- Thời vụ giâm cành: Từ xa xưa nhà nông đã có câu, “Tiết tháng 2 trồng cán mai cũng sống”. Kinh nghiệm sản xuất đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Vì vậy, thời vụ cho giâm cành nhân giống cây hoa giấy tốt nhất là vào tháng 2 dương lịch (sau tiết Lập xuân). Các tháng khác trong năm cũng giâm cành nhân giống cây hoa giấy được, nhưng tỷ lệ sống của cành giâm đạt rất thấp.
- Chọn cành giâm: Như trên đã nêu, hoa giấy là cây rất dễ nhân giống vô tính bằng phương pháp giâm cành. Trừ các phần ngọn cây, ngọn cành non hơn màu bánh tẻ, còn lại các đoạn thân khác trên cây đều có thể giâm cho ra rễ. Tuy nhiên, để giâm giống đạt tỷ lệ sống cao, cần chọn những đoạn cành ≥3 năm tuổi, dài 20-25 cm, đường kính 1-2 cm, có từ 3-4 đốt gai (mắt ngủ). Nếu kết hợp thêm thuốc kích ra rễ, tỷ lệ các cành sống sau giâm sẽ đạt trên 85%.
Lưu ý: Các vết cắt phân cành giâm phải thật phẳng, mịn, không bầm giập. Nên dùng dao sắc gọt quanh gốc cành, loại bỏ bớt một phần nhỏ vỏ bì bị giập xước, giúp tăng tỷ lệ ra rễ. Các cành giống sau cắt cần được xếp gốc, ngọn cùng chiều, nhằm tránh nhầm lẫn khi giâm cành. Với cành giống có đường kính ≥3cm phải cắt vát 2 bên gốc cành tạo ra một hình nêm dài 3-4 cm, để tăng khả năng thấm thuốc kích rễ, tăng tỷ lệ sống.
- Giá thể giâm cành và kỹ thuật giâm cành: Tuyển lấy cát mịn ven sông, mang về phơi 2-3 nắng to cho tiệt trùng và sạch nấm bệnh. Sau trải đều cát thành lớp dày 15-20 ở nơi thoáng mát và thoát nước. Pha loãng thuốc giâm cành theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Nhúng từng bó gốc cành giống vào dung dịch thuốc khoảng 1 phút. Nhấc ra, chờ cho bó cành giống se nước mới tiến hành cắm từng gốc đoạn cành vào nền cát (đã chuẩn bị trước). Khoảng cách giâm 5 x 5 cm/1 cành. Tưới nước giữ ẩm thường xuyên giá thể cát và cành giống. Sau giâm 20-30 ngày, cây nhú rễ, bật mầm thì chuyển trồng lên chậu.
- Chọn chậu trồng và giá thể trồng: Nên chọn loại chậu nhựa giấy chuyên dùng màu đen để dễ xếp xe vận chuyển đi tiêu thụ xa. Kích thước chậu, 30 x 35cm, có lỗ thoát nước đáy. Giá thể trồng theo tỷ lệ khối lượng gồm, 70% đất ải + 15% trấu trắng + 13% phân gà + 2% vôi bột.
Trộn đều giá thể và ủ kín 3-4 tháng mới đem đóng chậu trồng cây giống. Chú ý, bứng nhẹ cành giống, bới đất trồng sâu khoảng 4-5 cm vào giữa chậu, rồi nén chặt. Sau đó đặt từng chậu cach nhau 60 x 60 cm trên nền ruộng đã trải bạt nông nghiệp, giúp thoát nước nhanh, tránh úng ngập cục bộ, tránh phân bón thấm xuống đất gây ô nhiễm các mạch nước ngầm.
Hoa giấy là cây ưa nắng nhưng không chịu được độ ẩm quá cao. Chỉ tưới nước khi thấy giá thể trong chậu chuyển màu khô ải.
- Chăm sóc cây trên chậu: Bón NPK 13+13+13+TE định kỳ 25-30 ngày/lần. Liều lượng, 1 kg NPK rắc gốc cho 30-15 chậu hoa giấy, tùy thực tế sinh trưởng của cây. Kết hợp phun phân Atonik 1.8 qua lá, kích thích cây phát triển cân đối, tăng tốc bật mầm.
Khi mầm cây vươn dài hơn 20 cm, tiến bấm ngọn tạo tán. Để lại các cành trên cây dài 20 cm và 3 lá non. Việc bấm ngọn cành cần được tiến hành thường xuyên, để cây sớm đạt được bộ tán xum xuê, tăng giá trị thu hoạch.
Phòng trừ sâu bệnh: Cây hoa giấy cơ bản không bị nhiễm sâu bệnh hại. Tuy nhiên trong điều kiện sản xuất thương mại, có thể xuất hiện bệnh thán thư hại lá. Cần giữ cho vườn cây thông thoáng và tiêu thoát nước kịp thời khi có mưa.
Tuyệt đối không để nền vườn và giá thể chậu cây quá ẩm. Vào các ngày thời tiết âm u, độ ẩm không khí ≥ 80%, có thể phun phòng thán thư bằng một trong các thuốc, Score 250ND, Rocksai Super 525SE, Cure Super 300EC, Help 400SC, Nevo 330EC… Sử dụng thuốc theo hướng dẫn ghi trên bao gói.
- Xuất vườn: Cây hoa giấy giâm, trồng từ đầu năm tới cuối năm đã cho xuất bán ra thị trường. Nếu kéo dài thời gian chăm sóc cho cây lớn hơn, sẽ bán được giá cao hơn. Ngoài ra còn có thể uốn tỉa, tạo tán cho cây thành các dáng thế nghệ thuật hoặc ghép thêm các màu sắc hoa khác nhau cho cây, giá trị kinh doanh sẽ cao hơn gấp bội.