| Hotline: 0983.970.780

[Bài 12]: Về nơi từng phải xua 'tà ma' cho cây hoa giấy

Thứ Ba 02/08/2022 , 07:09 (GMT+7)

BẾN TRE Năm 2015, trên mạng xuất hiện thông tin trưng hoa giấy thu hút tà ma, chất chống rụng cánh cho hoa giấy gây ung thư. Vậy là Tết đó, cả làng hoa Phú Sơn ế.

Cuộc giải cứu vô tiền, khoáng hậu

Bài liên quan

Anh Trần Thanh Phương, một nhà vườn sản xuất hoa giấy ở ấp Lân Đông (xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách, Bến Tre) hồi tưởng lại: "Bình thường dịp Tết tôi tiêu thụ 500 - 1.000 gốc hoa giấy, doanh thu 300 - 400 triệu đồng, nhưng Tết đó thuê nguyên lô ở Trung tâm hội nghị tỉnh Đồng Nai để bán mà ế quá đành phải chở về. Nhiều người dân trong ấp cũng lâm vào cảnh ấy, không ai muốn ăn Tết, muốn nhậu nữa bởi rượu uống đắng mồm, nuốt không có vô.

Chúng tôi làm nhà ở ngay trong vườn, lúc sửa cây, thay bầu, phải mang vào hiên, vào nhà để tránh mưa, nếu có chất độc trên chế phẩm giữ hoa thì là người hứng chịu đầu tiên. Còn ông bà ta xưa chơi hoa giấy đã lâu đời rồi, nếu mà bị tà ma, quỷ ám thì ai dám?"

Anh Trần Thanh Phương (trái) và cán bộ xã Phú Sơn đang đi thăm vườn hoa giấy. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Trần Thanh Phương (trái) và cán bộ xã Phú Sơn đang đi thăm vườn hoa giấy. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

Sau này, GS.TS Vũ Gia Hiền (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Văn hóa Du lịch, đồng thời là cố vấn nhóm Sáng tạo Khởi nghiệp Bến Tre) đã ra sức cứu nghề trồng hoa giấy ở đây. Ông kể: “Khi nghề trồng hoa giấy đang phát triển, tự nhiên có nhóm nào đó trên mạng xã hội cho rằng hoa giấy là loại hoa thờ cúng ma quỷ khiến cho 1 - 2 năm liền bà con không thể bán được vì người ta sợ, không dám mua. Mà hoa giấy là hoa chủ đạo của nhiều xã của huyện Chợ Lách.

Tôi nghe thấy thế mới thương người dân quá, muốn cứu nên nghĩ phải “chơi” theo cách rất dân gian. Đầu tiên tôi làm một bài thơ, tả giá trị của cây hoa giấy theo hướng là hoa linh thiêng từ việc Thần Nông tạo ra thứ hoa không nhân quả. Dựa trên lý thuyết của đạo Phật thì đó là hoa của trời, của Phật rồi, đã siêu thoát.

Tôi gửi bài thơ cho huyện rồi để cho dân mạng xã hội lan tỏa ra. Thứ hai, tôi thấy không chắc ăn nên viết một bài văn đưa lên mạng tả về lý do để có cây hoa giấy, rằng Thần Nông đã tạo ra loài hoa không nhân quả, có thể xua đuổi tà ma nên giá trị phong thủy rất lớn. Bản thân cây hoa giấy không có truyền thuyết, không có gì để khẳng định nó cả, bởi thế tôi phải sáng tác ra những “truyền thuyết” ấy.

Gần Tết năm đó, nhân có cuộc hội thảo đầu bờ về cây hoa giấy do UBND tỉnh tổ chức, tôi lại kéo 17, 18 nhà khoa học về để giải thích cho bà con nghe. Sau khi có thơ, có văn, có “truyền thuyết”, lại còn có cả hội thảo khoa học về cây hoa giấy, bọn nói lung tung rằng hoa giấy thu hút tà ma tự dưng chạy mất dép”.

Anh Trần Thanh Phương đang tạo dáng cho một gốc hoa giấy. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Trần Thanh Phương đang tạo dáng cho một gốc hoa giấy. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

Thêm vào đó, UBND xã Phú Sơn hồi đó cũng có văn bản mời đại diện của Đại học Cần Thơ về giải thích, khẳng định rằng trong chế phẩm giữ hoa của mình không có tác nhân gây ung thư thì tình hình mới tạm yên.

