiên cứu và phối hợp với người trồng hoa giấy của các viện, trường cũng đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao tay nghề của nông dân cũng như chất lượng hoa giấy Phú Sơn, giúp cho cây hoa giấy đóng vai trò quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp để phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế trên địa bàn và thích ứng với những tác động từ biến đổi khí hậu
Anh Trần Thanh Phương, Thành viên Tổ hợp tác sản xuất hoa giấy xã Phú Sơn
Kỹ thuật so với thời xưa ông bà mình làm là bây giờ giữ cánh hoa lâu tàn, từ lúc hoa nở đến khi hoa tàn là khoảng 1 tháng đến 1 tháng rưỡi hoặc 2 tháng tùy theo loại bông. Lúc đầu chở hoa đi bán chỉ được khoảng 30% hoặc còn 10%, cũng có khi chở hoa đi bán rồi phải chở về vì bị rụng bông còn cây không bán không được. Từ năm 2010 đến nay kết hợp với Trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu các chất chống rụng cánh hoa giữ được cánh hoa lâu tàn giúp cho kinh tế bà con nâng lên rõ ràng.
Trong những năm gần đây, để chủ động ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, nông dân Phú Sơn đã chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp trữ nước ngọt tưới cây. So với các loại hoa khác thì cây hoa giấy dai sức hơn khi chịu độ mặn lên tới 3‰, càng xiết nước, bông càng nở dày và rực rỡ.
Hoa giấy Phú Sơn không chỉ được bán trong dịp Tết mà nhà vườn đã sản xuất và tiêu thụ quanh năm. Xã Phú Sơn đang thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa hoa giấy Phú Sơn, qua đó khẳng định thương hiệu và để bảo vệ uy tín, danh tiếng cho sản phẩm chủ lực tại địa phương.
Ông Phan Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Sơn
Hiện nay chỗ làng nghề hoa giấy ấp Tân Đông trên địa bàn xã Phú Sơn phát triển rất khả quan. Qua các năm, tình hình cây bông giấy hiện nay được bà con phát triển ngày càng rộng lớn hơn. Về tình hình kinh tế với cây hoa giấy mang lại thu nhập cho bà con khá ổn định. Về tương lai làng nghề thì người dân rất phấn khởi khi để quảng bá sản phẩm của mình ra thị trường các nơi đem lại thu nhập rất cao cho ba con. Huyện, tỉnh cũng đã đầu tư vào Làng văn hóa du lịch đi qua bốn xã Phú Sơn, Vĩnh Hòa, Long Hới và Vĩnh Thành. Hướng tới đây địa phương cũng sẽ tạo thương hiệu sản phẩm của bông giấy thành sản phẩm OCOP.
Hiện chính quyền xã Phú Sơn đang vận động, hướng dẫn các hộ dân trên địa bàn thay đổi tập quán sản xuất theo hướng liên kết, chú trọng chất lượng, áp dụng khoa học kỹ thuật để lai tạo đổi mới mẫu mã sản phẩm,.... đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường.
Huyện Chợ Lách cũng đang tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng đường sá, đê bao thủy lợi để ngăn mặn, trữ ngọt, phục vụ sản xuất cho bà con và thúc đẩy phát triển khu vực này. Đề án Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân cũng là cơ hội cho sự phát triển của Làng hoa giấy Phú Sơn .