Anh Phương là thành viên của Tổ hợp tác hoa giấy với 44 thành viên. Nếu tính cả ấp Lân Đông này, dễ đến hơn 100 hộ làm hoa giấy, mỗi nhà vườn diện tích trung bình 500 - 6.000m2, làm từ 1.000 - 5.000 gốc/năm. Xét về quy mô so với làng hoa Sa Đéc của tỉnh Đồng Tháp thì thua xa nhưng ở đây lại có thu nhập rất cao, trong đó nhiều hộ đạt mức 700 - 800 triệu đến 1 tỉ đồng/năm bởi nông dân không bán thô, mà bán có trí tuệ, tất cả đều được uốn tỉa, ghép nhiều màu.

Lại kể một chút về chế phẩm giữ hoa lâu rụng, anh Phương bảo xưa hoa giấy cổ truyền chỉ đậu được vài ngày, khi vận chuyển đi xa sẽ bị rụng hết bông. Một dịp có thầy Bé của trường Đại học Cần Thơ đưa sinh viên về thực tập, biết được tình hình đó mới quyết định nghiên cứu ra loại chế phẩm để giữ hoa giấy tồn tại lâu trên thân. Hồi đó, anh là cán bộ khuyến nông xã đã cùng anh Huỳnh Thanh Tâm xin tiên phong thử nghiệm.

Đoàn của thầy Bé cứ đi đi, về về xã để thử nghiệm nhưng không thành công bởi hoa tuy có đậu nhưng bông bị xoắn, màu sắc không đẹp. Cuối cùng thầy đành quyết định mang mấy cây về trường để thử nghiệm luôn tại chỗ cho tiện theo dõi. Kết quả là đạt cả đậu lẫn đẹp bông. Cầm cây mà lắc hoa cũng không rụng, để lâu được cả tháng hoa vẫn giữ nguyên sắc màu.

Vườn cây của anh Phi rực rỡ sắc màu với nhiều loại hoa giấy. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vườn cây của anh Phi rực rỡ sắc màu với nhiều loại hoa giấy. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chế phẩm giữ hoa được áp dụng đồng loạt vào năm 2010. Lúc đầu Phú Sơn chưa có đường to, anh Phương còn phải chở hoa giấy bằng ghe, xuồng xuống bến Cái Mơn để bán, vụ đầu tiên lãi 30 triệu đồng đã vui lắm rồi. Từ dịp Tết năm 2013, không còn cảnh ghe, xuồng nữa khi đường lớn đã mở, xe ô tô, xe lôi kéo dài vài km đến ấp Lân Đông để hỏi mua hoa, khỏi cần phải chở đi đâu nữa. Trên là trời, dưới là hoa, với trên 30 giống, trên 100 màu như hồng gân, hồng Sakura, màu Ấn, màu Thái, cẩm thạch, đỏ, vàng, sắc pháo… Nhờ kỹ thuật làm hoa nở đúng trà, bông đạt nên trước chỉ bán từ Nam Trung bộ trở vào, giờ sản phẩm của ấp Lân Đông còn bán ra tận ngoài Hà Nội.

Trên địa bàn xã Phú Sơn hiện có 5 làng nghề cây giống, hoa cảnh với trên 1.000 hộ, có 7 tổ hợp tác sản xuất thu hút khoảng 500 hộ tham gia liên kết. Mức thu nhập của tổ viên khá ổn định, ước đạt hơn 100 triệu đồng/người/năm.

Chuyện của ông Sáu Dũng

Dưới tàng cây hoa giấy màu trắng khổng lồ, bóng ông Phan Thế Dũng hay thường gọi là Sáu Dũng cứ tiến tới tiến lui, cây kéo trong tay thoăn thoắt tỉa lá, cắt cành. Năm nay 64 tuổi, ông được bà con chòm xóm yêu quý vì tay nghề cao, cuối năm nào bông cũng đạt nhiều, màu sắc hoa rực rỡ hơn nhiều vườn khác.

Ông Phan Thế Dũng đang cắt tỉa cho cây hoa giấy trắng trong vườn. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Ông Phan Thế Dũng đang cắt tỉa cho cây hoa giấy trắng trong vườn. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Đổ một câu đờn ca tài tử rất ngọt rồi hớp ngụm trà, ông thủng thẳng kể: “Bố tôi làm bông giấy (hoa giấy) từ những năm 1960, sau đó mấy anh em tôi người nào cũng làm chút đỉnh, Tết đi chợ tỉnh bán. Hồi đó chỉ có loại bông giấy đỏ, bông giấy cao bồi (trắng đỏ). Hơn 10 năm nay khi có thuốc cầm bông, đi xa được, làm nhiều thì thương lái mới chịu mua.

Mình chuyên về trồng trọt phải tìm hiểu, học hỏi về phân thuốc, cách chăm sóc. Như tôi đây, làm mấy chục năm, từ nhỏ tới giờ vẫn phải rút kinh nghiệm hàng năm vì mỗi năm thời tiết lại tạo ra cho cây một tình huống mới. Nắng hoa giấy ra bông nhiều, rất dễ làm nhưng mưa thì phải xử lý thế nào, rồi đất làm lâu năm mầm bệnh lưu trữ cũng nhiều nữa.

Lúc nào trong vườn tôi cũng có 5.000 - 6.000 cây hoa, lúc mua phôi ở Sa Đéc về giá 5 - 6.000đ/ bịch, nuôi được vài tháng thì ghép màu, cuối năm bán được khoảng 100.000đ/chậu. Thường tôi phải mướn 1 - 2 người làm, nhưng khi rộ phải mướn tới cả 10 người. Tính ra, mỗi năm lời khoảng vài ba trăm triệu chứ đâu có nhiều! Giờ tôi sức yếu nên làm những cây nhỏ cho dễ làm, dễ bán chứ với những người trẻ như thằng Phi cháu tôi, nó là trùm luôn do có vốn, đầu tư mua toàn gốc lớn về tạo tán rồi ghép nhiều màu. Vườn của nó người ta kéo rần rần đến xem, kể cả những “ông to, bà lớn”.

Những thân cây hoa giấy khủng, đẹp trong vườn của anh Phi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những thân cây hoa giấy khủng, đẹp trong vườn của anh Phi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Người già thường lắm hồi tưởng, ông Sáu Dũng kể, xưa chưa có đường, đi lại khó khăn, lên thị trấn cũng toàn đò chứ không có xe. Năm 1995, vợ ông buôn bán ở chợ, còn ông làm vườn xong thường phải lội bộ vào trong đó, mấy hôm trời mưa bùn ngập tận mắt cá chân, khổ không để đâu cho xiết. Năm 1998, Phú Sơn có đường, dân bắt đầu trồng cây ăn trái thay cho lúa, phất lên chút đỉnh, rồi đến bây giờ là hoa giấy.

 “Xưa dân quê lên thành phố cứ thấy ngơ ngơ kiểu gì ấy nhưng giờ người quê nhận thức cũng ngang với người thành phố rồi. Phát triển lẹ thiệt! Mới đây mà lộ (đường) đã ngon lành hết. Về Bến Tre giờ không thấy đò ghe nữa, phà cũng ít rồi, xe đạp không mấy ai còn chịu đi, toàn honda (xe máy), xe hơi mà chạy không hà”, ông Sáu Dũng cười khà khà, sảng khoái.

Làng hoa Phú Sơn vào dịp Tết. Ảnh: Tư liệu UBND xã cung cấp.

Làng hoa Phú Sơn vào dịp Tết. Ảnh: Tư liệu UBND xã cung cấp.

Trong cái miên man của mạch chuyện làng, chuyện nghề, tôi được nghe ông Đặng Quốc Việt, Phó Chủ tịch xã Phú Sơn thông báo một tin vui, xã mới đạt nông thôn mới nâng cao. Nghề hoa giấy đã có công không nhỏ trong thành tích ấy khi mỗi năm đem lại khoảng 100 tỉ đồng cho địa phương, góp phần tạo ra thu nhập bình quân đầu người 61 triệu đồng/năm cho cái xứ trước đây nhiều dân nghèo chỉ biết có tha hương này.

“Tết đến đây anh sẽ thấy nhiều người không muốn rời đi vì cảnh quá đẹp, khách chụp hình đông lắm! Huyện Chợ Lách đang quy hoạch làng văn hóa du lịch gồm 4 xã Phú Sơn, Vĩnh Hòa, Vĩnh Thành và Long Thới, khi đó sẽ góp phần đẩy mạnh thương hiệu cho cây hoa giấy. Về bà con, phần sản xuất vẫn duy trì, còn phần du lịch sẽ cho khách vào chụp ảnh, thu phí, đồng thời giới thiệu luôn sản phẩm để có thể đi xa hơn nữa. Tới đây, xã sẽ phối hợp các cơ quan liên quan, mở lớp tập huấn cho các nhà vườn cách làm du lịch như thế nào, cách bày hàng ra sao cho thu hút khách...", ông Đặng Quốc Việt, Phó Chủ tịch xã Phú Sơn cho biết.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Thủ phủ cam Cao Phong tái canh để cứu cây đặc sản

Cao Phong, Hòa Bình từng là thủ phủ cam nổi tiếng của miền Bắc nhưng khi giá bán hạ, bệnh phát sinh khiến địa phương này phải tính đến bài toán tái canh.